Độc đáo mô hình rau càng cua thủy canh
Càng cua là một loại rau dân dã, mọc dại nhiều nơi. Rau càng cua chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, magie, vitamin C, kali… là những chất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp...
Nhiều năm trở lại đây, rau càng cua được nhiều người ưa chuộng và trở thành đặc sản ở nhà hàng, trong các bữa tiệc. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Huỳnh Huy Hoàng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An (ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) mạnh dạn đầu tư trồng rau càng cua thủy canh cùng các loại rau ăn lá khác, với tổng diện tích 2.500m2.
Tham quan trang trại, nhìn khu nhà màng trồng rau càng cua thủy canh xanh mơn mởn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mới thấy được tâm huyết, công sức của người trồng. Anh Hoàng cho biết: “Hợp tác xã hiện có 7 thành viên, trước đây chúng tôi chuyên trồng các loại rau ăn lá thủy canh như cải ngọt, cải xanh, xà lách… lần này tôi trồng thử nghiệm rau càng cua- loại rau dân dã được nhiều người ưa chuộng.
Để có được những cây rau càng cua xanh tốt thì việc đầu tiên là cần chuẩn bị hạt giống rau càng cua chất lượng, tạo môi trường cho cây sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết mát mẻ, không để đất khô hạn hoặc úng nước, cây sẽ kém phát triển và chết. Hiện tại, tôi thu hoạch mỗi ngày khoảng 50kg rau càng cua, 1 tháng được 2 tấn rau, trồng cuốn chiếu nên thu hoạch hàng ngày, cung cấp cho các chợ gần địa phương và những bạn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Giá rau càng cua dao động từ 22-25 ngàn đồng/kg, cuối tuần tầm 30-35 ngàn đồng/kg, cũng tùy thời điểm, mùa mưa thì giá trung bình khoảng 25 ngàn đồng/kg”.
Rau càng cua được trồng theo phương pháp thủy canh.
Trước khi trồng loại rau này, anh Hoàng tìm đọc sách và tài liệu hướng dẫn nhưng hầu như không có. Theo anh Hoàng, rau càng cua có một nhược điểm là rất dễ ra hoa, khi ra hoa cây sẽ chững lại và không phát triển dẫn đến nhanh già. Sau 2 lần trồng, anh mày mò tìm cách khắc phục và đã hạn chế được tình trạng ra hoa của rau bằng cách tăng độ ẩm.
Khác với rau trồng truyền thống, rau trồng theo kỹ thuật thủy canh khép kín trong nhà màng được chăm sóc rất cẩn thận, rau được nuôi dưỡng từ nước tưới dinh dưỡng tuần hoàn trong môi trường khép kín nên hiếm khi bị sâu bệnh, chất lượng rau tốt, được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định.
Anh Hoàng chia sẻ, rau càng cua trồng thủy canh tương đối giống các loại rau cải ngọt khác, cùng chung công thức pha dinh dưỡng dung dịch thủy canh. Ưu điểm của rau thủy canh là được trồng trên giàn cách mặt đất tầm 1 mét, rau sẽ không bị nhiễm khuẩn E.coli, một loại khuẩn gây tiêu chảy, hoặc bị nhiễm các loại sán chó, mèo… Ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mô hình thủy canh sẽ giúp rau không bị nhiễm các loại khuẩn kể trên. Bên cạnh đó, trồng thủy canh sẽ không có cỏ, đỡ tốn công làm đất, rau đạt năng suất cao hơn, ít tốn nhân công, với 2.500m2 chỉ cần 2-3 người làm.
“Thời gian sinh trưởng của rau càng cua khoảng 2 tháng. Sau khi thu hoạch đợt 1, cây mọc lại sẽ thu hoạch đợt 2 và 3. Tùy vào thực tế, khi cây không còn khả năng sinh trưởng thì bắt đầu phá luống làm lại đất và trồng lại. Đối với hệ thống thủy canh, sau thu hoạch có thể ngưng 1 ngày để vệ sinh đường ống, khử khuẩn rồi tiếp tục trồng lại”- anh Hoàng chia sẻ thêm.
Với diện tích 2.500 m2 đất, anh Hoàng đầu tư hệ thống hồi lưu thủy canh, ống máng, nhà màn, tưới phun sương, tưới lá… với chi phí ban đầu khá cao. Tuy nhiên, anh Hoàng được Liên minh Hợp tác xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên an tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp.
Anh Hoàng cho biết các loại rau trồng thủy canh ăn rất ngon, giòn, ít sâu bệnh và không có thuốc nên không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo số lượng cung cấp cho người tiêu dùng trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng diện tích khoảng 1.000m2, đa dạng các loại rau, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và ươm giống rau thủy canh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Anh Hoàng mong muốn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về nông nghiệp công nghệ cao do Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn.
Mô hình trồng rau càng cua thủy canh của anh Hoàng được nhiều người đến tham quan và học tập kinh nghiệm, đặc biệt là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp hoặc có niềm đam mê với nông nghiệp, anh Hoàng luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trong phát triển mô hình trồng rau thủy canh.
Em Huỳnh Nguyễn Quang Dũng (ngụ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) chia sẻ, em thấy khá hứng thú với mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao của anh Hoàng nên đến tìm hiểu, học hỏi nhằm tăng hiểu biết về quy trình sản xuất rau sạch cho các hộ gia đình, bởi hiện nay, thị hiếu của người tiêu dùng là sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Sau nhiều lần tham quan, học hỏi, Dũng biết được cách trồng trọt, sản xuất rau sạch; em cho biết, nếu có điều kiện sẽ tham gia cùng anh Hoàng để phát triển hơn nữa mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao và nâng tầm quy mô sản xuất.
Mô hình trồng rau càng cua thủy canh trong nhà màng của anh Hoàng được Hội Nông dân huyện đánh giá cao, được chọn là mô hình khởi nghiệp năm 2024.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doc-dao-mo-hinh-rau-cang-cua-thuy-canh-a177545.html