Sinh viên tình nguyện giúp người dân làm đường nông thôn
Giữa tháng 7, hàng chục sinh viên tình nguyện của Đại học Kinh tế TPHCM không ngại khó ngại khổ góp sức xây dựng nông thôn mới trên vùng quê Vĩnh Long. Những con đường nông thôn cũ kỹ, xuống cấp đã và đang được sức trẻ làm mới, để việc đi lại, giao thương của người dân an toàn, êm thuận hơn.
“Có đường mới dân mừng lắm”
Trưa nắng gay gắt, gần 30 sinh viên tình nguyện Đại học Kinh tế TPHCM miệt mài làm đường nông thôn tại Khóm 4, xã Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Các bạn nhận nhiệm vụ làm 650m đường (rộng 1,5m) trong 20 ngày. Dù không phải những người thợ chuyên nghiệp, nhưng các bạn sinh viên phối hợp nhịp nhàng, mỗi người một việc từ dựng khuôn, khuân vác vật liệu, đẩy bê tông, chà láng mặt... trong không khí nhộn nhịp tiếng máy, tiếng cười nói giữa đồng quê.

Sinh viên tình nguyện giúp dân làm đường nông thôn tại Vĩnh Long. Ảnh: Hòa Hội
Bạn Trần Song Hà - đội trưởng đội tình nguyện có nhiệm vụ đẩy xe rùa chở hồ từ cối trộn đến nơi đổ mặt đường khoảng 50m. Gần nửa ngày làm việc, mồ hôi ướt đẫm áo, nhưng Hà vẫn tươi cười nói: “Trong sáng, cả đội cố gắng làm xong khoảng 100m để tránh chiều mưa không làm được. Cũng cố làm xong sớm giúp bà con có đường mới đi lại thuận tiện, an toàn. Buổi chiều, nhóm sẽ dạy phổ cập cho các em học sinh”.
Hà học năm 2 ngành Kế toán, hè này lần thứ hai cô tham gia chiến dịch tình nguyện tại Vĩnh Long. Với Hà, mỗi lần tham gia tình nguyện hè lại mang đến những trải nghiệm mới mẻ, cảm xúc khác nhau. Cô và nhiều bạn sinh viên khác đều thấy vui, ý nghĩa khi được góp sức mình làm nên những công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới cho địa phương, giúp ích được cho người dân.
Cùng làm với các bạn sinh viên còn có người dân địa phương, những thợ xây chuyên nghiệp hơn. Ông Nguyễn Văn Tám (ở khóm 4, xã Cái Nhum) cùng một số người khác đã bỏ thời gian, công việc khác để cùng các bạn tình nguyện làm đường qua xóm mình. “Có con đường mới sạch đẹp, khang trang mừng lắm, vì đường cũ làm mấy chục năm đến giờ xuống cấp nghiêm trọng, đi lại khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt với các em nhỏ, học sinh vào mùa mưa. Có đường mới, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, máy móc cũng thuận lợi hơn”, ông Tám nói.
Ông Sáu Em (cùng khóm 4) dù đã thấm mệt sau gần buổi làm việc dưới nắng, nhưng vẫn vui, không ngại tham gia làm cùng. "Không chỉ riêng tôi, quanh xóm, thấy việc làm ý nghĩa này ai không bận đều tham gia phụ cùng các bạn sinh viên tình nguyện để sớm hoàn thành con đường", ông Sáu Em nói thêm.

Minh Châu (bên trái) cùng đồng đội hỗ trợ làm đường nông thôn. Ảnh: Hòa Hội
Bạn Bùi Ngọc Minh Châu, sinh viên năm nhất ngành Tài chính quốc tế (Đại học Kinh tế TPHCM), chia sẻ, quê tận Đắk Lắk, nên thấu hiểu sự khó khăn của người dân trong đi lại trên những con đường xuống cấp, chật hẹp, vì quê bạn cũng vậy. Lần đầu Châu tham gia chiến dịch tình nguyện hè tại miền Tây. “Những ngày tham gia làm đường nông thôn, tuy cực nhưng rất vui, vì được góp sức mình làm mới con đường khang trang, sạch đẹp mang lại giá trị lâu dài cho bà con”, Châu nói. Những ngày đầu từ phố về quê làm đường, thời tiết nắng nóng, vận động chân tay nhiều, cả đội ai cũng mệt, tối về tay chân ê ẩm, ăn và ngủ đều khó. Sau vài ngày, cơ thể quen dần với nhịp độ công việc, nên cảm thấy bình thường, thậm chí vui vẻ với công việc.
Bạn Huỳnh Hồng Ngọc, sinh viên năm nhất ngành Kiểm toán (Đại học Kinh tế TPHCM) cũng có lần đầu tham gia chiến dịch tình nguyện hè. Ngọc kể, hôm đầu làm không quen nên phải cố vượt qua chính mình. Lấy việc được đóng góp cho người dân làm động lực để cùng đồng đội sớm hoàn thành con đường. “Em muốn trải nghiệm và xem cuộc sống người dân nơi đây ra sao, không bài học nào bằng trực tiếp tham gia chiến dịch hè tình nguyện để tự mình cảm nhận, học hỏi”, Ngọc bày tỏ.

Đội trưởng nhóm tình nguyện Trần Song Hà đẩy xe chở bê tông làm đường. Ảnh: Hòa Hội
Cống hiến sức trẻ cho cộng đồng
Anh Nguyễn Hữu Tiến - Chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện hè tại tỉnh Vĩnh Long của Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, năm nay trường có trên 250 bạn sinh viên tham gia chiến dịch. Các bạn tình nguyện hỗ trợ địa phương tại xã Nhơn Phú, xã Tân Long Hội và xã Cái Nhum, trong thời gian 20 ngày (trong tháng 7).
Theo anh Tiến, các công trình thanh niên là một trong những mục tiêu trọng tâm của chiến dịch, được tập trung nguồn lực về kinh phí, nhân sự để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ đóng góp thiết thực cho người dân địa phương. Đặc biệt, các công trình sẽ được triển khai theo hướng bền vững, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, tạo ra giá trị tích cực và bền vững trong cộng đồng.
Ngoài việc làm đường nông thôn, các bạn sinh viên còn thực hiện nhiều công trình ý nghĩa khác, như: Tặng học bổng cho thiếu nhi, chăm lo cho hộ gia đình chính sách, người có công; thực hiện 8 công trình “Thắp sáng tuyến đường quê” đèn năng lượng mặt trời (tổng chiều dài hơn 10,8km)...

Sinh viên tình nguyện cùng người dân làm đường nông thôn. Ảnh: Hòa Hội
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất, chiến dịch còn phát huy tính năng động, sáng tạo và tri thức của sinh viên thông qua các hoạt động Ngày cao điểm hưởng ứng tuần lễ dành cho thanh thiếu nhi địa phương; Thứ 7 tình nguyện, Chủ nhật xanh; các hoạt động văn nghệ, trò chơi cho thiếu nhi. Trong đó, các chiến sĩ sẽ trao tặng học bổng, quà, tập sách và dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em khuyết tật; tổ chức các lớp ôn tập hè, sinh hoạt hè, hướng dẫn kỹ năng mềm cho thiếu nhi...
“Chiến dịch tình nguyện hè không đơn thuần một chuyến đi dài, nhiều trải nghiệm, còn mang tới các hoạt động công ích cho xã hội, mang ý nghĩa lớn và tính nhân văn sâu sắc tới cộng đồng. Qua đó Sẽ mang đến nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con và thay đổi diện mạo quê hương Vĩnh Long thêm giàu đẹp”, anh Tiến nói.

Sinh viên tình nguyện dạy học cho trẻ em

Sinh viên tình nguyện giúp dân làm đường nông thôn tại xã Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long.


Chiến sĩ tình nguyện đổ cát vào trộn bê tông


Sinh viên tình nguyện cống hiến sức trẻ cho quê hương Vĩnh Long.


Các bạn trẻ nhiệt tình cùng người dân làm đường nông thôn.


Nụ cười vui vẻ của chiến sĩ tình nguyện tại công trường.




Phút thư giãn của chiến sĩ tình nguyện sau giờ làm việc. Ảnh: Hòa Hội