Đọc kinh Pháp hoa qua tạng Pali

NSGN - Bài viết này là một nỗ lực để đọc một số yếu chỉ trong kinh Diệu pháp liên hoa qua lời kinh từ tạng Pāli.

Ảnh minh họa

Người viết sở học không bao nhiêu, cho nên nhiều phần sẽ dựa vào chú giải của các bậc tôn túc, đặc biệt là từ kinh Pháp hoa của Hòa thượng Thích Trí Quang, Pháp hoa huyền nghĩa của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973, Tổng Thư ký Hội Phật học Nam Việt, Sài Gòn), và Pháp hoa tông chỉ đề cương của Thiền sư Thanh Đàm hiệu Minh Chánh (thế kỷ XVIII và XIX, trụ trì chùa Bích Động ở làng Đam Khê, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình). Tất cả những bất toàn trong bài viết này sẽ là lỗi riêng của người viết.

Trước tiên là về duyên khởi của kinh Diệu pháp liên hoa. Theo truyền thuyết, kinh này được Phật giảng vào lúc cuối đời, được kết tập vào khoảng năm 200 TL. Tuy nhiên, nhiều học giả sau khi phân tích ngữ pháp các bản chữ Sanskrit và chữ Hán, nói rằng kinh này được soạn và bổ túc nhiều lần.

Theo Wikipedia, học giả Kogaku Fuse nói rằng kinh này được viết qua bốn giai đoạn. Các phần văn vần trong chương 1-9 và 17 được viết vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, phần văn xuôi các chương trên bổ túc vào thế kỷ thứ nhất. Thời kỳ bổ túc lần thứ ba là ở các chương 10, 11, 13-16, 18-20 và 27, khoảng năm 100. Các chương 21-26 bổ túc thời kỳ cuối, khoảng năm 150.

Các học giả Stephen F. Teiser và Jacqueline Stone thì có đồng thuận về các thời kỳ soạn kinh, nhưng không đồng thuận về niên đại.

Theo ngài Tamura, các chương 2-9 được viết vào thời kỳ đầu, khoảng năm 50, mở rộng thêm các chương 10-21 khoảng năm 100, thời kỳ thứ ba là các chương 22-27, khoảng năm 150.

Có một số phân tích khác nữa, cũng dựa vào ngữ pháp và khảo cổ. Nói ngắn gọn, kinh Pháp hoa không do Phật thuyết.

Tuy nhiên, với chúng ta, điều đó không quan trọng. Bởi vì, ngay trong tạng Pāli cũng có nhiều kinh không do Phật thuyết. Thầy Thích Chúc Phú trong Biện chính Phật học tập I, qua bài Kinh điển phi Phật thuyết trong kinh tạng Nikaya ghi rằng có những kinh không phải do Đức Phật tuyên thuyết, mà là do các đệ tử thẩm quyền của Ngài thuyết giảng: kinh Trường bộ có 16 kinh; kinh Trung bộ có 31 kinh; kinh Tăng chi bộ có 23 kinh, kinh Tương ưng bộ có 16 kinh.(1)

Do vậy, nếu bất đồng về chữ kinh, chúng ta có thể đọc như một luận thư. Thí dụ, tương tự như khi đọc các bộ A-tỳ-đàm, Thanh tịnh đạo… trong tạng Pāli. Thực sự, không nên mong đợi rằng tất cả các ý trong luận thư đều có trong Kinh tạng. Thí dụ, Đức Phật trong tạng Pāli không dạy pháp thở đếm số, nhưng Thanh tịnh đạo dạy; không dạy quán hơi thở nơi bụng phồng xẹp, nhưng nhiều Thiền sư Nam tông Thái Lan dạy. Đó cũng là những phương tiện lớn cho giải thoát. Tuy nhiên, có nhiều điểm khả vấn trong các luận thư, vì các luận sư không chắc gì đã hiểu trọn Kinh tạng. Thêm nữa, khi chư Tăng kết tập kinh điển, thường bị vương quyền chi phối. Thí dụ, quốc vương sẽ chọn vị sư này hay sư kia chủ trì việc kết tập, trong khi loại trừ các vị sư có khuynh hướng khác. Thí dụ, thời này, nếu chư Tăng Thái Lan toàn quyền kết tập kinh điển, Ni đoàn sẽ bị cấm; trong khi chư Tăng Úc châu sẽ hỗ trợ tái lập Ni đoàn ở Thái Lan và nhiều nước khác. Cuộc tranh luận ở Vesak Việt Nam 2014 cho thấy chia rẽ đó.

Một câu hỏi có thể nêu lên rằng, kinh Diệu pháp liên hoa là một trong các kinh Đại thừa viên đốn, làm sao có thể tìm ra lời dạy nào trong Kinh tạng Pāli? Viên là tròn đầy, không còn gì hơn; đốn là tức khắc, hệt như Long Nữ tám tuổi khoảnh khắc chuyển thân thành Phật. Thực tế, khi đọc kỹ Kinh tạng Pāli, cũng sẽ thấy nhiều lời dạy trong kinh Pháp hoa.

Có thể tóm tắt tinh thần của kinh Pháp hoa hay không?

Trong kinh Pháp hoa, bản của ngài Thích Trí Quang dịch, nơi phần Lược dẫn, có tóm tắt về Pháp hoa (PH) như sau, trích:

“…Để nói như lược lại, rằng tu học PH thì phải thấy mấy điều sau đây. Một, thấy chính cái thế giới này là Tịnh độ của Phật. Phật thuyết PH tại Linh Sơn thì Linh Sơn là Tịnh độ của Phật. Tịnh độ của Phật là đương xứ tiện thị: ở đâu và lúc nào cũng là Tịnh độ của Phật. Hai, thấy Phật không nhập diệt. Phật siêu sống chết, siêu thời gian và không gian. Phật luôn luôn ở bên ta, trên ta và trong ta. Cái thấy của ta không cục bộ thì thế là thấy Phật. Ba, thấy đạo lý PH là “như vậy”: biểu hiện, đặc tính, bản thể, năng lực, động tác, nhân tố, duyên tố, kết quả, hình thành, toàn bộ, hết thảy các mặt của các pháp toàn là “như vậy”: toàn là PH. Nói ngay ta đây, tất cả những gì là ta thì chính tất cả những gì ấy là Phật, như cả cái cánh tay đang chỉ xuống chính là cả cái cánh tay sẽ chỉ lên”. (2)

Tóm tắt ngắn thêm, tức là, Phật luôn luôn ở bên ta, trên ta và trong ta. Và đạo lý Pháp hoa là 10 pháp “như thị” (Ngài Trí Quang dịch là “như vậy”). Trong phẩm Phương tiện, bản Hán là “như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh đẳng”.

Nghĩa là, không hề có vị Phật nào ngoài ta. Chính tâm này là Phật.

Trong tạng Pāli, kinh Tương ưng 35.23 (SN 35.23, Sabba Sutta: The All)(3) ghi lời Đức Phật dạy rằng, không hề có gì ngoài tấm thân ngũ uẩn này, trích dịch:

“Cái gì là tất cả? Chỉ là mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và mùi hương được ngửi, lưỡi và vị được nếm, thân và cái được xúc chạm, tâm và các niệm. Đó được gọi là tất cả”.

Có nghĩa là, Đức Phật (tức giải thoát, tức Niết-bàn) không ngoài thân tâm chúng ta. Nghĩa là, khổ và thoát khổ, mê và ngộ đều từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chứ không phải cái gì xa xôi.

Có thể dẫn thêm kinh Pháp cú - kệ 1, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu:

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo".

Bài kệ này có thể giải thích theo văn xuôi cho dễ hiểu là: Tất cả hiện tượng trong tâm đều có ý dẫn đầu, có ý là chủ, được tạo ra bởi ý. Nếu ai nói hay hành động với ác ý, khổ sẽ theo sát hệt như bánh xe lăn theo bước chân bò kéo xe.

Học giả Daw Mya Tin(4) ghi rằng, theo luận thư, tâm (mind) khống chế và là nguyên nhân của ba hiện tượng trong tâm - là thọ (feeling/vedana), tưởng (perception/sanna) và hành (mental formations/sankhara). Ba yếu tố này lấy thức (mind hay consciousness /vinnana) làm dẫn đầu, vì khởi đồng thời với tâm (nghĩa là, nếu tâm không khởi, sẽ không thể khởi thọ, hay tưởng, hay hành).

Trong khi đó, cách nhìn như thị là một công cụ tuyệt vời của Thiền tông, cắt đứt ngay ở tiến trình niệm phan duyên. Hòa thượng Phước Hậu (1866 - 1949, trụ trì chùa Báo Quốc, Huế) đã có bài thơ nổi tiếng:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư,

Năm nay tính lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.

Cuối bài này, chúng ta sẽ bàn chi tiết về pháp nhìn như thị trong Kinh tạng Pāli.

Trong kinh Diệu pháp liên hoa, nơi phẩm Phương tiện, có kể rằng khi Đức Phật nói rằng Ngài sắp tuyên thuyết một pháp cực kỳ sâu xa, khó tin, khó hiểu mà các vị Thanh văn, Duyên giác có nghe cũng không thâm nhập nổi, thì, bản dịch của HT.Trí Quang viết: “Khi Đức Thế Tôn dạy như vậy, trong đại hội có đến năm ngàn Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di, tức thì đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, đảnh lễ Đức Thế Tôn mà lui ra. Những người này gốc rễ tội lỗi về tăng thượng mạn thật là sâu nặng, chưa được tự cho đã được, chưa chứng tự cho đã chứng, lầm lẫn đến thế nên họ không ở lại…”.

Nghĩa là, nhiều ngàn Tăng Ni và cư sĩ bất đồng với Đức Phật. Trong tạng Pāli, kinh Trung bộ (kinh Pháp môn căn bản) có ghi một trường hợp chư Tăng không hoan hỷ sau khi nghe kinh. Trong kinh Trung bộ, Đức Phật dạy pháp Vô niệm của Thiền tông, rằng hãy để cái được thấy (nghe) như cái được thấy (nghe) và chớ suy nghĩ tư lường về/với/trên những cái được thấy (nghe) vì như thế, theo Thiền tông là trên đầu lại chắp thêm đầu.(5)

***

Trong sách Pháp hoa huyền nghĩa(6), nơi phẩm Tựa, ngài Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong phần huyền nghĩa, viết rằng nội dung kinh là để, trích:

…Thấy được cái thực-tướng của Chân-cảnh, là thấy toàn-thể pháp-giới (vũ-trụ hữu-hình và vô-hình) là Một, một cái Một chân-thật chớ không phải giả-dối như cảnh thế-gian. Vì là Một cho nên cái Một ấy “bình đẳng”, nghĩa là luôn luôn như vậy, không dời, không đổi, không tăng không giảm (L’Univers Unreél et identique à soi-même = Nhất chân bình-đẳng pháp-giới).

Theo cái thấy của chúng-sanh thì có hai cảnh-giới: cảnh-giới của chúng sanh và cảnh-giới của chư Phật và Bồ-tát, nói tóm là cảnh-giới của thiện và cảnh-giới của ác, cảnh-giới của triền-phược và cảnh-giới của giải-thoát, cảnh-giới của vô-minh và cảnh-giới của giác-ngộ, cảnh-giới của sanh-tử biến dịch và cảnh-giới của Niết-bàn thường hằng.

Sự thật không phải thế: không có hai cảnh riêng biệt, và chúng sanh tuy sống trong “động loạn, căn trần, thức giới”, vẫn cùng chư Phật, Bồ-tát ở trong Một cái duy nhất, cái đó là “Phổ-quang minh-trí”…” (ngưng trích).

Có nghĩa là, trong vô minh hoàn toàn không có gì gọi là xa lìa giải thoát, trong sinh tử không hề xa lìa Niết-bàn. Đây là Pháp giới nhất chân. Gọi là một cũng được, gọi là hai cũng được. Nơi đây, Phật không hề xa lìa chúng sinh, rằng nơi căn trần thức cũng đã là giải thoát.

Do nơi nghĩa này, nếu không ngộ nhập tri kiến Phật, sẽ không vào nổi, sẽ cứ mãi tưởng là có ba thừa, nhưng sự thực, rốt ráo chỉ có một thừa, đó là Phật thừa, đó là khi ngộ nhập tri kiến Phật mới thực sự giải thoát.

Vì lẽ bình đẳng trong pháp giới nhất chân, cho nên trong phẩm Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật nói rằng chính Đề Bà Đạt Đa (vị có tội ngũ nghịch, gây nghiệp vô gián) rồi cũng sẽ thành Phật.

Cũng vì lẽ bình đẳng trong pháp giới nhất chân, cho nên trong cùng phẩm vừa nêu, Long Nữ mới tám tuổi, trong khoảnh khắc phát Bồ-đề tâm là được bậc bất thối chuyển, biện tài vô ngại, từ bi rộng lớn, công đức đầy đủ, có khả năng đến Bồ-đề. Kinh kể rằng Long Nữ lấy một hạt châu hiến dâng Đức Thích Ca. Đức Phật nhận.

Long Nữ nói trước chúng hội rằng việc Long Nữ thành Phật còn nhanh hơn diễn tiến Long Nữ hiến châu và Thế Tôn nhận châu: “Chúng hội liền thấy Long Nữ thoạt nhiên biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ-tát, qua cõi Vô Cấu phương Nam ngồi hoa sen báu, thành bậc Đẳng chánh giác…

Trong phần huyền nghĩa, cụ Mai Thọ Truyền viết: “…ai cũng có Phật-tánh, tức là có cái vốn Phật như nhau, thì đâu phải vì nữ mà không tỉnh ngộ được? Tuy nhiên, nữ mà muốn tỉnh ngộ thành Phật, ngoài công phu tu hành, phải rèn cho chí mềm yếu của mình trở thành chí cương-quyết của nam-nhi (biến thành nam-tử), phải thực hành đầy đủ sáu pháp ba-la-mật và phải giữ lòng trong sạch (qua cõi Vô cấu mà ngồi)”.

Nghĩa là, trong thực tướng, bất kỳ ai cũng có Phật tánh, tức là hạt châu dâng cúng Đức Phật tượng trưng cho trí tuệ hướng tới giải thoát. Bất kỳ ai, nghĩa là bất kể Đề Bà Đạt Đa hay Long Nữ tám tuổi. Trong Phật tánh, tất cả các pháp đều bình đẳng, không phân biệt.

Trong tạng Pāli, kinh Tương ưng 5.2 (SN 5.2, Soma Sutta) kể chuyện Ni trưởng Soma bị Ác ma quậy phá. Ác ma làm bài thơ, nói rằng thân nữ không đủ trí tuệ, tu hoài không nổi đâu. Ngài Soma làm bài kệ trả lời:

Thực sự, người nào có thể suy nghĩ rằng, ‘Tôi là một người nữ’, hay ‘tôi là một người nam’ hay, ‘tôi là’ bất cứ cái gì, đều rơi vào chỗ nói chuyện của Ác ma”.

Nghĩa là, trong mắt quý ngài, không hề thấy có gì là nam hay nữ, hay bất kỳ thứ gì. Ngũ uẩn chính là không, sắc tức là không…

Tương tự, kinh Tương ưng 5.10 (SN 5.10, Vajira Sutta) cũng thuật lại một trường hợp Ác ma hiện ra quậy phá. Ni trưởng Vajira nói bài kệ:

Tại sao ngươi tin là có cái gì gọi là ‘chúng sinh’? Ác ma, đó là thuyết của ngươi? Đây chỉ là một mớ tập hợp các nhân duyên, ngươi sẽ không tìm thấy một chúng sinh nào nơi đây”.

Khi thân tâm được chiếu rọi dưới cái nhìn trí tuệ, tất cả khái niệm nam/nữ biến mất. Đó là ý nghĩa kinh Pháp hoa. Khi trí tuệ, một phẩm chất được gọi là tri kiến Phật, hiển lộ, là thành Phật, bất kể nam hay nữ. Lúc đó vô lượng nghiệp dữ trong quá khứ biến mất như mây tan dưới ánh nắng mặt trời. Đó cũng là lý do ngài Angulimala chứng quả A-la-hán, một trường hợp được đời sau ca ngợi là buông dao thành Phật.

***

Tới đây, chúng ta nói về ý nghĩa “đốn giác” trong kinh Pháp hoa.

Câu hỏi là có cần phải tu thiền định từ sơ thiền, rồi lên nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… hay không? Có câu hỏi này vì nhiều Phật tử tin rằng phải tu định tuần tự cho hoàn tất tứ thiền. Thực ra, đó là quan điểm của một số luận sư, trong khi đọc kỹ Kinh tạng Pāli, chúng ta thấy rằng Đức Phật giải thoát không nằm ở tầng thiền nào hết, khi tập chỉ cần sơ thiền là đủ, và từ sơ thiền nên chuyển sang quán vô thường để sống hạnh xả ly. Lúc đó mới là giải thoát.

Câu trả lời: Có tu được tứ thiền bát định như Đề Bà Đạt Đa, có luyện thần thông siêu xuất như Đề Bà Đạt Đa… cũng có thể gây ác nghiệp để rồi đọa địa ngục như Đề Bà Đạt Đa. Vì định là pháp hữu vi, tất có sinh có diệt, rồi sẽ tới lúc sức định tan rã.

Cũng có thể dẫn ra kinh Tăng chi bộ 6:60 (AN 6:60, Citta Sutta). Kinh này kể rằng Tỷ-kheo Citta Hatthisariputta đã thành tựu tứ thiền bát định, nhưng rồi rơi trở lại niềm vui ái dục, nên xả giới để về đời thường, vui với cung đình vua quan, xã hội dân gian… Một thời gian sau nữa, mới nhớ đời Tăng sĩ, nên xin xuất gia trở lại, sống đời cô tịch, tinh tấn, và rồi đắc quả A-la-hán. Do vậy, rèn luyện tu tập không nên dựa vào pháp hữu vi.

Kinh Tăng chi bộ 6:60 (AN 6.60, Hatthisāriputta Sutta), bản dịch của HT.Thích Minh Châu, ghi chuyện ngài Citta Hatthisariputta như sau, trích:

Ví như, này các Hiền giả, có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: ‘Ta đã chứng được Thiền thứ tư’, giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục...

... Rồi các bạn bè của Citta Hatthisāriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Citta Hatthisāriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng đã từ bỏ học pháp và hoàn tục”.(7)

***

Rất nhiều kinh trong tạng Pāli nói rằng tu sơ thiền là đủ để có căn bản giải thoát, vì chìa khóa giải thoát là xả ly, là không để tâm dính mắc vào bất kỳ pháp nào.

Có thể dẫn ra kinh Tăng chi bộ 9.36 (AN 9.36, Jhana Sutta). Các bản dịch đều nói rằng chỉ cần vào sơ thiền, từ đây quán sát ngũ uẩn là vô thường, là khổ, là rỗng rang, là vô ngã, và xả ly - tới đây là giải thoát.

Bản dịch của Sujato viết:

“… ‘The first absorption is a basis for ending the defilements.’ That’s what I said, but why did I say it? Take a mendicant who, quite secluded from sensual pleasures, secluded from unskillful qualities, enters and remains in the first absorption. They contemplate the phenomena there—included in form, feeling, perception, choices, and consciousness—as impermanent, as suffering, as diseased, as an abscess, as a dart, as misery, as an affliction, as alien, as falling apart, as empty, as not-self. They turn their mind away from those things, and apply it to the deathless: ‘This is peaceful; this is sublime—that is, the stilling of all activities, the letting go of all attachments, the ending of craving, fading away, cessation, extinguishment.’ Abiding in that they attain the ending of defilements”.(8)

Dịch: “Sơ thiền là căn bản để kết thúc lậu hoặc. Đó là lời Ta nói, nhưng vì sao Ta nói thế? Như trường hợp một vị sư, xa lìa dục lạc, xa lìa các tâm sở bất thiện, vào và trú trong sơ thiền. Sư nơi đây quán sát các hiện tượng - bao gồm trong sắc, thọ, tưởng, hành và thức - như là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung bướu, là mũi tên nhọn, là sầu muộn, là tai họa, là ngoại vật, là hư vỡ, là rỗng rang, là vô ngã. Vị sư hướng tâm xa lìa các thứ đó, và hướng về bất tử: ‘Đây là an bình; đây là tối thắng - tức là, sự vắng lặng của tất cả các hành hoạt, sự buông xả tất cả những dính mắc, kết thúc tham dục, mờ nhạt dần, tịch diệt, và biến mất.’ An trú trong cách như thế, sư thành tựu việc kết thúc lậu hoặc”.

Có nghĩa là, sơ thiền (và nhị thiền…) chỉ là công cụ. Nếu vào các tầng thiền mà không quán vô thường, là sẽ rơi rụng như trong kinh Tăng chi bộ 6.60.

Trong một kinh khác, kinh Trung bộ 52 (MN 52) nói về 11 cửa giải thoát, cũng nói rằng chỉ cần vào sơ thiền, rồi quán vô thường là giải thoát, không nhất thiết phải tập lên tứ thiền; nghĩa là từ sơ thiền đi thẳng tới tâm xả ly.(9)

Một số phương pháp để vào sơ thiền đã trình bày trong bài “Các pháp vào định”.(10)

***

Trong khi đó, pháp đốn ngộ, đốn tu… sẽ không bận tâm chuyện sơ thiền hay nhị thiền. Vì hễ thấy được thực tướng vô tướng sẽ không thấy có chuyện sơ hay nhị, tam hay tứ thiền. Cụ Mai Thọ Truyền viết trong Pháp hoa huyền nghĩa, phẩm 14 An lạc hạnh, trích:

Lại nữa, Bồ-tát phải thấy muôn vật đều “không” như: thực-tướng; không điên đảo, không động, không thối, không hư-không, thấy muôn vật không có thực tánh, chẳng sanh, chẳng xuất, chẳng khởi, vô danh, vô tướng, thực không có gì cả, vô lượng vô biên, vô ngại vô chướng; thấy những danh-từ lời nói dùng để chỉ vật này sự nọ, đều là trái với chân-lý (ngữ ngôn đạo đoạn), chỉ vì cái nguyên nhân điên đảo nên mới nói thế này thế nọ. Phải vui xét cái tướng của vạn vật là như thế”.

Tại sao nói rằng thấy tất cả các pháp là không, là rỗng rang… thì tức khắc qua bờ? Đoạn văn trên nghe gần như Bát-nhã Tâm kinh. Đọc kỹ, sẽ thấy rất gần với Thiền tông, khi nói rằng hễ có lời là hỏng, hễ có văn tự là sai. Nhóm chữ trong ngoặc “ngữ ngôn đạo đoạn” cho thấy cách nhìn của Thiền tông khi dạy pháp.

Thí dụ, khi chúng ta nghe một ca khúc, bất chợt có mấy câu làm chúng ta nhận xét, rằng dòng nhạc này là điệu slow rock của Phạm Duy, dòng kia là điệu valse của Cung Tiến, rằng giọng ca sĩ này nghe ra 90% hệt như giọng Thái Thanh, và vân vân. Tức khắc, ngay khi đó, chúng ta đã làm mất cái hiện tiền, làm lạc mất ca khúc, và chúng ta đã đem “những cái đã biết” (kiến thức về điệu nhạc, về giọng ca) đưa ra so đo, đối chiếu với thực tại hiện tiền. Chúng ta đã lấy cái đã biết để xóa sổ cái chưa từng biết đang trôi chảy trong khoảnh khắc hiện tiền.

Tương tự, chúng ta nhìn bông hoa, nói rằng màu xanh này trông như màu xanh trong tranh Thái Tuấn, băn khoăn không biết đó là biểu tượng cho hòa bình hay tình yêu, và vân vân. Đó là chúng ta đang sống với “cái đã biết” và đang đối chiếu “cái đã nhớ, đã học, cái được quy định thành ngôn ngữ” để trùm lên thực tại hiện tiền. Thiền tông gọi là “Đầu thượng trước đầu. Tuyết thượng gia sương” (Trên đầu chắp thêm đầu. Trên tuyết lại thêm sương). Nghĩa là, nghe hay là hay thế thôi, thấy đẹp là đẹp thế thôi; chớ để thêm ngôn ngữ hý luận chen vào.

Do vậy, Thiền tông là sống cái “bất lập văn tự,” sống cái vô thường đang trôi chảy mà không so đo, không đối chiếu, và là cái tịch mặc chưa từng biết. Ngài Xá Lợi Phất gọi sống cái hiện tiền là cảm thọ trên thân tâm dòng vô thường chảy xiết, tất cả đều như điểm tiếp giáp của hạt đậu nhỏ trên đầu mũi kim. Khi cảm thọ dòng chảy xiết như thế, tất cả suy nghĩ đều tự động vắng bặt.

Trong kinh Trung bộ 1 (MN 1, kinh Pháp môn căn bản) đã dẫn trên, Đức Phật dạy rằng chớ suy nghĩ tư lường trên mắt, tai, mũi… Như thế, khi đã chớ suy nghĩ tư lường, thì lấy đâu ra chữ, lấy đâu ra lời nói ngôn ngữ mà phiền? Đó cũng tự động là cảnh giới định.

Cái tịch mặc không lời đó, trong Kinh tạng Pāli ghi là an trú nhị thiền. Để lý luận dè dặt, chúng ta có thể nói rằng, tâm trạng như thế gần với nhị thiền, nếu chưa phải nhị thiền.

Trong kinh Tương ưng 21.1 (SN 21.1, Kolita Sutta), bản dịch của HT.Thích Minh Châu viết, trích:

“Tôn giả Mahā Moggallāna nói:

- Ở đây, này Hiền giả, trong khi tôi độc trú tĩnh cư, tâm tưởng tư duy như sau được khởi lên: “Thánh im lặng được gọi là Thánh im lặng. Thế nào là Thánh im lặng?”

Rồi này các Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: ‘Ở đây, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm’. Như vậy gọi là Thánh im lặng”.(11)

Trong đoạn dẫn từ huyền nghĩa An lạc hạnh nêu trên, người thấy như thế là thấy thực tướng vô tướng, và lúc đó không còn dính mắc gì với sắc thọ tưởng hành thức của quá khứ, hiện tại, tương lai…

Kinh Pháp cú, kệ 348, bản HT.Minh Châu viết là: “Bỏ quá, hiện, vị lai/ Đến bờ kia cuộc đời/ Ý giải thoát tất cả/ Chớ vướng lại sanh già”.

Tương tự, kinh Tập nơi kinh Tương ưng 4.15 (Sn 4.15, Attadanda Sutta), bài kệ 944, cũng viết là xả ly cả ba thời:

“Chớ tìm ưa thích những gì đã qua, cũng chớ thích ưa những gì mới tới. Chớ buồn phiền về những gì đã mất, cũng chớ dính mắc những gì quyến rũ”. Do vậy, xả ly là chìa khóa giải thoát. Tất cả các pháp khác chỉ là công cụ, dù là tọa thiền hay hành thiền. Đó cũng là lý do, Tào Động Nhật Bản lấy câu “buông bỏ thân tâm” làm phương châm.

***

Tiếp theo, trong phẩm 21, phần huyền nghĩa, cụ Mai Thọ Truyền dẫn lời bình của Minh Chánh Thiền sư trong sách “Pháp hoa đề cương” - giải thích rằng kinh Pháp hoa là pháp dạy thấy tánh, chỉ ra bản tâm để ngộ nhập tri kiến Phật. Trong đó, ưu thắng là hướng về tánh nghe.

Ngài Minh Chánh Thiền sư viết về kinh Pháp hoa, cũng dẫn kinh Lăng nghiêm, qua bản dịch của cụ Mai Thọ Truyền, trích:

“…Kế lại tằng hắng và khảy móng tay, làm cho có tiếng. Đây là lúc chạm mặt tự thân giao phó đại pháp. Một lối tiêu biểu khác, dùng Tiếng để làm tỏ cái Tánh-nghe của “Lỗ tai” (Nhĩ-căn). Nhĩ-căn thì thường chiếu hoàn-toàn, các căn khác không bằng. Bởi cớ Phật tằng hắng và khảy móng tay, mật khiến mỗi người tự tỉnh, theo lỗ tai mà nhập vào Phật tri-kiến.

Kinh Lăng nghiêm có câu: Phương pháp này là lối dạy chân chánh về Thể, Thanh-tịnh nằm tại chỗ nghe tiếng. Muốn nắm được Chánh-định, thời nói thực, phải theo cái nghe mà được.

Kinh Lăng nghiêm lại nói: “Chỉ dùng căn này (nhĩ) mà tu cái Viên-thông (Vô-thượng-giác), vượt khỏi Hữu-dư Niết-bàn”. Nhưng Phật không dùng Pháp-âm để làm rõ Nhĩ-căn, là tiêu biểu cho cái tướng “ly ngôn thuyết”. Dùng âm thanh của tằng-hắng và khảy móng tay, là làm tỏ nhĩ-căn, tiêu biểu cho cái tướng “ly tâm duyên”. Làm như thế, chỉ có một mục-đích là chỉ cho thấy cái Chiếu sáng tròn đủ thông suốt (Viên-chiếu đà-đà) của Tánh-nghe của Nhĩ-căn mà thôi vậy.

Việc các Đức Phật đồng phóng quang, thậm chí cùng tằng-hắng và khảy móng tay, tiêu biểu cái lẽ mười phương chư Phật đều đồng một đạo vậy. Lại cũng để làm tỏ rõ điểm này là cái Tánh “kiến-văn, giác-tri” rất linh-thiêng và sáng suốt của các hàng đệ-tử đang nghe pháp (đương cơ) đều đồng một lúc bủa khắp mười phương thế-giới chư Phật, thấu suốt vô ngại mà không tạp vậy.

Nên biết phẩm này (của kinh Pháp hoa) và chỗ trong kinh Lăng nghiêm nói về số lượng công-đức của sáu căn, đều là để lựa coi trong sáu căn-viên thông căn nào thông lợi hơn hết, để theo căn ấy mà vào (Phật tri-kiến). Bởi vậy (trong kinh Lăng nghiêm) có việc đánh chuông để hiển cái Tánh-nghe của Nhĩ-căn, để làm rõ cái viên-thông thường chiếu trội hơn hết của Nhĩ-căn (đối với các căn khác). Ở đây, Phật không đánh chuông mà tằng-hắng và khảy móng tay, nhưng không ngoài ý vừa nói.

Kinh nói: “Chư Phật tằng-hắng và khảy móng tay, tiếng ấy vòng quanh mười phương quốc độ đều nghe thấy, đất lại chấn động sáu cách. Trong câu này, quan trọng nhất là hai chữ “chu văn” (nghe vòng quanh). Tằng-hắng lại còn có nghĩa là khiến mỗi người biết là mình đã quay đầu. Khảy móng tay, là ý quét sạch tất cả (vì) ở chỗ nguồn gốc, không có một pháp nào mà có thể nói được.

Đi ngay vào chỗ “linh minh chu văn động thập phương” của nhĩ-căn, như vậy là đi ngay vào tự-tánh bổn-lai thanh-tịnh của người vậy. Người nghe nên như thế mà ngộ nhập.” (ngưng trích)

Bất kỳ ai cũng có thể lắng nghe, và sẽ thấy trong khi nghe sẽ không có ai nghe. Vì hễ khởi tâm nghĩ rằng có ai đang lắng nghe, tức khắc cái nghe không còn hiện tiền. Chính trong khi nghe là nhận ra vô thường, là sống với tâm không biết, với tâm chưa từng biết. Nghe như thế, là tự tánh định. Vì không có gì phải luyện tập, vì hễ luyện tập gì thì đã mất cái nghe hiện tiền.

Lắng nghe như thế, cũng chính là lời ngài Xá Lợi Phất rằng hãy cảm thọ vô thường y hệt như dòng chảy xiết trên điểm tiếp giáp của hạt đậu nhỏ lơ lửng trên mũi kim.

Và cũng trong tánh nghe như thế, tất cả các tướng nam/nữ biến mất - cho nên mới có chuyện Long Nữ tám tuổi thành Phật, và cũng có chuyện Đề Bà Đạt Đa được thọ ký sẽ thành Phật. Và như thế, mới xuất hiện ngài Thường Bất Khinh Bồ-tát, vì ai cũng mang sẵn thần lực để trở thành Phật.

Và như thế cũng là ý nghĩa của phẩm Phổ môn, hễ niệm ngài Quán Thế Âm Bồ-tát, cũng có nghĩa là giữ gìn pháp tu lắng nghe, kết quả tức khắc là dòng sông ái dục sẽ khô cạn, tâm sân si dao gậy sẽ gãy rời, sẽ sinh khởi tuệ và bi (tượng trưng con trai trí tuệ, con gái phúc đức xinh đẹp), và là người độ các vị Phật.

Kinh Pháp hoa viết:

Phật bảo Vô Tận Ý Bồ-tát: Thiện nam tử! Nếu có chúng sinh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thời Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật vì đó nói pháp”.

Nghĩa là, từ học hạnh lắng nghe, chúng sinh sẽ thành Phật. Nghĩa là, Quán Thế Âm Bồ-tát là thầy chư Phật, độ thoát chư Phật.

Tại sao nói rằng pháp lắng nghe (với tâm không biết) tự thân đã gần với Niết-bàn? Bởi vì, trong đó không hề có “cái tôi” xuất hiện. Cũng không hề có thời gian trong đó, vì trong lắng nghe không có quá khứ, không có tương lai, và cũng không có hiện tại, bởi vì hiện tại chỉ là “tâm không biết” - một pháp có thể gọi là “the unknown mind” - một cõi tâm tịch lặng, tâm rỗng rang, tâm không hề tích chứa gì, vì nơi dòng chảy này là xả ly nhất thiết pháp.

Cũng bởi vì, trong pháp lắng nghe tự thân đã gần với pháp vô sinh diệt, với cái không tạo tác, không hề được dựng lập, và không nương dựa vào những cái “được tạo ra”.

Pháp vô sinh diệt? Cái không hề được tạo tác? Đó chính là Niết-bàn vậy. Kinh Pháp hoa dạy về 10 pháp như thị, và đây là tinh hoa Phật pháp. Như thị nghĩa là như thế, như vậy. Tánh như thế, tướng như thế… hãy để như thế là như thế. Khi lắng nghe, gần như tức khắc thấy rõ tại sao Đức Phật dạy pháp Như thị, vì hễ tư lường suy nghĩ gì khác, sẽ mất ngay tức khắc cái lắng nghe.

***

Trong tạng Pāli có hai kinh dạy pháp Như thị - đó là kinh Bahiya và Malukyaputta.

Trong kinh Phật tự thuyết (Ud 1.10, Bahiya Sutta), Đức Phật dạy ngài Bāhiya, theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu:

“...Này Bāhiya, ông cần phải học tập như sau: ‘Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri’. Như vậy, này Bāhiya, ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bāhiya, nếu với ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bāhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.(12)

Chỗ này cần ghi chú, rằng ngài Minh Châu dịch như thế là tương tự như ngài Ajahn Buddhadasa: “…Whenever you hear a sound, let there be just the hearing… When it’s like this there will be no self, no “I”. When there is no self, there will be no moving about here and there, and no stopping anywhere. And that is the end of Dukkha”.(12)

Có nghĩa là, khi nghe là nghe, thì không thấy cái gì là tôi, là tức khắc thấy vô ngã, đó là tức khắc Niết-bàn.

Tuy nhiên, nhiều dịch giả chọn cách dịch khác: thay vì dịch là “cái nghe” (the hearing) thì dịch là “những cái được nghe” (the heard). Ý muốn nói rằng, trong gương tâm, các pháp theo duyên hiện lên.

Các ngài Thanissaro, Bodhi, Anandajoti, Ireland đều dịch là “những cái được nghe” (the heard).

Thí dụ, Thanissaro dịch là:

Then, Bāhiya, you should train yourself thus: In reference to the seen, there will be only the seen. In reference to the heard, only the heard… then, Bāhiya, there is no you in connection with that. When there is no you in connection with that, there is no you there. When there is no you there, you are neither here nor yonder nor between the two. This, just this, is the end of stress.” (Rồi thì, Bāhiya, ngươi nên tự tu tập thế này: Với những cái được thấy, sẽ chỉ là những cái được thấy. Với những cái được nghe, sẽ chỉ là những cái được nghe… rồi thì, Bāhiya, sẽ không có người liên hệ với cái đó. Khi không có người liên hệ với cái đó, thì không có ngươi nơi đó. Khi không có ngươi nơi đó, ngươi không ở nơi này, cũng không nơi kia, cũng không giữa hai nơi. Như thế, chỉ như thế, là kết thúc khổ đau).(12)

Đó cũng là pháp Thập Như thị của kinh Pháp hoa. Đọc kỹ đoạn trên, với mấy chữ THERE IS NO YOU THERE (KHÔNG CÓ NGƯƠI NƠI ĐÓ) thì lấy cái gì mà tu, mà tập, mà luyện nữa. Không phải vì trong cái thấy, cái nghe… có gì huyền bí. Mà chỉ vì, pháp Như thị là công cụ để xả ly, để rời dính mắc với tất cả sắc thọ tưởng hành thức của ba thời. Nơi đó, không có nam hay nữ, không có thiện hay ác… mà chính là cái tịch lặng chưa từng biết của Niết-bàn.

Nguyên Giác

________________

(1) Thích Chúc Phú, Biện chính Phật học tập 1 - https://thuvienhoasen.org/a30533/bien-chinh-phat-hoc-tap-1.

(2) Thích Trí Quang, Kinh Pháp hoa: https://thuvienhoasen.org/p16a641/luoc-dan.

(3) Kinh SN 35.23. Bản của HT.Minh Châu: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau.

Bản của Sujato: https://suttacentral.net/sn35.23/en/sujato.

(4) Daw Mya Tin, The Dhammapada: Verses and Stories: http://www.tipitaka.net/tipitaka/dhp/.

(5) Đọc kinh Pháp môn căn bản: https://thuvienhoasen.org/a30522/doc-kinh-phap-mon-can-ban.

(6) Pháp hoa huyền nghĩa: https://thuvienhoasen.org/p17a1316/loi-noi-dau.

(7) Kinh AN 6.60, bản dịch HT.Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/an6.60/vi/minh_chau.

(8) Kinh AN 9.36: https://suttacentral.net/an9.36/en/sujato.

(9) Tâm từ: Đọc trong mùa Vu lan - https://thuvienhoasen.org/a30148/tam-tu-doc-trong-mua-vu-lan.

(10) Các pháp vào định: https://thuvienhoasen.org/a28417/cac-phap-vao-dinh.

(11) Kinh SN 21.1: https://suttacentral.net/sn21.1/vi/minh_chau.

(12) Kinh Bāhiya. Bản Việt dịch của HT.Minh Châu:

https://thuvienhoasen.org/a25130/kinh-bahiya.

Bản của Ajahn Buddhadasa: https://www.budsas.org/ebud/ebdha193.htm.

Bản của Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.than.html.

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/doc-kinh-phap-hoa-qua-tang-pali-post49363.html