Độc đáo di tích lịch sử - văn hóa chùa Hang - hang Chùa
Vẻ đẹp độc đáo của di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chùa Hang - hang Chùa thuộc thôn Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thủy) ở chỗ chùa Hang nằm ẩn trong hang đá, còn hang Chùa là thắng cảnh nổi tiếng với hệ thống hang động nằm giữa thung lũng phẳng. Đặc biệt, chùa Hang là ngôi chùa thờ Phật hiếm hoi ở vùng đồng bào Mường tỉnh Hòa Bình.
Vào dịp đầu năm, người dân trong vùng và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái chùa Hang - hang Chùa rất đông. Ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng, nhiều bà con đến vãn cảnh, thắp hương. Theo lý lịch di tích, chùa Hang (tên gọi khác là Văn Quang động) được xây dựng vào cuối đời Lê, đến đời các vị vua Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại được tu bổ, sửa sang phần kiến trúc cũng như những bậc đá lên hang. Chùa có 2 ngôi, ngôi bên phải là Tam Bảo, ngôi bên trái thờ thổ thần. Trong chùa có hệ thống tượng Phật được tạc từ thế kỷ XVIII. Đây đều là những công trình kiến trúc được các vị tiền nhân lợi dụng địa thế mái đá, vòm hang có sức bền vĩnh cửu giúp chống mưa, đỡ nắng.
Đến với di tích lịch sử - văn hóa này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng ngôi chùa có kiến trúc bằng gỗ nằm trong hang đá mà còn thăm hang Chùa để "mục sở thị” 4 chữ Hán khắc trên vách núi "Lăng tiêu tiếu bích” (ngọn núi biếc cao vút, sương phủ mờ ảo) cùng bài thơ ca ngợi động Văn Quang: Hang động thanh cao giữa hùng quan/Bốn phương chen đứng trập trùng san/Bệ Văn Quang, ngời ánh phúc/ Đưa bút đề thơ tạc núi non. Theo đồng chí Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thủy, gọi là hang Chùa vì trong 4 động ở đây có 2 hang động có chùa. Vẻ đẹp của hang không chỉ được chùa tô điểm mà tự thân cũng mang vẻ đẹp riêng bởi những bài ký, bài thơ được người xưa ghi lên vách đá vẫn vẹn nguyên giá trị, thiên nhiên trùng điệp của núi Đọc, đồng Mai.
Càng độc đáo hơn khi vào những năm cuối của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học phát hiện ở hang Chùa những vết tích của nền Văn hóa Hòa Bình. Tại hang 2 và hang 3 đã tìm thấy các công cụ đá và có tầng văn hóa rất dày thuộc thời đại đá giữa. Trong hang, những vỏ ốc, vỏ sò hóa thạch xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau tạo thành một "quả đồi vỏ ốc” vô cùng ấn tượng, minh chứng cho các trầm tích hóa thạch thức ăn của người xưa. Vào thời trung đại, dấu tích văn hóa cũng để lại ở đây khá đậm nét với quả chuông đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783). Người xưa cũng để lại những văn tự thành văn rất hiếm thấy trong các hang động ở Hòa Bình. Bên cạnh hệ thống hang động tự nhiên, ngoại cảnh núi hang Chùa còn giữ được hệ thống cây cổ thụ, cây lưu niên quanh năm xanh tốt, hệ thống đường lên hang và nhũ đá được bảo vệ khá nguyên vẹn, có bậc đá bằng phiến đá làm lối đi lại thuận tiện.
Với vẻ đẹp được thiên nhiên ưu đãi cùng bàn tay tô điểm của con người, quần thể di tích chùa Hang - hang Chùa ngày càng được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Đồng chí Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị khẳng định: Di tích luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương bảo vệ chu đáo và phát huy giá trị. Ban quản lý di tích được kiện toàn hàng năm. Dịp xuân Quý Mão, lễ hội chùa Hang được tổ chức quy mô cấp xã với nhiều hoạt động, như: Tuần lễ Văn hóa; Giải bóng chuyền nam mừng Đảng, mừng xuân; Hội thảo khoa học về phát triển du lịch cộng đồng; Đêm hội văn hóa ẩm thực... Trong tuần lễ thu hút khoảng 10.000 người dân và du khách, tăng gấp 3 lần so với các mùa lễ hội trước. Chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện cho người dân và du khách đến tham quan, vãn cảnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tinh thần. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống gắn với giá trị di tích lịch sử và danh thắng đến du khách gần, xa.