Độc đáo Hang C8 Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Không chỉ là một phần trong hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, Hang C8 còn mang trong mình vẻ đẹp huyền bí, giàu giá trị khoa học, văn hóa và du lịch. Với cấu trúc địa chất độc đáo và dấu tích dung nham nguyên sinh, Hang C8 đang dần được đánh thức để trở thành điểm nhấn du lịch mạo hiểm hấp dẫn của Lâm Đồng.

Các nhà khoa học và chính quyền địa phương khuyến cáo du khách không tự ý tổ chức tham quan, thám hiểm, ra vào hang

Các nhà khoa học và chính quyền địa phương khuyến cáo du khách không tự ý tổ chức tham quan, thám hiểm, ra vào hang

Bí ẩn từ dòng dung nham tiền sử

Hang C8 nằm trên địa bàn xã Nam Đà, tỉnh Lâm Đồng là một trong những hang động tiêu biểu thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô - một phần trong Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Hang C8 có chiều dài gần 800 m, độ sâu trung bình khoảng 23,8 m. Cửa hang được hình thành từ một hố sập khổng lồ. Đây là kết quả của hiện tượng tích tụ khí trong lòng dung nham dẫn đến sập trần, tạo nên một khoảng hở đường kính hơn 20 m.

Vòm hang cao, thoáng, có cấu trúc hai tầng gần miệng núi lửa. Trong hang, dơi cư trú đông đúc, âm thanh vang vọng như tiếng thác đổ tạo nên cảm giác kỳ bí khó tả.

Hang C8 sở hữu đầy đủ các đặc điểm địa chất tiêu biểu của một hang dung nham nguyên sinh: vòm khí, giếng trời, nhũ dung nham, dấu vết dòng chảy dung nham và các “nút dung nham” - nơi dòng magma từng bịt kín các cửa sổ dung nham cổ. Đặc biệt, trên trần hang còn có dấu vết dạng “vỏ sò” (scallop) - một dạng cấu trúc rất hiếm gặp, chưa từng ghi nhận tại các hang khác trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

Không chỉ có giá trị về mặt địa chất, Hang C8 còn là “kho tàng” sinh học với hệ động vật không xương sống phong phú, loài dơi, rêu tảo, địa y và các loài thực vật đặc hữu mọc trên nền bazan bọt. Sự kết hợp giữa địa chất cổ đại và môi trường sống hiện đại đã tạo nên một hệ sinh thái độc đáo trong lòng núi lửa.

Nơi hội tụ của văn hóa bản địa

Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan kỳ vĩ, Hang C8 còn là điểm giao thoa giữa thiên nhiên nguyên sơ và đời sống văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư bản địa.

Khu vực xung quanh hang là nơi sinh sống của hơn 15 dân tộc thiểu số, trong đó nổi bật là người M’nông và Ê đê, những cộng đồng còn lưu giữ nhiều lễ hội, tập tục truyền thống gắn với tín ngưỡng đa thần và mối quan hệ linh thiêng với rừng núi, sông, suối. Đến Hang C8, du khách không chỉ được khám phá một kỳ quan địa chất mà còn có cơ hội hòa mình vào đời sống văn hóa bản địa thông qua các lễ hội.

Hang C8 còn được đánh giá là điểm đến lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm như khám phá địa chất, sinh thái, mạo hiểm và du lịch gắn với cộng đồng trong tương lai. Với địa hình hoang sơ, khí hậu mát mẻ và cảnh quan dung nham kỳ thú, nơi đây có tiềm năng lớn để trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Tuy nhiên, do cấu trúc hang phức tạp, nhiều nhánh rẽ, vòm khí, giếng trời và độ sâu lớn, việc tham quan Hang C8 tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không có hướng dẫn chuyên môn. Các nhà khoa học và chính quyền địa phương khuyến cáo du khách không tự ý tổ chức tham quan, thám hiểm, ra vào hang động. Hiện tại, khu vực hang chưa được tổ chức khai thác du lịch chính thức, việc bảo vệ và giữ gìn nguyên trạng là ưu tiên hàng đầu.

Hang C8 không chỉ là minh chứng sống động cho lịch sử kiến tạo địa chất hàng triệu năm mà còn là nơi lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân bản địa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Hang C8 sẽ góp phần quan trọng đưa Lâm Đồng trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch sinh thái - địa chất của Việt Nam và thế giới trong thời gian tới.

Theo các nhà khoa học, Hang C8 được hình thành cách đây từ 600.000 - 200.000 năm, do quá trình phun trào của núi lửa Nâm B’Lang, để lại hệ thống dòng dung nham chảy ngầm theo hướng Bắc và Tây Bắc.

Hòa An

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doc-dao-hang-c8-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-dak-nong-382202.html