Nước mắm Nhân Thọ 'chưng cất' tinh thần xứ Quảng
Nước mắm Nhân Thọ (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng không chỉ ngon mà còn ở cách làm. Ủ chượp đến hơn 2 năm mới đưa ra thị trường, nước mắm nơi đây rất ngon và cũng rất hiếm.
Ở một thị xã nhỏ ven sông Gianh, giữa những chum sành lặng lẽ phơi mình dưới nắng, thứ nước sóng sánh màu hổ phách đang âm thầm kể câu chuyện về một vùng đất, truyền thống và cả nỗ lực bền bỉ của sản phẩm làng nghề. Đó là nước mắm Nhân Thọ, thứ gia vị không chỉ nêm đậm món ăn mà còn làm đậm thêm một cách sống, một kiểu nghĩ của người Quảng Bình.

Nước mắm Nhân Thọ
Trong thời buổi thị trường vận hành theo những quy luật khắc nghiệt của cạnh tranh, nơi mà nhiều làng nghề truyền thống dần co cụm hoặc buộc phải thay đổi theo lối sản xuất công nghiệp hóa, cơ sở nước mắm của bà Trương Thị Nga (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) lại chọn cách đi ngược dòng. Không “công nghệ hóa”, không rút ngắn thời gian ủ, cũng chẳng chạy theo mùi vị “chiều lòng thị trường”, bà Nga kiên quyết giữ phương pháp làm nước mắm theo kiểu cũ, chọn cá cơm tươi, ủ muối trong chum sành, và phơi nắng suốt hai năm. Chậm nhưng chắc, thủ công nhưng bền.

Nước mắm Nhân Thọ làm từ chậu sành lớn
Chính trong sự “bảo thủ” ấy, nước mắm Nhân Thọ trở thành một bản cam kết của những người tin rằng truyền thống nếu được giữ gìn nghiêm cẩn, sẽ không bị thời gian bào mòn mà còn có thể bước ra thị trường với một hình ảnh tự tin và cạnh tranh được.
Mỗi giọt nước mắm nơi đây không đơn thuần là sản phẩm của cá và muối. Đó là kết tinh của khí hậu miền Trung khắc nghiệt nơi cái nắng gắt gao chính là điều kiện đủ để nước mắm có thể trong, có thể thơm. “Phơi mắm là công đoạn vất vả nhất. Không nắng thì coi như hỏng. Trời mưa phải đậy kỹ, âm u là phải ngưng phơi. Mỗi ngày đều phải theo dõi từng chum,” bà Nga chia sẻ.
Tuy giữ lối làm cũ nhưng nước mắm Nhân Thọ không bảo thủ trong cách tiếp cận thị trường. Bao bì được cải tiến, nhãn mác được chăm chút để không chỉ cạnh tranh ở chợ quê mà còn đi được vào siêu thị. Sản lượng khoảng 50–70 tấn/năm, một con số không lớn trong thời đại của nhà máy, nhưng đủ để tạo công ăn việc làm cho 10–15 lao động địa phương, với mức thu nhập 6–10 triệu đồng/tháng, tùy theo mùa. Đó là công ăn việc làm không bị số hóa, không đòi hỏi bằng cấp, nhưng rất cần mẫn và chính xác, một kiểu việc làm mà chỉ có nông thôn mới giữ được.

Một góc cơ sở nước mắm bà Nga
Năm 2021, nước mắm Nhân Thọ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Một sự ghi nhận không chỉ dành cho một cơ sở sản xuất mà cho cả nỗ lực của một cộng đồng. Phường Quảng Thọ, nơi bà Nga gắn bó, cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Trần Văn Dục, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn chủ động giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, triển lãm cấp tỉnh. Họ hiểu rằng, nếu không mở đường, đặc sản địa phương sẽ mãi chỉ quanh quẩn ở những chợ phiên. "Làng nghề nước mắm Nhân Thọ chúng tôi giữ gìn cách ướp chượp truyền thống để phát triển. Vì giữ màu hổ phách thủ công nước mắm mới ngon", ông Dục nói.
Điều đáng nói là, trong câu chuyện của nước mắm Nhân Thọ, không phải “kỳ tích” hay “cuộc cách mạng”, tất cả chỉ là sự bền bỉ, nghiêm túc mới tạo ra sự khác biệt.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nuoc-mam-nhan-tho-chung-cat-tinh-than-xu-quang-post789440.html