Độc đáo thư viện trên cây
Không gian mở, thoáng đạt rộng rãi; thiết kế độc đáo, đẹp mắt, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên là những ấn tượng của chúng tôi khi đến thăm mô hình thư viện trên cây mới được đưa vào hoạt động tại Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường thời gian gần đây.
Thư viện gồm hai khối nhà theo hình tròn hai tầng được tạo hình, xây dựng xung quanh hai cây xà cừ cổ thụ tại khu vực sân nhà trường. Hai khối nhà cách nhau chừng hơn chục mét được kết nối bằng một đường cầu vững chắc.
Mỗi khối nhà có diện tích khoảng 30m2 được làm bằng khung sắt thép kết hợp với gỗ. Mái và sàn tầng hai được làm bằng gỗ xử lý qua công nghệ hiện đại đảm bảo chịu được những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết.
Sàn tầng hai được bố trí các tủ để sách, ghế ngồi có thể di chuyển được thiết kế phù hợp với học sinh, khu vực ban công ngoài trời, giúp học sinh có thể đọc sách trong nhà hoặc ra không gian bên ngoài để tận hưởng sự gần gũi với thiên nhiên.
Sàn tầng một ngoài dãy ghế gỗ cố định chạy vòng quanh khoảng ½ diện tích sàn còn được bố trí thêm tường tập leo núi; hệ thống dây chơi đơn giản giúp học sinh có thể vui chơi, vận động, tránh nhàm chán khi đọc sách, cũng như nâng cao sức khỏe cho học sinh.
Thư viện trên cây có thể cùng một lúc đảm bảo không gian đọc sách cho khoảng 35-40 em học sinh. Ngoài đọc sách, không gian thư viện còn là nơi lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời, cũng như các hoạt động giáo dục học sinh khác của nhà trường.
Em Nguyễn Thị Thảo Nhi, học sinh lớp 2D, Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường hồ hởi, ra đây chúng em vui lắm, vừa được chơi, vừa được đọc sách, nhiều sách lắm, toàn là sách mới. Em thích ngày nào cũng được ra đây.
Em Trần Minh Anh, học sinh lớp 2E chia sẻ thêm: Đọc sách trong nhà không vui đọc sách ngoài này vui lắm lại còn có trò chơi như được đi chơi trong công viên ấy, thích lắm. Em ước gia đình em cũng có một cái như thế này ở trong sân để hằng ngày em lên chơi và đọc sách.
Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc, cô Đào Thị Vĩnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường chia sẻ: “Mô hình thư viện trên cây ngay từ khi phác thảo ý tưởng đến khi xây dựng rất được giáo viên, phụ huynh và các em học sinh quan tâm, đón chờ.
Mặc dù được hoàn thành cách nay hơn 3 tháng nhưng do điều kiện dịch bệnh Covid-19 học sinh phải nghỉ học nên thời gian gần đây học sinh đến trường trở lại thư viện mới chính thức đi vào hoạt động. Trên thực tế đây được xem là khu đọc sách, hoạt động ngoài trời của thư viện nhà trường với tổng số hơn 1.000 đầu sách và thường xuyên được đầu tư, bổ sung.
Mô hình thư viện trên cây tuy mới hoạt động nhưng đã tạo được sức hút rất lớn, giúp các em học sinh thích thú hơn, yêu thích hơn với việc đọc sách, dần hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ khi còn nhỏ.
Cùng với đó, tạo điểm nhấn không gian, kiến trúc cảnh quan cho nhà trường, thêm khu vực cho các tiết học ngoài trời giúp các em gần gũi với thiên nhiên hơn và thư giãn sau các tiết học trong lớp căng thẳng.”
Để thư viện hoạt động hiệu quả, lâu dài, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường đã bố trí, phân công giáo viên phụ trách thư viện, thường xuyên tổ chức lau chùi, quét dọn, kiểm tra, bảo quản trang thiết bị, bàn ghế, sách vở.
Xây dựng nội quy, sắp xếp thời khóa biểu cho hoạt động tại thư viện cho từng lớp học cụ thể, đảm bảo tất cả các em học sinh đều được đọc sách và hoạt động tại thư viện.
Hằng tuần sẽ thay đổi các đầu sách theo từng chủ đề cụ thể kết hợp với đa dạng các loại sách trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi để tạo hứng thú, thu hút nhiều hơn các em học sinh tự giác đến với văn hóa đọc…
“Thư viện trên cây là mô hình mới mang nhiều ý nghĩa lâu dài và giá trị nhân văn sâu sắc, tuy nhiên kinh phí thực hiện không phải nhỏ, nếu để các trường tự triển khai sẽ không có kinh phí. Thực tế mô hình ở Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường cũng do lãnh đạo tỉnh quan tâm kêu gọi nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp.
Do vậy, rất mong muốn thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp, các ngành nghiên cứu xem xét để có phương án nhân rộng ra các trường học trên địa bàn toàn tỉnh để góp phần phát triển văn hóa đọc cho thế hệ tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình cũng cần xem xét, tính toán cho phù hợp với từng địa bàn, vùng miền, từng trường học cụ thể để tạo nên bản sắc riêng cho mỗi trường, tránh trường hợp dập khuân, dễ gây trùng lặp, nhàm chán, hiệu quả không cao…”. Cô Vĩnh chia sẻ thêm.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/76021/doc-dao-thu-vien-tren-cay.html