Độc đáo nghề trồng cây Dó bầu

Dó bầu là loại cây có khả năng tạo ra nhựa thơm làm trầm hương, một loại tinh dầu quý làm dược phẩm, hương liệu và thực phẩm… Nhờ việc trồng loại cây quý hiếm này, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được chế tác từ thân cây Dó bầu.

Đam mê cùng cây quý

Ông Nguyễn Văn Minh- người nhiều năm đam mê với cây Dó bầu quê gốc ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Năm 1987, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông biết đến cây Dó bầu tạo trầm từ một người bạn, sự tò mò muốn tìm hiểu và theo đuổi giấc mơ làm giàu bắt đầu từ đó. Năm 1997, ông vào Quảng Nam và bắt đầu bén duyên với cây Dó bầu, học cách cấy trầm tạo ra nguồn nguyên liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Trải qua nhiều năm bôn ba, nằm vùng tại hầu hết các xứ trầm trong nước, với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngại khó, ngại khổ, năm 2015, ông Minh trở về quê và bắt đầu tìm kiếm nguồn cây Dó bầu được trồng tại địa phương để khai thác cấy trầm… Hiện tại, ông Minh còn sở hữu 1.000 gốc Dó bầu tại xã Chu Hóa, TP Việt Trì và 3ha đất đồi trồng Dó bầu tại huyện Hạ Hòa.

Nụ trầm hương được sản xuất để phục vụ khách hàng có nhu cầu về hương nhang.

Chia sẻ về nguồn gốc của cây Dó bầu, ông Minh cho biết: Cây Dó bầu đã xuất hiện hàng trăm năm nay và thường xuất hiện nhiều trong rừng sâu khu vực miền Trung trở vào. Sau này, người ta biết giá trị của cây Dó bầu nên đã được nhân giống và đưa về trồng ở nhiều vùng, miền trong cả nước. Chỉ biết đây là loại gỗ quý, cây sau khi bị tổn thương bởi tác động từ bên ngoài sẽ tạo ra chất nhựa để bảo vệ vết thương đó và tích tụ thành trầm….“Trước đây, việc khai thác trầm hoàn toàn dựa vào cây Dó bầu mọc tự nhiên, thông thường cây có độ tuổi từ 10- 15 năm bắt đầu tạo trầm nhưng nay cây Dó bầu đã được trồng và chăm sóc rất kỹ, khi cây đủ độ tuổi là có thể cấy tạo trầm. Cách cấy trầm hương nhân tạo thực hiện rất đơn giản, bằng cách làm cho cây bị thương như khoan sâu vào thân cây, lấy mảnh thép găm sâu vào và tiêm vào đó hỗn hợp kích thích tạo trầm hương. Trong khoảng từ ba đến bốn năm trở lên, khi nước mưa thấm vào hòa với nhựa của cây từ đó sẽ kết trầm”, ông Minh cho biết thêm.

Năm 2016, ông thành lập công ty TNHH trầm hương Phúc Minh, trụ sở tại khu 1, xã Hùng Lô, TP Việt Trì và đặt xưởng sản xuất, sơ chế các sản phẩm từ cây Dó bầu đã có trầm, chế tác thành nhiều sản phẩm như trầm miếng, tinh dầu trầm, bột trầm, nhang trầm, các sản phẩm mỹ nghệ khác được làm từ trầm như cây cảnh, tượng, các loại vòng hạt đeo tay, đeo cổ cùng những vật dụng lưu niệm khác… tại khu 3, xã Chu Hóa. Sản phẩm của ông Minh được xuất đi nhiều nơi trong, ngoài nước, tạo việc làm cho hơn 30 lao động là con em thương, bệnh binh và nhân dân ở địa phương với thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Xưởng sản xuất, chế tác các sản phẩm từ cây Dó bầu tạo trầm của Công ty ông Minh.

Đầu ra ổn định

Những năm về trước, nhiều người nhận biết được giá trị của cây Dó bầu nên số lượng cây cũng được trồng nhiều ở khắp nơi. Hầu hết các huyện đều có nhà trồng Dó bầu, nhà ít thì vài chục cây, nhà nhiều vài hecta. Nhiều hộ không chỉ trồng cây Dó bầu xung quanh vườn nhà, hàng rào, trồng xen canh với các loại cây trồng khác mà còn chuyển sang trồng trên cả đất nông nghiệp. Sau năm đến bảy năm, cây Dó bầu cho thu hoạch, tùy vào tuổi thọ và độ lớn của từng cây mà mức giá thu mua sẽ khác nhau, cây càng lâu năm giá trị sẽ càng lớn. Trong quá trình cây sinh trưởng khoảng được năm năm, để tạo trầm người ta khoan lỗ, bơm hóa chất bằng men sinh học để kích thích tạo trầm hương. Sau vài năm khoan cấy men sinh học là có thể thu hoạch được.

Nhiều vườn Dó bầu từ năm năm trở lên đã được người dân cấy tạo trầm. Một vài hộ khai thác cây Dó bầu, tỉa thưa để chưng cất lấy tinh dầu. Dầu trầm hương sau khi chưng cất sẽ bán làm nguyên liệu mỹ phẩm có giá rất cao trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tự ở khu 8, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh có gần 30 gốc cây Dó bầu được trồng từ năm 2004, hiện ông đã cho cấy trầm được hai năm. Chia sẻ với chúng tôi về cách trồng cây Dó bầu, ông Tự cho biết: Dó bầu là loại cây dễ trồng, phát triển tự nhiên, ít rủi ro song đôi lúc gặp thời tiết bất lợi dễ bị sâu ăn lá tấn công, khiến lá thiếu dưỡng chất và rụng. Việc này khiến cây bị trơ trọi cành, cháy lá, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng. Các chủ vườn cần ra thăm cây thường xuyên, khi phát hiện lá bị sâu phải phun thuốc diệt…

Cây Dó bầu của ông Nguyễn Thế Kỷ đã đến kỳ thu hoạch.

Đất trồng cây Dó bầu phải là đất nhàn rỗi, người trồng phải kiên trì vì khoảng 10 năm mới cho thành quả. Cây Dó bầu trưởng thành cao trung bình 20m, đường kính 30-40cm, tán rộng 8-10m. Khi cây đủ tuổi, người dân bắt đầu khoan, đục lỗ trên thân, bôi dầu vào bên trong lỗ để kích thích cây tạo ra dầu. Sau hai đến ba năm, những cây đã khoan lỗ có thể cho thu hoạch. Cây giá trị thấp nhất cũng khoảng vài triệu đồng, trung bình 15-50 triệu đồng. Chia sẻ về hiệu quả kinh tế mà cây Dó bầu mang lại, ông Nguyễn Thế Kỷ ở khu 16, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao cho biết, gia đình ông cũng trồng 50 gốc cây Dó bầu trong vườn nhà, đã được 12 năm tuổi, hiện đã cho cấy trầm được hai năm, chuẩn bị thu hoạch, ước đạt hàng trăm triệu đồng.

Qua tìm hiểu được biết, diện tích trồng Dó bầu trên địa bàn tỉnh được trồng rải rác ở hầu hết các huyện nhiều đồi núi, không tập trung, quy mô chưa nhiều, quá trình khai thác còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đầu ra của nguyên liệu trầm hương luôn ổn định. Nhiều năm trở lại đây, thương lái đến trực tiếp đặt hàng với các hộ nông dân để thu gom trầm. Hàng trầm hương được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó thị trường các nước Trung Đông là lớn nhất, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân, đem lại thu nhập ổn định, lâu dài.

Mộc Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/doc-dao-nghe-trong-cay-do-bau/190412.htm