Độc đáo Ly Hoàng Ly
Tôi không nhớ đã quen Ly Hoàng Ly từ bao giờ, nhưng ấn tượng rất mạnh về một người con gái xinh đẹp mỏng mảnh song đầy nội lực đập mạnh vào tôi là năm 2008, dịp Ly cùng cha, nhà thơ Hoàng Hưng giao lưu thơ ở Hà Nội do LEspace tổ chức.
Người của thi ca
Ly làm thơ từ khi còn rất nhỏ, thơ với Ly như thức ăn nước uống hàng ngày, một nhu cầu nội tại, thơ của Ly là viết cho bản thân, cho người thân, như một người bạn, Ly làm thơ để tâm sự với chính mình. Nhưng khi có cuộc thi thơ của báo Tuổi trẻ thì Ly đã gửi dự thi với ý nghĩ nếu được giải thì đỡ cho bố mẹ phải chu cấp một khoản kinh phí đi thực tập của mình (hồi đó Ly đang học Đại học Mỹ thuật TP HCM). Rồi chị đoạt giải thật, lần đầu giải khuyến khích, lần thứ hai đoạt luôn giải nhất…
Khó có thể kể hết những bài thơ hay của Ly Hoàng Ly như Ăn xin hạnh phúc trong đêm, hay Người đàn bà và căn nhà cổ…
Thơ của Ly Hoàng Ly đầy ám ảnh:
"Cắt đêm thành từng mảnh nhỏ
Rồi khâu đêm lại bằng tóc
Tóc thưa dần thưa dần
Những đường rãnh trắng hếu đưa ta đi hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi đầu trọc
Cắt ta ra từng mảnh nhỏ
Rồi khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm."
(Cắt - Trích tập Lô lô)
Lô lô là tập thơ thứ hai của Ly Hoàng Ly xuất bản năm 2005. Tập thơ đầu tiên Cỏ trắng của chị ra đời năm 1999 từng đoạt giải Mai Vàng của báo Người lao động và Lô lô cũng từng đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam (2006).
Người của nghệ thuật tạo hình
Sinh năm 1975, là nhà thơ, họa sĩ, tác giả của nhiều triển lãm sắp đặt và trình diễn đã trưng bày trong và ngoài nước, Ly tốt nghiệp mỹ thuật năm 1999, cũng bắt đầu với hội họa giá vẽ, với sơn dầu và các thể loại khác, nhưng nghệ thuật đương đại và mỹ học “hậu hiện đại” thời đó đã tác động mạnh mẽ đến chị. Dường như ngay lập tức chị chuyển hướng sang hình thức biểu đạt mới như: sắp đặt, trình diễn, nghệ thuật video, đa phương tiện và public art…
Tôi đặc biệt ấn tượng với Đám mây (sắp đặt, 2008) với chất liệu sắt, nhựa… cùng 15.000m dây thừng nhuộm xanh, kích thước 220x400x700cm. Tác phẩm mang thông điệp khát vọng tuổi thơ của chính bản thân tác giả, nhưng được dành cho trẻ em khuyết tật Việt Nam, những em bé không trông chờ sự thương xót, song thực sự làm cho mọi người xúc động bởi sự bình thản và thơ ngây. Những ước mơ của các em thể hiện khát vọng sống, cho dù khoảng cách là rất xa, như những đám mây…
Ấn tượng về Ly Hoàng Ly còn rất mạnh hơn nữa khi chị trình diễn tác phẩm Xin chữ - Cho chữ. Đã mỏng mảnh, lại càng thêm mỏng mảnh khi chị thực hiện tác phẩm và tương tác trực tiếp với công chúng trong một ngày mưa tầm tã tại Hà Nội.
Trong chiếc áo dài trắng thướt tha, đạp chiếc xe cũng trắng qua các con phố, trước nhiều cặp mắt kinh ngạc, chị cùng chiếc giỏ xe lùng bùng những mảnh nilon trắng, và sau lưng chị là một đôi cánh thiên thần màu trắng, đầu đội chiếc mũ mềm to dày được làm từ… bột mỳ.
Lúc đạp, lúc dắt, chị cùng xe đi tới đi lui, gặp ai, chị nhờ họ đọc bản Bình Ngô đại cáo, có người đọc, có người không đọc, thì chị đọc cho họ nghe, sau đó, mỗi người cho chị một chữ hay một câu họ thích nhất, nhớ nhất.
Dường như ít người hiểu chị đang làm gì, chỉ thấy ái ngại và muốn giúp đỡ người phụ nữ đang miệt mài với điều chị làm. Có lúc chị nằm xuống trong mưa, đầu gối lên cái gối trắng được bọc trong nilon trắng, áo dài ướt đẫm bám dính lên da thịt lạnh ngắt…
Tất cả các chữ xin được, chị trưng bày thành một tác phẩm sắp đặt - thành một phiên bản mới của Bình Ngô đại cáo. Có lẽ, chị muốn tác phẩm lay động và đánh thức cuộc sống hiện tại nếu ký ức về Bình Ngô đại cáo bị lãng quên?
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. HCM, năm 2011 Ly được học bổng master của Fulbright và thực tập tại Joan Flasch Artists Book Collection, SAIC.
Kể từ đó, Ly Hoàng Ly xuất hiện nhiều hơn qua một số triển lãm có tiếng vang trong nước và quốc tế, như: Căn tính đối kháng với toàn cầu hóa (gallery Quốc gia, Bangkok, Thái Lan; Bảo tàng Đại học Mỹ thuật Chiang Mai, Thái Lan và Bảo tàng Dahlem, Berlin, Đức, 2004); Transpop: Korea Vietnam Remix (Trung tâm nghệ thuật Arko, Seoul, Hàn Quốc, Trung tâm nghệ thuật Yerba Buena, San Francisco, Mỹ và Sàn Art, TP. HCM, 2007); Kết nối: Nghệ thuật Việt Nam (Ifa Gallery, Berlin & Stuttgart, Đức, 2009); Con người với không gian (Richard Gray Gallery, Chicago, Mỹ, 2012); Phẳng chung thủy - cộng tác với Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Hà Nội; Thư viện sách nghệ sĩ Joan Flasch, SAIC, Chicago và North Branch Projects, Chicago, Mỹ, 2014).
Ly Hoàng Ly còn có tác phẩm tại hai triển lãm quan trọng của năm 2016 tại Việt Nam: Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016) và Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Hà Nội, Việt Nam).
Đặc biệt là Thuyền nhà thuyền (12 khối thép hình kỷ hà, có tổng trọng lượng 21 tấn, cao 3,8m, dài 7,2m, rộng 6,9m), đỉnh cấu trúc hình dáng con thuyền, trụ đáy mang hình dáng ngôi nhà. Và ngược lại. Tác phẩm soi rọi khắp không gian, mang trong mình toàn bộ suy tư, ý niệm và nền tảng triết lý của toàn triển lãm.
Tôi nghĩ, tiếp cận nghệ thuật bằng lăng kính liên kết đa ngành và đa phương pháp, qua thực hành, Ly Hoàng Ly đã đặt ra những chất vấn về thân phận con người nói chung: về bản chất biến thiên của căn tính và lịch sử, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, những vấn đề chung như sự chia rẽ và tính đoàn kết, thích ứng và chấp nhận.
Trung tuần tháng 8-2019, Ly Hoàng Ly và gia đình sang Santiago Chilê dự Triển lãm Mỹ thuật đương đại Á – Úc - Thái Bình Dương, nơi hội tụ 37 tác phẩm của 19 nghệ sỹ từ các nước và vùng lãnh thổ như Australia, Philippines, New Zealand, Papua New Guinea, Việt Nam, Iran, Iraq, Pakistan, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Indonesia. Chị mang theo tác phẩm The view cùng với họa sĩ Đinh Q. Lê (tác phẩm Lotusland) cũng được mời tham gia triển lãm này.
Ý chí và nghị lực
Nhìn Ly Hoàng Ly nhỏ bé, mảnh mai, thuần khiết và quá đỗi dịu dàng, tôi khó có thể hình dung chị lại có thể làm được nhiều đến thế (nhiều đến mức khó kể hết ra đây) và hầu như tác phẩm nào cũng vượt ngưỡng cả về ý tưởng lẫn phương cách thực hiện. Không chỉ là biên tập viên mỹ thuật của Nhà xuất bản Trẻ, chị còn là một người mẹ chu đáo luôn ưu tiên hàng đầu cho việc chăm sóc và nuôi dậy con… Người ta bảo giống như các dự án nghệ thuật của mình, Ly Hoàng Ly chính sự tổng hòa của rất nhiều tính cách thú vị.
Lấy đâu ra sức lực để có thể “tổng hòa”?
Tôi định hỏi Ly Hoàng Ly câu ấy vào một ngày cũng mưa gió tơi bời ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi hẹn nhau từ trước để uống cà phê vì nhớ nhau và vì muốn nói nhiều chuyện về đàn bà làm nghệ thuật… Chị đạp xe trong mưa, để đến gặp tôi đúng giờ.
Thật cảm động. Chị bảo, đoạn đường quá ngắn nên khó gọi taxi, hơn nữa chị đạp xe quen rồi. Thế là không cần hỏi nữa, tôi hiểu: Sức mạnh có được là bởi ý chí và nghị lực của một con người có tình yêu nồng cháy. Ly yêu cuộc sống, yêu con người, yêu gia đình và yêu tất cả. Ly cũng yêu bản thân, nhưng Ly đáp lại tình yêu bản thân bằng cảm giác được ngắm nhìn tác phẩm của chính mình, còn Ly yêu mọi người bằng cách quên những khó nhọc của bản thân một chút để làm ra tác phẩm đó.
Tôi hỏi, nghệ thuật luôn đòi hỏi một cuộc sống có điều kiện thưởng thức nó, ngay cả nhiều nước văn minh trên thế giới nghệ sĩ vẫn phải chật vật với “cơm áo gạo tiền” vì tác phẩm của họ nếu không mới thì khó được giới chuyên môn chấp nhận, nhưng mới thì công chúng lại không nhận ra? Ly làm thế nào để có thể đầu tư sức lực trí tuệ và tiền bạc nhiều đến thế cho tác phẩm?
Ly cười hiền: “Tình yêu dẫn dắt chị ơi, em yêu nghệ thuật vô bờ bến, và em chấp nhận hy sinh tất cả để dành cho nó. Được cái, gia đình em đều ủng hộ”.
Cũng tư duy chuyên nghiệp như các nghệ sĩ bậc thầy (The Master), Ly Hoàng Ly theo đuổi trí tưởng tượng của bản thân một cách tuyệt đối. Cho dù khó mấy, nếu trong trí tưởng tượng xuất hiện một hình hài, đã cho một hình dung thì Ly sẽ đi theo nó đến tận cùng.
Ly bảo: “Thôi thúc duy nhất của tôi là phải biến những tưởng tượng và ấp ủ kia trở thành hiện thực. Làm nghệ thuật cũng giống như thai nghén một đứa bé, chẳng ai nghĩ đến chuyện sinh con khó hay dễ. Mình đã thai nghén thì phải sinh con ra đời. Quan trọng là tình yêu với “con”. Có tình yêu đủ lớn thì mọi trở ngại sẽ vượt qua được. Và với tôi, tình yêu thực sự không có khái niệm cưỡng cầu”.
Biết thế, biết là Ly có một tâm thế lớn và đủ mạnh để hy sinh không ngừng nghỉ nhưng cứ nghĩ đến Thuyền nhà thuyền, đứa con tinh thần của Ly, nặng 21 tấn chứa trong đó những tinh túy nghệ thuật được sản sinh từ tài nghệ của Ly Hoàng Ly, một trong những tác phẩm cần được tương tác với công chúng, giờ vẫn nằm trong kho… mà xót ruột.
Thôi thì, chỉ biết chúc Ly chân cứng đá mềm.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/doc-dao-ly-hoang-ly-561792/