Độc đáo lễ mừng lúa mới truyền thống của người Ba Na
Người Ba Na đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong đời sống nhưng vẫn giữ cho mình những nghi lễ truyền thống, trong đó có lễ mừng lúa mới.
Lễ mừng lúa mới là dịp để bà con cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu và vụ mùa tới mưa thuận, gió hòa, lúa nặng trĩu bông. Đây cũng là dịp để bà con thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, tận hưởng thành quả lao động sau những ngày dài lao động vất vả.
Già Đinh H'Nhep Đinh H'Nhep (78 tuổi, làng Kon Von 2, xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) bảo rằng lễ mừng lúa mới là ngày hội, ngày vui của bản làng. Ngày lễ không cố định, chỉ cần trong làng không có ai đau bệnh nặng là già làng quyết định tổ chức.
Để chuẩn bị cho ngày vui, già làng phải phân công nhiệm vụ cho từng nhóm đàn ông, phụ nữ cụ thể. Có nhóm đàn ông sẽ đi lên rừng chặt lồ ô, nhóm đi bắt cá, nhóm đi săn thú... còn phụ nữ mang gùi đi lấy lúa từ nhà chứa, chuẩn bị các đồ dụng cho ngày lễ.
Hôm buổi lễ diễn ra, già làng đánh một hồi trống, hú gọi dân làng. Nghe tiếng già làng gọi, tất cả mọi người trong làng đều chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất tập trung về nhà rông.
Tại đây già làng sẽ là người phân công nhiệm vụ cụ thể. Đàn ông sẽ chia nhau làm cây nêu, dàn cúng, kệ để đồ vật hiến tế thịt heo, gà. Phụ nữ sẽ dậy sớm hơn thường ngày, giã những cối lúa đầu tiên để làm cơm lam, đồ xôi cúng thần linh. Trong khi đó trẻ con hát ca, những người khác thì hát những bài hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đánh cồng chiêng...
Khi các ghè rượu đã được đổ đầy nước, cơm mới đã được nấu chín, thịt đã được nướng chín, dâng lên bàn thì già làng chuẩn bị làm lễ cúng. Lúc này, những người trong làng hướng mắt về nơi đặt lễ vật, hồi hộp chờ già làng làm lễ cúng.
Với người Ba Na ở Gia Lai, các thần linh cũng có nhiều thứ bậc, thần linh nào cũng được tôn trọng, nhưng thần linh xếp bậc cao hơn sẽ được già làng mời trước trong các bài cúng.
"Ơi thần núi, thần nước, thần lúa hãy về đây để cùng uống rượu, ăn thịt và phù hộ cho dân làng những mùa vụ tốt tươi, cho mọi người được ấm no" - già làng cất cao tiếng mời các thần linh bậc cao nhất về chung vui với dân làng.
Tiếp đến, già làng tiến về kho khóc và cất cao tiếng mời: "Ơi! thần kho lúa, chúng tôi rất biết ơn thần vì đã giữ cho thóc lúa đầy kho. Chúng tôi mong thần phù hộ để năm sau thóc lúa còn đầy hơn cả năm nay".
Mời xong thần kho lúa, già làng sẽ tiếp tục cất cao tiếng "Ơi! thần rượu, hãy giữ cho men rượu luôn nồng say, hãy giữ cho rượu luôn ngon để các thần linh thưởng thức và mọi người sung sướng, hạnh phúc".
Với người dân tộc Ba Na có phong tục bỏ mả, sau lễ bỏ mả người sống sẽ không còn chăm sóc phần mộ của ông bà, tổ tiên nữa. Tuy vậy con cháu vẫn luôn nhớ đến ông bà tổ tiên và trong các dịp lễ này, trong lời cúng họ đều mời ông bà tổ tiên về thụ hưởng những giá trị vật chất, tinh thần, để phù hộ cho con cháu có vụ mùa bội thu.
Sau khi mời xong các thần linh, các già làng sẽ được ưu tiên vít những hơi rượu ghè, miếng cơm mới đầu tiên. Cần rượu ghè sau đó lần lượt chuyền tay nhau cho những người già khác, người trẻ hơn. Kết thúc vòng rượu, già làng cũng sẽ hô to: "Hỡi con trai, con gái hãy nổi cồng chiêng để mừng ngày lễ".
Sau lời gọi của già làng, tiếng cồng chiêng bắt đầu được ngân vang, con trai con gái cùng nhau uống rượu ghè, ăn thịt nướng, nắm tay nhảy theo nhịp cồng chiêng.
Theo già Đinh Yom (làng Stơ, xã Tơ Tung, huyện Kbang), đối với những người Ba Na, dịp lễ mừng lúa mới này là những ngày hạnh phúc nhất khi được nghỉ chơi sau tháng ngày lao động vất vả, bà con tự cho mình được nghỉ ngơi một chút để vui, để say. Dịp lễ đi quanh làng, đâu đâu cũng thấy mùi hương men rượu cần nồng say, vương vấn khắp nơi. Lễ hội có thể kéo dài 2-3 ngày.
Lễ cúng lúa mới của người Ba Na là một biểu tượng văn hóa phong phú và độc đáo, phản ánh tinh thần tôn trọng thiên nhiên, sự đoàn kết và đời sống tâm linh của cộng đồng. Việc giữ gìn lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc tại Gia Lai.