Đong đầy cảm xúc 50 năm ngày đại thắng

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã gặp những cựu chiến binh, cựu tù...năm xưa.

* CỰU CHIẾN BINH NGUYỄN VĂN NGHỄ: Nhìn về quá khứ để trân trọng giá trị của hòa bình

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm gặp CCB Nguyễn Văn Nghễ, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang từng là Trung đội trưởng pháo binh. Ông Nghễ vẫn nhớ như in từng chi tiết, từng dấu mốc quan trọng trong những năm tháng kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về một thời hoa lửa mà thế hệ các ông đã trải qua.

Năm 1966, khi vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong thời gian chiến đấu, ông Nghễ cùng đồng chí, đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại các chiến trường trong tỉnh. Năm 1970, khi đóng quân tại xã An Thạnh Thủy cùng Trung đội 514B, ông cùng đồng đội chiến đấu không may bị thương và mất đi chân trái.

Năm 1974, ông Nghễ được điều về Tỉnh ủy Gò Công và làm Chánh văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gò Công. Chiến tranh kết thúc, ông mang trong mình nhiều vết thương và chỉ còn 1 chân nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác cho đến ngày nghỉ hưu. Vào mỗi dịp Lễ 30-4 hằng năm, ông lại đến các trường học hay đơn giản là khi các con, các cháu đến thăm thì ông lại tâm sự, kể về những năm tháng khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng không kém phần tự hào, vĩ đại của dân tộc ta và mùa Xuân đại thắng năm 1975 sẽ luôn là mùa Xuân vẻ vang, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của người CCB gần 60 năm tuổi Đảng này.

* NỮ CỰU TÙ PHẠM THỊ LIÊN: Những năm tháng chiến đấu không thể quên

Chiến tranh đã đi qua 50 năm, nhưng trong ký ức của cựu nữ tù Phạm Thị Liên, sinh năm 1946, ấp Trung B, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn in đậm về những năm tháng tham gia kháng chiến, bị địch bắt tù đày. Khi vừa tròn 16 tuổi, bà Liên đã hăng hái tham gia vào hoạt động kháng chiến tại quê nhà với một mong ước là góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất quê hương, đất nước.

Năm 1966, khi địch đổ quân càn vào xã Long Định, chúng sử dụng bộ binh, pháo binh, trực thăng đổ quân xuống cánh đồng khu dân cư, chúng bắn pháo liên tục, bà Liên cùng dân ở trong nhà xuống trảng xê (hầm tránh pháo), chúng lùng sục trong nhà rồi bắt bà, bởi lúc này cơ quan đóng trong nhà dân.

Bà Liên nhớ lại: “Trong lúc tôi bị bắt, chúng khai thác liền tại chỗ, trói chéo tay, đổ nước bẩn, nước xà phòng vào miệng, lỗ mũi, tôi bị sặc sụa, ngạt thở, bụng bị căng lên, chúng dẫm đạp lên người tôi để nước trào ra người, tôi bị ngất đi. Khi tỉnh lại chúng lại hỏi: Tổ chức cách mạng ở đâu?” Tra tấn 7 ngày, không khai thác được gì, chúng nhốt bà vào xà lim, rồi lại mang ra khai thác tiếp. Cứ thế, bà Liên ở tù tổng cộng 26 tháng, 5 lần bị nhốt vào xà lim. Bà Liên thà chết chứ kiên quyết không nhận tội, không khai.

Sau khi ra tù, bà Liên được tổ chức giao những nhiệm vụ trọng trách như: Trưởng Ban Giao liên huyện, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành cho đến ngày nghỉ hưu. Khi trở về đời thường, bà lại miệt mài tham gia công tác ở Hội Người cao tuổi, tham gia, giúp sức cho chính quyền địa phương. Hiện bà Liên là Phó trưởng Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh Tiền Giang. Bà luôn quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ những cựu tù nói chung và nữ cựu tù cách mạng nói riêng. Được biết, năm 2012, bà Liên đã đứng ra vận động xây dựng Bia ghi danh 51 liệt sĩ, 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng tại ấp Trung B, xã Nhị Bình.

“Còn sức lực là còn cống hiến, phải cho thế hệ trẻ biết được để có hòa bình đã đánh đổi mồ hôi, máu và nước mắt của cả dân tộc. Để các cháu yêu quê hương, quý trọng hòa bình mà sống tốt, làm nhiều điều có ích cho xã hội. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng các thế hệ trẻ cũng như phụ nữ sau này sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống để cùng viết nên những trang sử vẻ vang của thời đại mới” - bà Liên tâm huyết.

* CỰU CHIẾN BINH BÙI HỮU TRIỆU: Viết tiếp tinh thần 30-4

Trở thành người lính khi vừa tròn 16 tuổi và từng tham gia chống Mỹ cứu nước tại nhiều chiến trường, CCB Bùi Hữu Triệu, ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang từng là chiến sĩ được chứng kiến thời khắc lịch sử của toàn dân tộc - đó là thời khắc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Với ông, đó là khoảnh khắc không thể nào quên.

“Năm 1966, trong trận 3 du kích cùng nhau đánh Mỹ trên địa bàn Chợ Gạo, tôi là 1 trong 3 du kích đó. Lúc đó, chúng tôi bắn 2 tên Mỹ, sát thương 1 tên. Sang đầu năm 1968, có một trận đánh bằng vũ khí thô sơ, tôi đã bắn chiếc M.113 hư, được công nhận là Dũng sĩ diệt xe tăng bằng vũ khí thô sơ….” - ông Triệu nhớ như in.

Tháng 8-1968, trong một lần địch biệt kích, ông Triệu đã bị địch bắt, chúng bắt ông đày ra Côn Đảo. Ở trong tù nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ, luôn giữ một lòng theo Đảng. Đến năm 1971, trở về địa phương, ông tiếp tục tham gia du kích xã rồi làm Xã đội trưởng. Năm 1978, ông làm Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An cho đến khi nghỉ hưu. Nhắc đến ngày 30-4-1975, ông Triệu tự hào: Lúc này tôi là Xã đội trưởng, Mỹ Tịnh An là 1 trong 3 xã của huyện Chợ Gạo không còn bóng dáng kẻ thù sớm nhất. Niềm vui ngày 30-4 không thể nào diễn tả nỗi, ai cũng vui mừng khôn tả.

Dù tuổi cao nhưng “tinh thần 30-4” của năm 1975 vẫn cháy mãi trong người ông, hiện tại ông vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội ở địa phương, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

PHƯƠNG MAI (lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202504/dong-day-cam-xuc-50-nam-ngay-dai-thang-1041328/