Độc đáo làng bích họa nơi biên viễn

Nằm trên địa bàn xã Hải Sơn, xóm họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh) từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách lần đầu đến với xã vùng cao này.

Những bức tranh đặc sắc

Những bức tranh tường độc đáo, nhiều màu sắc rực rỡ cùng thiên nhiên núi non hùng vĩ hòa quyện tạo thành khung cảnh bình yên, thơ mộng nơi vùng cao biên giới.

Du khách hào hứng chụp ảnh bên những bức bích họa ở xóm họ Đặng.

Du khách hào hứng chụp ảnh bên những bức bích họa ở xóm họ Đặng.

Đó là những gì du khách có thể cảm nhận ngay khi vừa đặt chân đến ngôi làng nhỏ xinh, nằm giữa những dãy núi của vùng biên cương Tổ quốc, với tên gọi xóm họ Đặng, xã Hải Sơn.

Xã Hải Sơn là địa bàn vùng cao, biên giới cách trung tâm TP Móng Cái 33km, có đường biên giới dài hơn 12km tiếp giáp với Trung Quốc, có vị trí trọng yếu chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Trên địa bàn có Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn; Cột mốc biên giới 1347 - một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ; là nơi giao thoa, hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc, sinh sống đoàn kết của đồng bào các dân tộc Kinh - Dao - Sán Chỉ...

Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Sơn, các bức bích họa trong xóm họ Đặng đều là những nét đặc sắc của văn hóa địa phương, như bức tranh hoa sim là đặc sản của xã Hải Sơn; những cánh đồng lúa, bức tranh cô gái người Dao.

Qua các bức vẽ, cuộc sống bình dị của xóm nhỏ vùng biên hiện lên rõ nét, sinh động. Từ những bức tường trống trơn, loang lổ rêu, mốc… hơn 20 ngôi nhà trong xóm như khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu, nổi bật giữa nền xanh của núi rừng. Cũng từ đó đời sống của bà con dân bản có sự đổi khác.

Lai lịch làng bích họa

"Giờ đây, đến Hải Sơn, du khách không chỉ được dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc của đồng bào bản địa như món cá suối, thịt ngan đen hoặc cà sáy, mua sản vật địa phương như trà hoa vàng, khâu nhục, bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm… mà còn được ngắm những căn nhà tràn ngập tràn bích họa trong làng dân tộc người dân tộc Dao", vừa dẫn PV dạo quanh các căn nhà ở xóm họ Đặng được vẽ bích họa trên tường, ông Phùn Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND xã Hải Sơn vừa tự hào giới thiệu.

Làng bích họa ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái mỗi năm thu hút 6.000-7.000 du khách đến thăm.

Làng bích họa ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái mỗi năm thu hút 6.000-7.000 du khách đến thăm.

Theo ông Kỳ, hiện địa phương có trên 90% số hộ là dân tộc thiểu số, trong đó người Dao chiếm tới gần 70%.

"Những thôn, xóm nơi đây được hình thành là do đồng bào ở các huyện phía trong di cư ra, lập lên khoảng trên 30 năm trước. Nơi đây là một trong những chiến địa lẫy lừng, đi vào lịch sử vệ quốc vĩ đại của dân tộc", ông Kỳ khái quát.

Sau khi xã Hải Sơn được thành lập, từ năm 2003 đến nay, cùng với đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào, địa phương đã nghiên cứu, quy hoạch để đưa nơi đây thành điểm đến du lịch để giáo dục truyền thống.

Năm 2016, xóm họ Đặng ở thôn Pò Hèn được TP Móng Cái lựa chọn để trở thành điểm du lịch cộng đồng. Một trong những giải pháp căn cơ biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách là phải di dời các chuồng trâu, nhà vệ sinh ra xa nơi ở tạo môi trường sạch sẽ.

Cùng đó, để tạo điểm nhấn hút khách du lịch, chính quyền địa phương đã phối hợp với Thành Đoàn Móng Cái vận động đồng bào để vẽ các bức tranh tạo thành làng bích họa như hôm nay.

Từ những ngôi nhà cũ trong xóm, đoàn viên thanh niên đã hỗ trợ vẽ và trang trí trên những bức tường cũ, rêu phong, tạo thành những bức tranh độc đáo khắc họa cuộc sống của người dân nơi đây.

"Ban đầu, việc vận động bà con rất khó. Bởi vì tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao vốn ít giao lưu với người ngoài. Thế rồi, từ một vài hộ đồng ý, đến nay, xóm họ Đặng đã trở thành làng bích họa, thu hút mỗi năm từ 6.000-7.000 du khách đến tham quan, chụp ảnh. Nhờ du lịch, đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn", ông Kỳ chia sẻ.

Thúc đẩy du lịch trải nghiệm

Gặp chúng tôi, chị Tằng Tài Chế, đang phơi quần áo trước cửa sổ - nơi được vẽ bức tranh phong cảnh thiên nhiên rất đẹp cho biết, lúc đầu, khi cán bộ vận động vẽ tranh trên tường nhà, chị thấy rất lạ lẫm.

Chị Tằng Tài Chế phơi quần áo nơi cửa sổ nhà mình.

Chị Tằng Tài Chế phơi quần áo nơi cửa sổ nhà mình.

"Sau khi các bức tường được vẽ tranh, nhiều du khách đến chơi, chụp ảnh. Nhờ thế, những nông sản trước đây vốn rất khó tiêu thụ, nay thành hàng hóa có giá trị, được nhiều khách ưa chuộng. Cuộc sống của các hộ đã đổi khác nhiều", chị Chế hồ hởi kể.

Quan sát của PV, những bức tường nhà rêu phong ở xóm họ Đặng đã trở thành những bức tranh sinh động phản ánh về cuộc sống thường nhật, đa sắc của đồng bào dân tộc Dao nơi biên viễn này.

Đó là những bức bích họa về ngày mùa ở bản người Dao; chú ếch xanh; bản làng với ruộng bậc thang; phong cảnh thiên nhiên thanh bình vùng biên ải…

Chị Nguyễn Minh Thúy, một du khách đến từ TP Hạ Long cho biết: "Đến nơi đây, chúng tôi như được lạc vào nhiều câu chuyện cổ tích thú vị, thấu hiểu thêm về những nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc Dao".

"Thời gian qua, xã Hải Sơn luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh và thành phố. Nhiều cơ chế chính sách giúp cho Hải Sơn phát triển. Đặc biệt là từ khi tuyến quốc lộ 18C, đường kết nối Hải Sơn - Hải Tiến đi vào hoạt động, Khu di tích lịch sử Pò Hèn được xếp hạng di tích Quốc gia… đã mở thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho địa phương. Đây đều là những điểm đến tiềm năng để khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng", vị phó chủ tịch xã chia sẻ thêm.

Năm 2023, đoàn viên thanh niên TP Móng Cái phối hợp với UBND xã Hải Sơn, Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức chỉnh trang, tô vẽ lại các bức bích họa tại xóm họ Đặng.

Đến nay đã có hơn 21 bức tranh tường với tổng diện tích là 673m2 được trang trí. Những bức tranh này thường xuyên đón những đoàn khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, chụp hình lưu niệm.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doc-dao-lang-bich-hoa-noi-bien-vien-192250403230655888.htm