Độc đáo lễ Căm Lung của đồng bào Lự ở Lai Châu

Lễ Căm Lung là một trong ba lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Lự ở Lai Châu, được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 và ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch hàng năm.

Trong cộng đồng 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người là Cống, Mảng, Si La và Lự. Người Lự ở Lai Châu có hơn 1.300 hộ, gần 7.000 nhân khẩu, chiếm hơn 1,49% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ.

Đến nay, đồng bào Lự vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Một trong những nét văn hóa độc đáo đó chính là nghi lễ Căm Lung, hay còn gọi là lễ cúng rừng.

 Lễ Căm Lung của người Lự ở Lai Châu được phục dựng tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: LVH

Lễ Căm Lung của người Lự ở Lai Châu được phục dựng tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: LVH

Lễ Căm Lung là một trong ba lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Lự ở Lai Châu, cùng với Lễ cơm mới (Kin Khẩu Máy), Lễ cúng trâu (Mo Khoăn Khoai). Nghi lễ này được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 và ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch hàng năm.

Tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường - nơi có cộng đồng dân tộc Lự đông đảo nhất tỉnh sinh sống (xấp xỉ 90% dân số toàn xã), lễ Căm Lung vẫn giữ được nguyên vẹn các nghi thức từ xưa truyền lại.

Người Lự quan niệm núi rừng là linh hồn của vạn vật, bảo vệ, che chở cho con người tồn tại và phát triển, là nơi trú ngụ của các đấng siêu nhiên. Việc tổ chức lễ Căm Lung để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên bình, đời sống người dân ấm no.

 Các vật phẩm trong lễ Căm Lung mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở. Ảnh: TL

Các vật phẩm trong lễ Căm Lung mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở. Ảnh: TL

Trong lễ Căm Lung, mỗi gia đình sẽ cử ra một đại diện là nam giới đi tham gia lễ cúng, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà. Tại lễ hội, người dân trong bản thấy được vị trí của mình trong cộng đồng và có sự phối hợp công việc, qua đó tăng tính kết nối trong cộng đồng.

Theo thầy cúng Tao Văn Seng (bản Nà Khum, xã Bản Hon), đối với đồng bào Lự, từ xưa đến nay lễ Căm Lung bao giờ cũng được tổ chức rất trang trọng. Ở mỗi thôn bản đều có một khu rừng cấm, rừng thiêng, nơi tổ chức lễ cúng rừng. Đây thường là một khu rừng tự nhiên gần bản, nơi có nhiều cây gỗ lớn, gần nguồn nước.

Thực hiện nghi lễ là 5 thầy cúng, gồm 1 thầy cúng chính và 4 thầy cúng phụ. Họ đều là nam giới, thường là những người mạnh khỏe, có uy tín trong cộng đồng.

 Lễ Căm Lung là dịp các cô gái Lự chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Ảnh: TL

Lễ Căm Lung là dịp các cô gái Lự chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Ảnh: TL

Để lựa chọn thầy cúng, dân bản sẽ cho mỗi người bốc một nhúm gạo, sau đó đếm, chọn 5 người có số hạt chẵn lớn nhất làm thầy cúng. Hình thức tuyển người này tiếng Lự gọi là “kiếp khẩu”, được lưu truyền từ nhiều thế hệ, nhằm đảm bảo tính công bằng mỗi khi cần tuyển lựa người có uy tín, đảm đương công việc mà cộng đồng giao phó.

Lễ Căm Lung bắt đầu từ khi mặt trời vừa lên và diễn ra không quá giờ ngọ. Đồ cúng tế được chuẩn bị từ trước, bao gồm 1 con lợn đen, 3 con gà, 3 bó hương, 1 cuốn vải đen, rượu trắng, xôi, giấy bạc… Ngoài ra, còn có 16 bộ chén được xếp chồng lên nhau tượng trưng cho âm dương, trời đất.

Các nghi lễ trong lễ Căm Lung của người Lự có tính cộng đồng chặt chẽ, chu đáo và nhiều kiêng kỵ. Trong quá trình chế biến đồ cúng, không được dùng ớt làm gia vị, cơm không được nấu cháy, rượu không để bị khê thì mọi sự mới tốt lành. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân trong bản không ai được chặt cây, đào đất, thả rông gia súc.

 Điệu múa quạt truyền thống của dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Ảnh: TL

Điệu múa quạt truyền thống của dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Ảnh: TL

Người tham gia lễ cũng không mặc đồ trắng, không đi chân đất, không để đầu trần. Trong quá trình làm cỗ cúng thần rừng, sau khi cắt tiết gà, tiết lợn, một phần tiết sẽ được bôi lên các phên mắt cáo có cài cành cây xanh treo nơi đầu bản, treo xung quanh nơi làm lễ và trước hiên nhà để cảnh báo thời điểm kiêng người lạ ra vào bản.

Lễ cúng gồm 2 phần, lễ cúng sống và cúng chín, với những nghi thức thiêng liêng. Khi lễ vật đã được bày biện xong, giờ tốt đến, thầy cúng đốt hương khấn mời các vị thần linh cai quản trời đất, sông suối, cây cỏ, các ông tổ các dòng họ người Lự sinh sống trong bản như: Vàng, Lò, Tao… đang ngự tại khu rừng thiêng của bản về nhận mặt và lễ vật mà bà con dâng lên.

Sau đó thầy cúng cho phép những người tham gia buổi lễ cắt tiết những con vật trên để làm lễ chín. Mâm lễ vật được đặt trên 1 chiếc bàn để thầy cúng khấn mời các vị thần linh, ông tổ các dòng họ hưởng lễ và phù hộ cho bà con sức khỏe, gia đình hòa thuận, việc chăn nuôi thuận lợi, mùa màng tốt tươi.

Sau khi hoàn tất việc cúng tế, những người tham gia lễ cúng sẽ cùng ăn cơm, uống rượu ngay tại rừng và không quên chia phần cho những người trong gia đình không được trực tiếp tham gia, để tất cả mọi người trong bản đều được hưởng lộc của đất trời, thần linh.

 Đẩy gậy - trò chơi truyền thống của người Lự trong những ngày lễ hội. Ảnh: TL

Đẩy gậy - trò chơi truyền thống của người Lự trong những ngày lễ hội. Ảnh: TL

Trong hai ngày tiếp theo của lễ Căm Lung, mọi người dân trong bản, từ trẻ nhỏ đến người già, nam nữ thanh niên mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng tham gia các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, ném còn, đánh cầu lông gà, đẩy gậy, kéo co, giao lưu văn nghệ...

Đồng bào Lự tin rằng, sau khi tổ chức lễ Căm Lung, bà con dân bản sẽ càng sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Cùng với những lời khẩn cầu trong lễ Căm Mương, tất cả các gia đình phải cố gắng nuôi cho con cái học hành để có cuộc sống tốt hơn. Đây chính là một nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Lự, cần được bảo tồn và phát triển.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-le-cam-lung-cua-dong-bao-lu-o-lai-chau-post305744.html