Độc đáo chiếc túi thổ cẩm của người Khơ Mú

Với đồng bào Khơ Mú ở Điện Biên, chiếc túi vải thổ cẩm đóng vai trò cực kỳ quan trọng, gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mỗi loại túi có màu sắc, họa tiết trang trí, kích cỡ khác nhau nhưng có chung một đặc điểm đó là mang đậm dấu ấn nghề trồng bông, dệt vải của người Khơ Mú.

Túi vải thổ cẩm, nét đẹp của nghề trồng bông, dệt vải

Đồng bào Khơ Mú là một trong những cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Điện Biên. Cho đến nay cộng đồng người dân tộc Khơ Mú tỉnh Điện Biên còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, trong đó có nghề dệt túi vải thổ cẩm được chị em phụ nữ Khơ Mú lưu truyền từ đời này qua đời khác, như một nét văn hóa đặc trưng của nghề trồng bông, dệt vải.

Đối với đồng bào Khơ Mú, nghề dệt túi vải thổ cẩm là một nét đẹp văn hóa. Ảnh: Lương Trọng Giáp

Đối với đồng bào Khơ Mú, nghề dệt túi vải thổ cẩm là một nét đẹp văn hóa. Ảnh: Lương Trọng Giáp

Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, bà Quàng Thị San, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ, cho biết, trong đời sống lao động và sản xuất, từ xa xưa người Khơ Mú đã biết trồng bông, dệt vải để tự làm ra những bộ trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa tộc người. Trang phục của người Khơ Mú thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc, hoa văn thêu dệt trên trang phục với nhiều màu sắc được kết hợp tinh tế mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Khơ Mú.

Đối với trang phục, ngoài quần áo, người dân tộc Khơ Mú rất chú trọng đến chiếc túi vải thổ cẩm. Túi thường được người dân tự tay dệt vải may lúc nông nhàn rảnh rỗi. Từ đời này sang đời khác, các bà, các mẹ sẽ chỉ dạy cho các con, các cháu cách thức dệt vải, may túi. Ai cũng có thể tự may túi cho riêng mình.

Theo bà Quàng Thị San, để có được chiếc túi thổ cẩm đòi hỏi rất nhiều công đoạn từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới có thể làm ra được sản phẩm. Theo đó, vào mùa thu hoạch bông, bà con sẽ chọn những quả bông đẹp nhất đem về tách hạt, bật bông cho tơi, kéo thành sợi sau đó ngâm với cháo cho sợi bông cứng rồi mang đi dệt thành vải.

Một chiếc túi thổ cẩm của bà con dân tộc Khơ Mú phải trải qua nhiều công đoạn

Một chiếc túi thổ cẩm của bà con dân tộc Khơ Mú phải trải qua nhiều công đoạn

Người Khơ Mú có cách dệt vải rất đặc biệt, đó là dệt vải bằng tay, không dùng chân. Vải dệt bằng cách một đầu cuộn chỉ trắng thẳng, dài được túm buộc cố định vào một cột nhà tại gian bếp để tận dụng ánh sáng. Một đầu cuộn chỉ được nối buộc vào dây thắt lưng vải của chị em phụ nữ quấn quanh eo buộc lại cho chắc. Mỗi một lần dệt, bà con thường dệt với khổ vải rộng hơn 20 phân, dài hơn 2 sải tay là vừa đủ để cắt, khâu thành một cái túi đeo hoàn chỉnh.

Người Khơ Mú có cách dệt vải may túi rất đặc biệt

Người Khơ Mú có cách dệt vải may túi rất đặc biệt

Túi vải thổ cẩm đặc trưng của người Khơ Mú có 3 loại chính: Túi màu trắng; túi nhiều màu và túi đỏ. Trong 3 loại túi, đơn giản nhất là túi màu trắng bởi kỹ thuật đơn giản không phải nhuộm màu chỉ. Túi đỏ được dệt bằng chỉ đỏ phối với chỉ đen, có các tua rua là các sợi chỉ đỏ dưới đáy túi, miệng túi được thêu thùa trang trí nhiều hình hoa văn. Cầu kỳ nhất là túi nhiều màu đòi hỏi người may phải tỉ mỉ trong việc phối màu cũng như trang trí các loại hoa văn trên vải.

Không thể thiếu trong nghi thức hiếu hỉ

Bà Quàng Thị San cho biết, đối với đồng bào Khơ Mú, chiếc túi không chỉ là vật dụng trang trí, đeo bên người để làm đẹp mà còn là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Túi dùng để đựng đồ khi đi chợ, túi dùng để đựng thóc, gạo… Đặc biệt, chiếc túi vải thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu trong nghi thức hiếu hỉ của bà con Khơ Mú.

Bà Quàng Thị San - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Kéo

Bà Quàng Thị San - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Kéo

Theo tập tục của đồng bào Khơ Mú, đến tuổi lập gia đình, khi đi cưới hỏi, chàng trai sẽ mang theo chiếc túi vải thổ cẩm. Chiếc túi sẽ dùng để đựng quần áo, các vật dụng cá nhân… mà cô dâu mang về nhà chồng. Khi khuất núi, chiếc túi cũng là vật dụng theo người đã mất sang thế giới bên kia.

Bà Quàng Thị San khẳng định với đồng bào Khơ Mú ở Điện Biên, chiếc túi vải thổ cẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Túi không chỉ là “phụ kiện” trang trí mà còn phản ánh văn hóa, tín ngưỡng của người dân tộc Khơ Mú. Có lẽ vì thế, theo dòng chảy thời gian, cuộc sống với máy móc hiện đại, bà con Khơ Mú vẫn cố gắng lưu giữ nghề dệt túi vải thổ cẩm, như một cách để giữ lại bản sắc văn hóa của độc đáo của mình.

Sơn Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/doc-dao-chiec-tui-tho-cam-cua-nguoi-kho-mu-c8a85885.html