Độc đáo văn hóa truyền thống người Xạ Phang

ĐBP - Người Hoa (Xạ Phang) là một trong 19 dân tộc anh em hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Người Xạ Phang có dân số khoảng hơn 2.000 người, cư trú thành bản, theo dòng họ tại các xã: Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa), Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà) và Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Quá trình định cư, lập bản đến nay, người Xạ Phang vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống, độc đáo, đặc sắc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, đặc biệt là nghề làm giày thêu và tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên.

Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Thèn Pả” theo tiếng của người Xạ Phang nghĩa là bãi ruộng. Theo giải thích của các bậc cao niên trong bản, trước kia người Xạ Phang chủ yếu quần cư tại xã Huổi Lèng. Từ những năm cuối thập niên 70 người Xạ Phang bắt đầu di chuyển về khu vực Thèn Pả canh tác ruộng nước và định cư luôn ở đây. Được bao bọc bởi những dãy núi cao nên Thèn Pả còn được người dân nơi đây gọi là “thung lũng mắt trời”. Ban đầu chỉ có hơn chục hộ sinh sống, đến nay người Xạ Phang ở Thèn Pả, xã Sa Lông đã phát triển thành bản với 66 hộ dân. Mặc dù đã trải qua cuộc di cư, lập bản mới nhưng người Xạ Phang ở Thèn Pả vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, tiêu biểu như nghề làm giày thêu.

Nghề làm giày thêu (liển hài) của người Xạ Phang được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng. Giày của người Xạ Phang có nhiều loại để phân biệt giới tính, độ tuổi và mục đích sử dụng hàng ngày. Giày cho người cao tuổi và giày chú rể chỉ có màu đen, mũi tròn và kín. Còn giày cho nam và nữ, từ trung tuổi trở xuống thường nhiều màu sắc, họa tiết. Điểm khác nhau giữa giày nam và giày nữ là giày nữ kín mũi, còn nam hở một phần phía trước và thân giày. Phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày; tạo hình hoa văn, thêu hoa văn trên thân giày, khâu ráp thân giày, quai giày để có thể hoàn chỉnh.

Chị Sần Sủ Hóa, một trong những người có nhiều kinh nghiệm thêu giày và sở hữu nhiều đôi giày ở bản Thèn Pả cho biết: Nguyên liệu chính để làm một đôi giày là vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản. Các dụng cụ đi kèm gồm: Kéo, dao nhỏ, kim khâu, kim thêu và sáp ong khô. Vải để khâu đế giày và thân giày phải là loại vải dày, dai, có độ bền (thường dùng vải dệt thủ công của người Thái). Chỉ khâu được làm từ vỏ một loại cây rừng (cây mà), là loại sợi săn chắc, dẻo dai, ít thấm nước. Từ thân cây được chặt về, tước bóc bỏ phần lõi, lấy phần vỏ ngoài, giã cho dập và mềm, sau đó luộc rồi phơi khô. Các sợi mỏng được xé nhỏ, nối với nhau và bện lại thành sợi nhỏ quấn vào thoi sợi để sử dụng khi cần thiết.

Mỗi loại giày đều có kiểu dáng, màu sắc, họa tiết riêng trên các bộ phận cấu thành của chiếc giày. Đôi giày của người Xạ Phang do những người phụ nữ tự khâu, thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần. Để hoàn thiện một đôi giày thêu, làm liên tục phải mất từ 10 - 15 ngày. Mỗi đôi giày hoàn thiện trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Những họa tiết, hoa văn riêng biệt trên giày thể hiện sự khéo léo và tư duy sáng tạo của phụ nữ Xạ Phang. Với giá trị văn hóa tiêu biểu, ngày 9/3/2021 nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Không chỉ độc đáo, tỉ mỉ, tinh tế sáng tạo trong việc làm giày thêu mà người Xạ Phang ở Thèn Pả còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống lao động thường ngày. Đến Thèn Pả ngày nay, chúng ta vẫn thấy lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của người Xạ Phang như: Bờ rào đá, những ngôi nhà gỗ được lợp bằng mái đá hoặc gỗ pơ mu có tuổi đời 30 năm trở lên. Ông Sần Sử Khoán, một bậc cao niên trong bản chia sẻ: Người Xạ Phang chúng tôi xưa kia sinh sống ở bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng; về Thèn Pả, canh tác rồi lập bản đến nay đã bước sang đời thứ 6, nhưng chúng tôi vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của ông cha truyền lại. Cụ thể, người Xạ Phang cũng có văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên. Bàn thời của người Xạ Phang gồm 2 tầng, tầng trên là thờ ông bà tổ tiên, tầng dưới thờ thổ địa (thần cai quản khu đất của gia đình đang ở). Ngoài ra trước cửa nhà người Xạ Phang cũng có 1 bàn thờ, thờ thần cửa (để người nhà mình đi đâu cũng được thần cửa phù hộ). Cửa nhà người Xạ Phang gồm 3 cửa ở phía trước nhà (trong đó, có 1 cửa ở giữa gọi là cửa chính và 2 cửa 2 bên gọi là cửa phụ). Theo phong tục của người Xạ Phang, phụ nữ, trẻ em gái từ 7 - 8 tuổi (bất kể khách hay người trong gia đình) không được đi vào nhà bằng cửa chính, chỉ được đi bằng cửa phụ.

Ngoài ra, do tập tục làm nông nghiệp và chăn nuôi nên trong bếp người Xạ Phang ngoài 1 bếp để phục vụ công việc nấu ăn thường ngày còn có 1 bếp lò được đắp bằng đất bên trên kê một chiếc chảo gang to. Nhà nào có điều kiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều thì đắp 2 bếp lò. Một bếp chuyên dùng để nấu cám (thức ăn cho lợn, gà…) còn một bếp chuyên để nấu đường làm kẹo gừng, bỏng ngô, gạo hoặc sử dụng vào những dịp lễ, tết trong năm. Phía trên bếp của người Xạ Phang luôn có giá treo các sản phẩm nông nghiệp, đồ làm gia vị chế biến thức ăn thường ngày như: hành, tỏi, ớt… đặc biệt, là treo bảo quản thịt lợn (hay gọi là thịt lợn gác bếp) thường thịt vào những dịp lễ, tết, cuối năm để làm thức ăn quanh năm.

Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/192064/doc-dao-van-hoa-truyen-thong-nguoi-xa-phang-