Độc đáo phù điêu biển số nhà ở Amsterdam
Cho tới năm 1875, nhà cửa ở Amsterdam và cả Hà Lan nói chung đều chưa đánh số, ghi địa chỉ.
Để phân biệt mỗi nhà có đặc điểm gì nổi bật, nghề nghiệp của gia chủ, theo tín ngưỡng nào, người ta sẽ trổ một cái ô to ở cửa, trên đó tạc những thứ kể về họ.
Chẳng hạn như, nếu nhà làm giấy, trên ô này sẽ có hình ảnh các công đoạn cưa xẻ, nghiền gỗ thành bột - se giấy. Còn nhà bán bánh thì có cảnh lò nướng, các rổ bánh mỳ, bánh ngọt… Mỗi ô sẽ có một biển (phù điêu) thường được đẽo chạm bằng đá, trong tiếng Hà Lan gọi là Gevelstenen, rồi tô vẽ sặc sỡ.
Trước đây, phù điêu số nhà vốn bằng gỗ nhưng sau trận hỏa hoạn năm 1452 đã được đổi sang đá. Từ chỗ gắn phù điêu trên mặt tường, gia chủ đã di chuyển vào các hốc nhằm giúp người đi đường hoặc ngồi xe ngựa đỡ bị đụng đầu và giảm tiếng gió lùa réo rắt vào đêm… Dù bằng gì, ở đâu, Gevelstenen cũng rất sinh động, sặc sỡ và là một câu chuyện thú vị về gốc tích của một căn nhà.
Chẳng hạn, nhà văn sẽ vẽ một cái bút lông, trong khi thủy thủ vẽ một con thuyền, còn nha sĩ thì vẽ một cái răng hoặc tay đút vào miệng. Ngư dân dĩ nhiên sẽ gắn với cái lưới - con cá, người chăn nuôi lại đi với các đàn gia súc. Thợ mộc, thợ xây, thợ rèn, thợ dệt, thợ sửa khóa luôn cầm trong tay các công cụ đặc trưng.
Một số quan chức không vẽ được thì ghi chữ kèm theo, cho thấy họ là sĩ quan hay tướng lĩnh nhà binh… Đôi khi có nhiều họa tiết như huy hiệu hoặc câu chữ (khẩu hiệu) lại chỉ để trang trí, tô điểm cho ngôi nhà, song cũng ít nhiều đề cập tới địa vị, quyền uy, phong cách hào hoa của chủ nhà hoặc một làng xóm, thành phố.
Và đặc biệt có khá nhiều Gevelstenen về thần tiên, linh thú, các vị thánh đỡ đầu, các nhân vật, sự kiện trong Kinh Cựu Ước - Tân Ước, truyền thuyết, ngụ ngôn phản ánh đức tin, tư tưởng hay mong muốn của gia chủ trước điều gì.
Tất cả hiện lên một thế giới phồn thịnh, trù mật với đủ các lĩnh vực, sinh hoạt đa dạng của con người, cùng một thiên nhiên tươi đẹp, phong phú các loài hoang dã lẫn thuần dưỡng.
Đa số Gevelstenen đều cách nền đất, nền đường khoảng ba, bốn mét hoặc nằm ở ngay trên cửa nhà, cửa cổng, cửa sổ. Trong những tấm biển bấy giờ, có khoảng 20% ghi rõ ngày, tháng, năm xây dựng.
Đến thế kỷ 19, trong thời Pháp thuộc, do chính quyền cho làm địa chỉ, dân gian Hà Lan mới bắt đầu dừng việc dùng Gevelstenen. Song, nhiều chủ nhà vì thích tả cảnh và trong kiến trúc luôn có truyền thống đắp phù điêu, tượng đài nên họ vẫn làm Gevelstenen.
Riêng với những phù điêu biển nhà cổ, hiện Hà Lan vẫn còn có tới 2.500 tấm, riêng tại Amsterdam là 850 tấm. Tuy không còn được khoe diễu ra ngoài nữa, nhiều tấm biển xinh đẹp vẫn được yêu chuộng, sưu tầm và bảo tồn tại tư gia, bảo tàng và bởi Hội Những người bạn Gevelstenen Amsterdam (VVAG).
Vì chúng là những đồ lưu niệm quý giá và cái nhìn sắc sảo, gợi nhớ về quá khứ cùng khiếu thẩm mỹ tinh tế của người xưa.