Độc đáo tranh trên nón lá của chàng trai 9x
Cuộc sống sinh hoạt đời thường đã được chàng trai 9x 'thổi hồn' qua những bức tranh sống động được vẽ trên từng chiếc nón lá.
Nhắc đến xứ Huế, người ta thường nghĩ ngay đến cầu Trường Tiền, sông Hương thơ mộng, cùng với đó là tà áo dài tím của người con gái Huế dịu dàng, thiết tha. Không những vậy, với câu hát “Trở lại Huế thương, bài thơ khắc trong chiếc nón” cũng là một nét đặc trưng của vùng đất nơi đây.
Chàng trai Nguyễn Gia Hùng (SN 1990, trú tại Tổ 9, phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là một trong những người đam mê với hội họa, muốn "thổi hồn" cuộc sống đời thường lên những bức tranh được vẽ trên chiếc nón, nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm và ấn tượng với văn hóa xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bén duyên với nghề
Cách đây 6 năm, vào một ngày lang thang tại chợ Đông Ba, nhìn thấy các mặt hàng nón Huế được chào bán khắp chợ nhưng chỉ là loại thông thường, không có hình vẽ. Thế nhưng, những sản phẩm này lại thu hút khách du lịch tham quan và mua về làm kỷ niệm. Từ đó, Gia Hùng nghĩ ra ý tưởng vẽ các bức tranh trên nón để bán thử, vì vậy chàng trai này đã mua nón và bắt đầu hành trình chinh phục du khách khi đến Huế.
Sau một thời gian cho ra thành quả, Gia Hưng đem sản phẩm tới chợ Đông Ba và đã được rất nhiều người ủng hộ, thu hút được nhiều khách du lịch và kể từ đó, sản phẩm của Gia Hùng luôn được các tiểu thương đặt hàng với số lượng ngày càng nhiều.
“Thời gian đầu tôi vẽ lên nón hình ảnh những cô gái, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ,… để đem bán thử, lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn vì nhiều người không tin tưởng về sản phẩm, tuy nhiên sau một thời gian đã được nhiều người ưa chuộng.
Ngày nay, mọi người cứ tới chợ Đông Ba hỏi tên "Hùng nón lá" thì hầu như ai cũng biết đến tôi”, anh Nguyễn Gia Hùng vui vẻ chia sẻ.
Từ việc vẽ lên nón lá để nhập sỉ cho các tiểu thương ở chợ, ngày nay sản phẩm của chàng trai Nguyễn Gia Hùng đã được phân phối đưa đi thị trường nhiều nơi như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Hà Nội, Sài Gòn,…
Mong muốn lan tỏa hình ảnh quê hương
Theo anh Gia Hùng, trước khi có dịch Covid-19, công việc của anh rất thuận lợi, du lịch phát triển, vì vậy các sản phẩm được đặt hàng rất nhiều, anh phải thuê thêm thợ để hỗ trợ mình trong việc vẽ tranh, công việc kéo dài từ sáng sớm cho đến tối muộn, trung bình một ngày có thể vẽ lên nón từ 700 đến 800 chiếc.
Tuy nhiên sau khi dịch bệnh bùng phát, thị trường du lịch cũng bắt đầu lắng xuống, do ảnh hưởng của dịch nên một ngày anh chỉ vẽ khoảng 200 sản phẩm.
Giá mỗi sản phẩm cũng tùy vào địa bàn phân phối xa hay gần. Anh Hùng cho biết, đối với những nơi ở xa như Sài Gòn, Phú Quốc thì giá nhập sỉ giao động từ 50.000 đồng – 52.000 đồng/chiếc; giá bán lẻ khoảng 80.000/chiếc. Đối với những nơi gần hơn như Đà Nẵng, Hội An thì giá sỉ từ 47.000 đồng – 48.000 đồng/chiếc; giá bán lẻ từ 70.000 đồng – 75.000 đồng/chiếc.
Sản phẩm cũng có nhiều loại và kích thước để khách lựa chọn. Gia Hùng thường vẽ tranh trên các loại nón làm bằng lá cọ, nón lá bàng hay nón làm lá sen.
Về kích thước của nón, đối với nón có kích thước lớn là 16 vành, nón có kích thước nhỏ, vừa là 12 hoặc 13 vành nhằm tăng độ đa dạng sản phẩm cho du khách.
Chia sẻ thêm về các chủ đề tranh được vẽ, anh Hùng cho biết, các chủ đề do anh tự tưởng tượng trong đầu, không có mẫu cụ thể. Thông thường các chủ đề là cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam từ cổ xưa cho đến hiện đại đều được thể hiện trên từng chiếc nón.
Đặc biệt, tùy vào đặc trưng của mỗi vùng miền mà anh nhập hàng hoặc bán cho du khách để vẽ.
“Đối với mặt hàng phân phối ở Đà Nẵng thì tôi vẽ cầu Rồng, cầu sông Hàn trên nón, đối với hàng phân phối ở Sài Gòn thì tôi lại vẽ chợ Bến Thành. Tùy vào đặc trưng của mỗi vùng để tôi vẽ lên sản phẩm của mình”, anh Hùng cho biết thêm.
Về nguyên liệu để vẽ tranh bao gồm các nguyên liệu chính như cọ quét nền, cọ dặm chi tiết hoa, cọ để vẽ người,… Ngoài cọ thì còn có màu, màu được sử dụng ở đây là màu Acrylic 3D không thấm nước nhằm giúp cho việc đội nón dưới trời mưa nhưng vẫn giữ nguyên được bức tranh không bị trôi màu.
Ngồi dưới hiên nhà, những chiếc nón được anh Hùng bày ra dưới nền, sau đó cặm cụi vẽ hàng loạt các bức tranh chỉ trong một thời gian ngắn.
“Tôi chỉ cần tưởng tượng trong đầu sẵn và chăm chú vẽ thì chỉ khoảng 10 đến 15 phút là đã hoàn thành xong một bức tranh trên nón. Thông thường tôi sẽ vẽ một cảnh trên 10 chiếc nón chỉ khoảng 1,5 tiếng đồng hồ với nón to và 1 tiếng đối với nón nhỏ”, anh Hùng cho hay.
Vì là người có kinh nghiệm lâu năm nên anh Hùng sẽ vẽ theo thứ tự vẽ nền, vẽ nhân vật và vẽ tiết phụ. Những chi tiết chính sẽ vẽ trước như vẽ đất, nước trước rồi tới vẽ trời, nhân vật, mà nhân vật anh hay vẽ là những cô gái tóc dài trong tà áo tím hay mặc áo bà ba, những chú đạp xích lô,… Sau khi vẽ những chi tiết chính thì anh sẽ vẽ những chi tiết phụ như hoa, mây, núi, sông,…
“Tôi muốn 'thổi hồn' của cuộc sống đời thường bằng những bức tranh sống động được khắc họa qua chiếc từng nón lá. Tôi mong muốn rằng, sản phẩm nón lá không chỉ riêng tôi mà cả những sản phẩm khác của xứ Huế đều được lan tỏa đến với du khách trong và ngoài nước để mọi người biết được nét văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và của vùng đất Cố đô Huế nói riêng", anh Hùng tâm sự.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-dao-tranh-tren-non-la-cua-chang-trai-9x-post632346.html