Độc đáo lễ Ét Đông, ăn thịt dúi trên dãy Trường Sơn Đông
Người Ba Na sống trên dãy Trường Sơn Đông tin rằng con dúi - loài vật mủm mĩm, chuyên ăn rễ tre sẽ mang lại cho dân làng một mùa bội thu, no đủ.
Hàng năm, khi vụ mùa đã tươm tất, lúa ủ đầy kho là thời điểm cộng đồng người Ba Na sống dọc theo dãy Trường Sơn Đông (Kon Tum, Gia Lai) chuẩn bị cho cái Tết linh đình lớn nhất năm, tương tự như Tết âm lịch của người Kinh.
Người Ba Na quen gọi với tên truyền thống là lễ Ét Đông, hay còn được gọi là Tết ăn con dúi (động vật họ gặm nhấm, mình tròn, mủm mỉm, sống dưới hang, ăn rễ tre). Đây là nghi lễ lưu giữ nét văn hóa bản địa rất độc đáo của người dân bản địa ở Tây Nguyên.
Con vật may mắn, chăm chỉ
Theo già làng A Jring Đeng (73 tuổi, ngụ làng Kon Brăp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), nghi lễ Ét Đông đã có từ rất lâu, không nhớ cụ thể có tự bao giờ. Trước đây, người dân thờ thần rắn, nhưng con vật này không mang lại may mắn nên người dân đổi, lấy con dúi là linh vật thiêng.
“Tết ăn con dúi là một nghi lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Giơ Lâng, một nhánh của tộc Ba Na. Ngày lễ, người dân cầu mong một năm mới cây lúa chắc hạt, vụ mùa đầy kho, có ăn đủ quanh năm, mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh. Ngày lễ, toàn bộ dân làng sẽ tụ tập về nhà rông ăn lễ, rộn rã suốt hai ngày liền” - già A Jring Đeng nói.
Theo phong tục, con dúi được người dân cúng Yang là con vật được bắt ngoài tự nhiên, trong quá trình làm nương rẫy. Để có đủ lễ vật cúng, trước lễ Ét Đông từ một đến hai tháng, người dân đã bắt đầu lên rẫy đào hang, tìm dúi. Trung bình, mỗi gia đình góp từ 1-2 con dúi mang ra nhà rông, kèm ghè rượu.
Để bảo quản thịt con dúi không bị hư, người dân làm thịt rồi treo gác bếp để bảo quản thực phẩm. Vì thế, những con dúi được mang ra cũng ở nhà rông đều có màu ám khói, thịt khô, chắc.
Trong ngày lễ Ét Đông, người dân từ già trẻ, gái trai đều đến nhà rông của làng từ rất sớm, chuẩn bị vật phẩm chính là con dúi, ghè rượu và trang trí lên con vật cúng Yang bằng hạt cườm. Đồ cúng của già làng được đưa lên nhà rông trước tiên và dưới mỗi ghè rượu được người dân cất giấu là những hạt gạo “ước nguyện” to tròn.
Theo quan niệm của người Giơ Lâng, sau ngày lễ, nếu hạt gạo vẫn còn nguyên thì năm đó sẽ no đủ; nếu hạt gạo vỡ, hoặc biến mất là năm đó sẽ không may. Nghi lễ được tiến hành trong hai đến ba ngày; đặc biệt trong ngày cuối là ngày ăn con dúi, tiễn ông bà, tổ tiên về trời.
Già làng A Jring Đeng là người đọc to mong ước mùa màng bội thu cho làng và khấn tổ tiên: “Đừng ngủ say, phải đi kiểm tra vườn rẫy của con, cháu…; không nên hóa những con chim, chuột phá hoại mùa màng”.
Lễ Ét Đông diễn ra trong không gian rộn ràng tiếng vui đùa, tiếng nói cười, uống rượu, âm vang cồng chiêng và những điệu múa xoang nhịp nhàng bên bếp lửa.
Di sản văn hóa
Nói về Tết ăn con dúi, bà Y Đoan (50 tuổi, người có uy tín trong làng Kon Brăp Ju) chia sẻ: “Trước đây, lễ Ét Đông được tổ chức kéo dài nhiều ngày lắm, rất hao tốn tài của, thịt trâu, heo ăn mừng linh đình cả năm đến bảy ngày. Tôi từng làm chủ tịch Hội phụ nữ xã đã hai nhiệm kỳ, nhiều lần cùng địa phương tham gia vận động nên bà con đã bỏ bớt các hủ tục, không còn giết thịt vật nuôi nữa. Người dân chúng tôi rất tự hào với lễ Ét Đông của dân tộc mình”.
Theo bà Đoan, dúi là con vật tượng trưng cho siêng năng, chăm chỉ, dúi ăn rễ tre không phá hoại mùa màng. Với ý nghĩa đó, người dân dùng dúi làm vật cúng Yang cầu mong mùa màng luôn được no đủ. Dúi còn là con vật được dùng trong các lễ cưới, cúng được mùa…
Ông Phạm Viết Thạch, Trưởng phòng Văn hóa và Truyền thông huyện Kon Rẫy, cho hay: “Lễ Ét Đông là một lễ hội độc đáo, lôi cuốn hiếm thấy và mang tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ hội, hằng năm, người Ba Na muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên ông bà, đoàn kết thương yêu nhau và chăm chỉ làm ăn mới mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Ét Đông còn là nghi lễ mang tính cộng đồng cao, tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc, sự phân công lao động thể hiện sự công bằng nhưng cũng mang tính đoàn kết cao. Lễ là nơi nghệ thuật trình diễn dân gian được thực hành nhiều nhất, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, các bài dân ca truyền thống.
Để tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này, địa phương đã thành lập câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa tại làng, hỗ trợ kinh phí cho bà con hoạt động. Từ năm 2011 đến nay, huyện Kon Rẫy đã hỗ trợ 12 bộ cồng chiêng cho các làng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng.
Theo ông Thạch, "tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ Ét Đông của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum” đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Địa phương đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa cấp Quốc gia, để Nhà nước tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc của lễ hội.