Độc đáo món 'hổ cắn sư tử' tại quán cà phê Malaysia

Tại các quán cà phê ở Malaysia, thức uống có tên gọi khủng long Milo hay Michael Jackson khiến nhiều người cảm thấy bối rối. Thậm chí, món đồ uống 'hổ cắn sư tử' còn gây tranh cãi về nguồn gốc.

"Khủng long Milo" gợi lên ý niệm về kích thước khổng lồ của thức uống sô cô la này, trong khi Michael Jackson ám chỉ sữa đậu nành kết hợp với thạch đen, được cho là nhắc đến bài hát nổi tiếng "Black or White" của ca sĩ huyền thoại Michael Jackson.

Những khách ruột của quán Kopitiam đã quen với các loại đồ uống như "kopi C" (cà phê với đường và sữa đặc không đường) và "cham" (hay ying yong, kết hợp giữa cà phê và trà). Và ở Penang, miền Bắc bán đảo Malaysia, bạn sẽ bắt gặp món "Hor ka sai" (tiếng Hokkien có nghĩa là "hổ cắn sư tử") - một sự kết hợp thú vị giữa cà phê đen và Milo.

Chủ quán Kopitiam Yap Swee Tin, 74 tuổi, giải thích rằng "Hor ka sai" bao gồm cà phê đen và Milo, bổ sung thêm sữa đặc và sữa đặc không đường.

Đầu tiên, cho vào cốc một phần Milo, sau đó thêm nhiều sữa đặc. Tiếp theo, rót cà phê đen vào thức uống và cuối cùng là sữa không đường. “Hor ka sai” luôn luôn được phục vụ lạnh, bà chia sẻ.

Mặc dù thức uống này đã có từ lâu, nhưng bà cho hay cái tên "Hor ka sai" mới dần phổ biến gần đây, đặc biệt là trong giới khách hàng người Hoa - những người đánh giá cao ý nghĩa mạnh mẽ của nó.

'Hor ka sai' - loại đồ uống phổ biến trong những năm gần đây ở Malaysia. Ảnh: THE STAR/ASIA NEWS NETWORK

'Hor ka sai' - loại đồ uống phổ biến trong những năm gần đây ở Malaysia. Ảnh: THE STAR/ASIA NEWS NETWORK

Một ly cà phê đá có giá 2,5 RM (75 cent Singapore), trong khi Milo đá là 3 RM. Do cần thêm công sức để chuẩn bị nên “Hor ka sai” có giá 4,5 RM. Dù giá khá cao, nhưng bù lại đồ uống này mang đến một trải nghiệm độc đáo cho người thưởng thức.

Tương tự như mocha, “Hor ka sai” - sự kết hợp giữa cà phê và sô cô la - được cho là xuất hiện từ những năm 1950, một loại thức uống bổ sung năng lượng cho các thợ mỏ thiếc ở Perak. Nhờ có hỗn hợp đậm đà và mạnh mẽ này, các thợ mỏ có thể duy trì sức lực trong nhiều giờ làm việc căng thẳng.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tên "Hor ka sai" có nguồn gốc từ tiếng Quảng Đông. Bởi đây là thuật ngữ thường được sử dụng để châm biếm, chế giễu ai đó khoe khoang sự giàu có hoặc địa vị của họ.

Oriental Daily đưa tin, vào tháng 10 năm ngoái, đồ uống "hổ cắn sư tử" được bán tại các cửa hàng tiện lợi ở Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy nhiên, tại nơi cà phê trắng thống trị như ở Ipoh, “hổ cắn sư tử” ít phổ biến hơn. Wong Shin Ee - làm việc tại Sin Yoon Loong cho biết, cứ 10 ly cà phê trắng thì sẽ có một đơn đặt hàng "Hor ka sai".

“Ở đây chúng tôi không gọi là 'Hor ka sai'. Nó được biết đến với tên gọi Milo kopi hoặc MC (Milo coffee). Loại đồ uống này rất phổ biến trong giới trẻ", Wong Shin Ee nói thêm.

Chủ quán Kong Fu Kopitiam, Ricky Soong cho biết, ông không bán món này tại quán của mình. Bởi cà phê trắng Ipoh tự nó đã ngon rồi, nên ông không tin vào việc trộn nó với bột sô cô la. Ông cho rằng đây chỉ là một trào lưu do giới trẻ dựng nên để tạo sự khác biệt.

Vậy còn "Kopi gu you" (tiếng Hokkien chỉ cà phê với bơ) thì sao? Ở Penang, đó là cà phê nóng được thêm một miếng bơ nhỏ. Tại Bee Ghah Kafe ở Teluk Kumbar, thức uống này đã có trong thực đơn gần 100 năm, theo chủ sở hữu thế hệ thứ ba Teoh Phaik Chin, 50 tuổi.

"Ông tôi mang công thức từ Trung Quốc và đưa vào thực đơn khi mở quán cà phê ở đây trước chiến tranh. Doanh nghiệp đã hoạt động hơn 90 năm, khi đó loại cà phê này được cho là giúp làm dịu cổ họng của những người hút thuốc phiện. Nó rất nổi tiếng trong thế hệ lớn tuổi. Giờ nhờ mạng xã hội, giới trẻ đang tái khám phá nó vì sự độc đáo", bà nói.

Trong quá khứ, cà phê được phục vụ với một miếng bơ đặt riêng trên một đĩa nhỏ. Người uống cà phê có thể chọn ăn bơ sau khi uống xong cà phê hoặc khuấy nó vào thức uống. Ngày nay, bơ được thêm trực tiếp vào cà phê.

Theo The Straits Times

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doc-dao-mon-ho-can-su-tu-tai-quan-ca-phe-malaysia-2396507.html