Đọc lại bài thi của Trạng nguyên Nguyễn Trực
Kỳ thi Đình năm Nhâm Tuất (1442), Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, ở tuổi 26.

Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT.
Dưới triều Lê Nhân Tông, ông làm hàn lâm viện thị giảng, đi sứ sang nhà Minh. Dưới thời Lê Thánh Tông, ông lại được vời ra nhậm chức thừa chỉ ở viện hàn lâm, kiêm tế tửu Quốc Tử Giám. Ông là người có văn tài đích thực, học hạnh cao sang, được vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân, đặc biệt kính trọng.
Bài “Đình đối sách văn”(*) của ông, may mắn còn được lưu giữ đến hôm nay, đã sớm xuất lộ một tư duy độc lập, kiến văn sâu rộng; hơn thế một bản lĩnh, nhân cách của kẻ sĩ trước thời cuộc. Vượt khỏi lỗi tầm chương trích cú, chỉ diễn đạt theo khuôn phép, bài thi của ông là một cơ hội, tờ trình để kẻ sĩ được bộc lộ chủ kiến, trực tiếp để đạt những điều tâm huyết nhất với triều đình.
Đúng như phần kết thúc bài văn, ông viết: “Thần đau đáu với tấm lòng khuyển mã, liều lĩnh xúc phạm đến uy trời, những mong được Bệ hạ xá tội cho kẻ cuồng ngông này”. Xin thử đọc lại và cùng suy ngẫm trước bài thi của ông, cách đây hơn 6 thế kỷ.
* * *
Đề thi do vua ra, hỏi về điều cốt yếu trong đạo trị nước: Việc tuyển dụng nhân tài, đặc biệt là phân biệt, nhận diện người quân tử và kẻ tiểu nhân. Nhiều lần, trong đề thi ngắn ngủi, nhà vua phải thốt lên: “Sao nhân tài khó tìm đến thế?”, “Nhân tài khó kiếm thật chẳng đúng sao?”, “Sao tiểu nhân khó nhận ra thế?”, “Sao bọn tiểu nhân nham hiểm, không đời nào lại không có như vậy?”, “Người quân tử sao khó tìm ra, kẻ tiểu nhân sao khó nhận thấy vậy?”.
Vượt lên một kỳ thi, một học vị, một danh vọng thường tình, với kiến văn sâu rộng và bút lực dồi dào, Nguyễn Trực đã “kính đối trước Đan đình” những lời gan ruột về “điều cốt yếu trong đạo trị nước”.
Trước hết, ông khẳng định như một định đề, một lẽ phải đương nhiên “Tiến cử người quân tử, trừ bỏ đứa tiểu nhân là bản tâm của thánh nhân trị nước” và “đặt quan chỉ lấy người hiền, giao việc toàn chọn tài cán” là phép sử dụng người quân tử, trừ bỏ kẻ tiểu nhân. Hơn một lần ông nhắc lại “trị nước lấy việc tuyển dụng nhân tài làm gốc, dùng người phải biết tin dùng làm đầu”.
Dẫn lời kinh thư, từ những tư liệu lịch sử thời Đường Ngu, Đế Nghiêu, đời Chu, ông chứng minh: “Nhân tài đâu phải khó tuyển dụng” và “kẻ tiểu nhân đâu phải khó nhận ra, mà chỉ là trừ bỏ chúng chưa sớm mà thôi”. Nhân dịp này ông biểu dương vua Nghiêu biết chọn người giỏi, vua Thuấn biết dùng người thiện, vua Thành Thang bồi dưỡng nhân tài khắp chốn, vua Vũ dùng phép hay không sót người gần, chẳng quên kẻ xa.
Ông lý giải sự hiện diện dai dẳng, hãnh tiến của lũ tiểu nhân ở chính trường, vì: “Đạo của kẻ tiểu nhân dễ tiến cử mà khó trừ lâu, dễ được dùng mà khó dẹp bỏ. Đứa đại gian làm như trung thực, kẻ đại nịnh làm như tin cẩn. Chúng kết bè đảng tâng bốc dẫn tiến nhau lên”.
Tìm nguyên nhân và trách nhiệm của “nghịch lý” trên, ông giải thích: “Tự chọn nhân tài là đạo của ngôi hoàng đế. Nhưng tiến cử tài năng lại là trách nhiệm của kẻ đại thần”. Ông thẳng thắn vạch trần thực trạng “Ngưu tầm ngưu - Mã tầm mã” của kẻ đại thần: “Ngay bản thân đã chả ra gì làm sao tiến cử được người tài giỏi”, chúng “đâu phải vì nước mà tiến cử nhân tài, vì vua mà lựa chọn người giỏi”.
Ông thốt lên, như một lời cảnh báo đầy cảm khái: “Ôi! quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy, đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm dương sáng tối, không thể cùng nhau tồn tại. Như nước lửa thơm thổi không thể cùng chứa một nơi”.
Với sự tự tin hiếm thấy, ông “liều lĩnh xúc phạm đến uy trời”, trực tiếp đối thoại và kiến nghị với vua: “Vậy nên, bề trên mỗi khi dùng người phải bình tĩnh, phải chuyên tâm, phải thử thách cẩn thận mới được”. Hơn thế, trích lời dẫn trong sách truyện và giáo huấn của Mạnh Tử, ông mạnh dạn đề xuất: “Bệ hạ muốn quân tử tiến mà tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần bề tôi tiết tháo, sử dụng kẻ sĩ chính trực để họ dẫn vua đi đúng đường, đặt vua vào đúng chỗ không lỗi lầm” và “thần xin bệ hạ hãy đích thân tiến cử hiền thần”.
Nhưng để có “con mắt xanh” tiến cử hiền thần, theo Nguyễn Trực, điều tiên quyết là nhà vua phải hội được 3 điều Trí - Nhân - Dũng, là đức lớn nhất trong thiên hạ. Ông phân tích: “Không có trí thì không thể hiểu người, không có nhân thì không biết chọn người, không có dùng thì không thể dùng người.
Lấy trí hiểu người để biết hết tài năng của người; dùng nhân chọn người thì không bỏ sót người khi đang khốn cùng mà được người hết mực trung. Đem dũng dùng người thì tin dùng và để tâm nghe hết mọi điều. Nếu có cả 3 điều này thì việc dùng, bỏ sẽ rõ ràng, lòng ghét, yêu thật đúng mực. Đó là ý nghĩa của câu chỉ có người nhân mới biết yêu người, biết ghét người vậy”.
Ông còn nêu ra yêu cầu phải “lựa chọn kỹ, sử dụng chuyên, tin tưởng thực”, trong việc tiến cử và sử dụng hiền tài. Ông nhấn mạnh tới cả quy trình tổ chức thực hiện: “Lại ban phép khảo xét kỹ công trạng. Qua đủ 3 kỳ rồi mới quyết thăng hay giáng, khen hay chê. Người nào tốt, kẻ nào xấu, người nào liêm khiết mẫn cán, kẻ nào ngu tham lười biếng, giữ ghế ăn không, bất đức bất tài, lòng dạ hiểm độc đều thấy được rõ ràng”.
* * *
“Đình đối sách văn” đã vượt khỏi khuôn khổ trường quy, một luận văn tiến sĩ, mà thực chất là một đề án, một phương án tuyển dụng nhân tài, sử dụng người quân tử, trừ bỏ kẻ tiểu nhân của một trí thức đầy tâm huyết trước thời cuộc, cách đây 610 năm.
Biện luận khúc chiết, văn phong sắc gọn, nhiều ý tưởng độc đáo, không chỉ được rút ra từ giáo lý, sách vở thánh hiền, nơi “cửa Khổng, sân Trình” mà từ niềm tin sâu sắc vào nhân dân và đất nước: “Ôi một xóm nhỏ chỉ có mươi gia đình thế nào cũng có người trung tín, một mảnh vườn rộng chừng mươi thước đất nhất định mọc lên loại cỏ thơm. Huống chi một nước rộng lớn, có ức triệu người thế này mà lại không có được một người tài giỏi hay sao?”.
Đó là một phát hiện mới mẻ, đặc biệt xuất sắc, có giá trị nhân văn cao cả, thể hiện một tư duy độc lập, đầy niềm tin yêu trân trọng con người và cuộc sống.
Chỉ một dòng văn này đủ lưu danh muôn thuở!
Ông thật xứng đáng đỗ đình nguyên khoa Nhâm Tuất, là trạng nguyên đầu tiên của triều Lê và là người đứng đầu trong các bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Điều vô cùng thú vị là, tháng Ba năm Nhâm Tuất, chính đại thi hào Nguyễn Trãi, với danh nghĩa hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm quốc tử giám ra chủ trì kỳ thi tiến sĩ và đã trình nhà vua lấy Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên!
____________
(*) Đình đối sách văn (Người Hà Tây trong làng khoa bảng - Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây xuất bản tháng 12/2001 - tr 141 - 148).
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-lai-bai-thi-cua-trang-nguyen-nguyen-truc-post727479.html