Độc đáo nghi lễ mở cửa đình của đồng bào dân tộc
Bắt đầu từ mồng 2 Tết Nguyên đán, đồng bào một số dân tộc trên địa bàn tỉnh thực hiện nghi lễ mở cửa đình sau khi thực hiện nghi lễ đóng cửa đình vào cuối năm. Sau nghi lễ mở cửa đình sẽ diễn ra hội làng gắn với hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh hiện có một số ngôi đình làng gắn liền với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc như đình làng Giếng Tanh, đình làng Kỳ Lãm, đình làng Song Lĩnh, đình làng Mỏ Tôm, đình làng Thọ Vực…Các ngôi đình lập nên để tỏ lòng biết ơn các vị thần và các vị Thành Hoàng làng; cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh.
Trong năm, tại các ngôi đình diễn ra một số lễ hội quan trọng như lễ mở cửa đình (tháng Giêng đầu năm), lễ mừng cơm mới (tháng Tám âm lịch sau khi thu hoạch vụ mùa), lễ treo hái (thường vào dịp tổng kết năm, tháng 11) và lễ khép ấn (đóng cửa đình vào tháng Chạp). Các ngày lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính và thắm tình đoàn kết.
Ông Lâm Kiến An, dân tộc Cao Lan, thành viên Ban Trị sự đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết: Lễ mở cửa đình làng Giếng Tanh diễn ra vào ngày mồng 2 Tết Nguyên đán hàng năm. Lễ vật cúng tế gồm gà, xôi và hương hoa. Đại diện người thực hành nghi lễ báo cáo với các vị thần linh năm cũ đã qua, năm mới đến, nay dân làng xin phép mở cửa đình, đón mùa xuân mới, cầu mong một năm thuận lợi, nhà nhà no đủ, thóc lúa đầy bồ, con cháu học hành, làm ăn tấn tới.
Trước đó vào ngày 25 tháng Chạp đã diễn ra nghi lễ đóng cửa đình. Sau ngày này, bà con trong thôn kiêng làm những việc trọng đại. Vào đêm giao thừa, thành viên Ban Trị sự và một số người dân (tùy tâm) tập trung thắp hương tại đình. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hầu hết dân làng đều ra giếng làng (Giếng Tanh) lấy nước pha chè dâng lên bàn thờ tổ tiên. Người dân tin rằng, nguồn nước thanh mát, trong lành từ giếng Tanh sẽ mang lại sức khỏe, may mắn cho mọi người.
Sau lễ mở cửa đình vào đầu năm là các lễ hội xuân lần lượt được tổ chức. Trong đó, vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán hàng năm, UBND xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) tổ chức Lễ hội đình làng Song Lĩnh;ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng tổ chức lễ hội đình làng Thọ Vực ở thôn Gò Đình, xã Hồng Sơn (Sơn Dương); ngày 9 và 10 tháng Giêng tổ chức lễ hội đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (Tp Tuyên Quang)…
Hiện nay, các ngôi đình vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc. Sau nghi thức cúng tế tại đình làng là phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, vật, đẩy gậy, đi cà kheo… đậm đà bản sắc dân tộc.