Độc đáo lễ hội đánh cá suối truyền thống ở xứ Mường Hòa Bình
Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng 4, đông đảo người dân đến tham gia lễ hội đánh cá suối truyền thống tại xã Lỗ Sơn, tạo nên một không khí vui tươi.
Lễ hội đậm màu sắc dân gian
Hàng năm UBND xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đều tổ chức lễ hội đánh cá suối truyền thống. Thông thường lễ hội diễn ra vào cuối tháng 4 hoặc muộn nhất là đầu tháng 5. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ và là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường từ bao đời nay.
Lễ hội đánh cá suối truyền thống hay còn gọi là lễ xuống đồng làm cỏ lúa. Sau khi cày bừa và cấy xong vụ mùa, lúc cây lúa đã cứng cáp, người dân trong vùng tổ chức đánh cá tập thể ở khoang Bo, khoang Lở đầu tiên và sau đó đánh ở khoang Tló, khoang Ích. Những con cá to nhất sẽ được người dân mang về dâng lên cúng Thành Hoàng tại miếu thờ để cầu 1 năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.
Anh Đinh Văn Tuấn, xã Lỗ Sơn chia sẻ: "Từ lúc tôi sinh ra đã có lễ hội đánh cá suối rồi, đây không chỉ là 1 buổi đánh bắt cá thông thường mà nó là 1 lễ hội truyền thống của người Mường chúng tôi. Ngày tổ chức lễ hội không cụ thể, diễn ra sau mùa gặt vụ đông xuân, khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 hàng năm".
Khác với lễ hội Khai Hạ Mường Bi và lễ hội Chùa Kè Phú Vinh, lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn được tổ chức không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn thể hiện thái độ trách nhiệm giữa con người với mẹ thiên nhiên.
Theo các cụ cao niên tại xã Lỗ Sơn, thời xưa việc tổ chức lễ hội được tiến hành trang nghiêm. Một vị bô lão được người dân lựa chọn dựng đàn dâng lễ vật cúng các vị thần linh, các bậc tiền sử, cầu cho "Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc".
Sau lễ cúng, vị bô lão đó sẽ đánh 3 hồi trống và phát lệnh khai hội bằng tiếng hú cùng với tiếng tù và nổi lên. Người dân sẽ xếp thành từng hàng ngang, cùng nhau reo hò vui vẻ bắt cá và đọc rằng: "Đàn ông quăng chài đi trước, phụ nữ cầm vó đi sau lấy cá, lấy tôm về nhà".
Bên cạnh đó, trong ngày diễn ra lễ hội bắt cá, người dân còn được thưởng thức hòa tấu chiêng Mường, thi hát đối, trò chơi dân gian như: Thi chèo bè mảng, quăng chài, thi đánh bắt cá và trưng bày các gian hàng, ẩm thực của địa phương.
Từ lâu xã Lỗ Sơn được biết đến là khu vực có nhiều suối chảy dài theo các chân núi, là nơi trú ngụ của nhiều loài cá nước ngọt. Tại đây, dòng nước mát, trong lành, có nhiều hang, đầm, đìa… thích hợp để các loài cá trú ngụ, sinh sôi và phát triển. Ngoài các loại cá như: chép, trê, leo, trôi … còn có các loại tôm, tép, cua ốc nhiều vô kể.
Xung quanh các con suối ở lỗ Sơn có hệ sinh thái phát triển, cây cối rậm rạp nên vào mùa mưa loài cò thường bay về trú ngụ, sinh nở. Hình ảnh chim trời, cá nước tạo nên một cảnh đẹp như chốn bồng lai tại nơi đây.
Gìn giữ và phát triển lễ hội đánh bắt cá
Anh Bùi Văn Thắng, xã Lỗ Sơn cho biết: "Chúng tôi quan niệm, đi bắt cá suối trong ngày hội giúp người dân có thêm may mắn, nếu ai bắt được con cá to, năm đó rất thuận lợi. Cá bắt về chúng tôi chia cho người thân, hàng xóm để làm cơm cúng ông bà tổ tiên chứ không bán".
Hiện nay, do có phương tiện truyền thông hiện đại, lễ hội đánh cá suối ở Lỗ Sơn được nhiều người biết đến và tham gia. Lễ hội đánh cá ngày nay đã trở thành ngày hội lớn, thu hút nhiều du khách thập phương với hàng nghìn người tham gia.
Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn so với các năm trước, các hoạt động đều mang đậm bản sắc dân tộc. Việc tổ chức lễ hội đánh cá, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của người Mường sinh sống ở huyện Tân Lạc. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng đến người dân cần trân trọng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đồng thời động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Đinh Anh Tuấn, Bí thư huyện Tân Lạc cho biết: "Lễ hội bắt cá suối được xem là nét đẹp văn hóa của huyện. Đây là lễ hội mang đậm nét đặc trưng văn hóa lúa nước. Sau khi bắt cá về người dân sẽ cúng thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ý nghĩa của lễ hội đã khắc sâu trong tim bao thế hệ người dân xứ Mường, nên dù đi đâu người Mường cũng luôn nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình, không quên được ngày hội mang sắc thái độc đáo của quê nhà".
Để bảo tồn lễ hội đánh bắt cá suối độc đáo này, những năm gần đây chính quyền địa phương đã thả thêm cá giống để vừa cải thiện môi trường nước và phục vụ lễ hội hàng năm.