Độc đáo làng nghề ở Phú Thọ

Đan lát Ba Đông, ủ ấm Sơn Vi, nón lá Gia Thanh là những làng nghề độc đáo ở tỉnh Phú Thọ.

Làng nghề đan lát Ba Đông

Làng nghề đan lát Ba Đông (xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Phú Thọ. Nơi đây chuyên sản xuất các nông - ngư cụ như giỏ, trúm, đó, lờ, nơm để bắt cá, tôm; hay các vật dụng hằng ngày như rổ, giá, nong, nia, mẹt... bằng tre, nứa.

Để làm ra các sản phẩm đẹp, bền, người ta phải lựa chọn kỹ nguyên liệu, là những cây tre thân thẳng, đốt thưa, không quá non hoặc không quá già, sau đó ngâm tre dưới nước cho mềm và tăng sức bền, dẻo. Tiếp đó là các công đoạn: Pha tre, chẻ - vót nan, đan, mết, cạp... và hoàn thiện sản phẩm.

Năm 2005, Làng nghề đan lát Ba Đông được công nhận là Làng nghề truyền thống của tỉnh Phú Thọ.

Làng nghề ủ ấm Sơn Vi

Giỏ ấm tích (hay giỏ ủ trà) là vật dụng quen thuộc ở các làng quê, thường được dùng để đựng các ấm tích pha trà xanh, nước vối... nhưng ở xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao), người dân quen gọi với cái tên mộc mạc là “ủ ấm”. Nghề làm ủ ấm của Sơn Vi được hình thành khoảng 100 năm trước. Năm 2010, Làng nghề ủ ấm Sơn Vi được tỉnh Phú Thọ công nhận là Làng nghề truyền thống.

Để làm được chiếc ủ ấm đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế. Vỏ được gắn từ các thanh nứa chẻ mỏng vừa phải, xếp sát nhau rồi dùng keo gắn với phần đáy làm bằng gỗ xoan cắt mỏng; phần miệng được cố định bằng thanh nan to hơn. Lớp lót bên trong được nhồi bằng rơm và vụn bông rồi khâu lại để giữ nhiệt tốt hơn.

Sau cùng, dùng sơn ta quét nhiều lần cho đến khi ủ ấm có màu nâu cánh gián sáng bóng. Nắp ủ ấm cũng được nhồi bông và rơm, khâu bằng vải nhiều màu sặc sỡ, ngoài chức năng giữ nhiệt cho tích nước còn có tác dụng trang trí cho ủ ấm đẹp và bắt mắt hơn.

Làng nghề nón lá Gia Thanh

Làng nghề nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh) được hình thành cách đây 1 thế kỷ. Để làm ra được một chiếc nón lá đẹp và bền, kiểu dáng bắt mắt phải trải qua nhiều công đoạn.

Mỗi chiếc nón Gia Thanh có 2 lớp lá. Giữa 2 lớp lại lót một lượt mo tre để nón thêm dày và cứng cáp hơn, giúp người đội không bịt ướt khi trời mưa và giảm bớt nhiệt khi trời nắng.

Công đoạn khó nhất là khâu các lớp lá, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tránh làm rách lá. Người thợ nhanh tay đưa mũi kim thật đều, thẳng để cố định các vành. Tiếp đó hơ diêm sinh cho lên màu trắng muốt rồi tiếp tục quang dầu bên ngoài để nón bóng hơn và không thấm nước. Cuối cùng, người ta luồn những sợi chỉ màu ở hai bên để làm chỗ buộc quai nón, giúp người đội dễ dàng sử dụng.

Năm 2016, Làng nghề nón lá Gia Thanh được tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề truyền thống.

Hương Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doc-dao-lang-nghe-o-phu-tho-698041.html