Đọc sách về đô thị sông nước Sài Gòn nghĩ về Bình Thuận
1. Những ngày đầu năm, lần giở lại bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương: Nam Kỳ (Monographie dessineé de l'Indochine, Cochinchine) năm 1935, chợt bồi hồi xúc động trước những bức vẽ cảnh vận chuyển nước mắm tĩn cạnh một con rạch, mà tôi đoán định có thể là từ rạch Bến Nghé.
Theo các nguồn tư liệu, thời Pháp thuộc Bình Thuận cung cấp tới 7/10 tổng sản lượng nước mắm toàn Đông Dương và chủ yếu được cung cấp cho Nam kỳ với Sài Gòn là thị trường chính. Nước mắm thuở ấy được đóng vào các tĩn gốm, được ghe bầu vận chuyển theo đường biển vào các sông rạch của miền Nam rồi đi khắp nơi.

Hệ thống sông ngòi ở phủ Hàm Thuận (tỉnh Bình Thuận xưa) - Ảnh tư liệu.
Và thật trùng hợp, mới đây từ TP. Hồ Chí Minh, anh bạn học cũ gửi ra Phan Thiết tặng tôi quyển sách đầu tay vừa mới in: Sông nước với đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Vinh dự là một trong những người đầu tiên được tác giả ký tặng, lại đúng dịp đầu xuân nên tôi rất vui mừng đón đọc ngay.
Cầm cuốn Sông nước với đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh trên tay tôi không khỏi bất ngờ. Bởi tôi nhớ hồi đi học, chủ đề mà Nguyễn Tuấn Anh theo đuổi là lịch sử mối quan hệ Việt – Pháp thời cận hiện đại. Nhưng, bẵng đi nhiều năm, anh đã âm thầm đi theo những dòng nước để tìm về cái căn cước, cái hồn cốt của Nam bộ và Sài Gòn - sông nước.
Mà cũng phải, theo lý lịch trích ngang, Nguyễn Tuấn Anh gốc người miền Tây Nam bộ - dân Cần Thơ chính hiệu. Có lẽ vì thế mà chuyện sông, chuyện nước, những chuyến đò… cứ mãi theo anh! Và cũng có thể cuốn sách như món quà, là lời cảm ơn mà tác giả dành tặng quê hương thứ hai của mình – Sài Gòn. Là cuốn sách đầu tay, được tác giả chăm chút kỹ lưỡng nên trang nhã về hình thức và có sức nặng về nội dung.

Bìa cuốn sách Sông nước với đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.
2. Ở chương một, tác giả Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, sông ngòi đóng vai trò quyết định đối với sự thịnh/suy của các nền văn minh trên thế giới, từ Ai Cập đến Lưỡng Hà, từ Ấn Độ đến Trung Hoa, từ Đông Nam Á sang châu Mỹ. Tại Việt Nam, hệ thống sông Hồng, sông Thu Bồn, sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu… cũng gắn liền với sự hình thành các nền văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc; trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Tác giả khẳng định: “Nhìn chung, nét đặc trưng về tự nhiên trong tổng thể địa bàn TP. Hồ Chí Minh là sông nước – đô thị sông nước. Những dòng sông vẫn âm thầm trôi chảy và lặng lẽ đóng góp cho sự hưng thịnh của thành phố trong suốt lịch sử hình thành, phát triển”. Chính vì vậy, “thật thiếu sót nếu chỉ thấy những thành tựu và triển vọng ngày nay mà không nhìn lại dòng chảy của hệ thống sông tại thành phố trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm”.
Dày dặn hơn cả là phần viết về sông nước ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nhìn từ lịch sử. Qua 4 giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển, tác giả góp phần làm rõ tầm quan trọng của hệ thống sông ngòi đối với chính trị - kinh tế - xã hội của thành phố.
Rõ ràng trong suốt hơn 300 năm qua, sông Sài Gòn cùng hệ thống phụ lưu đã gắn bó xuyên suốt trong tiến trình lịch sử của đô thị này. Từ những làng thủ công ven sông đến thành Gia Định cạnh sông và tư duy hướng ra sông, biển để kết nối giao thương với phương Tây. Trong thời thuộc địa, thực dân Pháp khai thác triệt để lợi thế sông nước để tạo nên hành lang trung chuyển lúa gạo và hàng hóa từ Chợ Lớn đến cảng Sài Gòn đi ra thế giới… Từ những vùng nông thôn ngoại thành dựa vào sông và hệ thống kênh đào để dẫn thủy nhập điền, phát triển nông nghiệp, nông thôn đến những điểm sáng trong giao thương quốc tế qua cảng sông, cảng biển đầu thế kỷ XXI.
Ở chương ba, bằng những kiến thức điền dã và tư liệu nghiên cứu, tác giả đã góp phần làm rõ vai trò của sông nước trong đời sống tinh thần của cư dân. Trong đó, phác họa được diện mạo sông nước trong đời sống tín ngưỡng tâm linh ở đô thị này. Biểu hiện là những công trình tín ngưỡng, tôn giáo phân bố dọc theo và hướng mặt về sông nước. Hàng năm, các lễ hội truyền thống, những hoạt động thể thao trên sông vẫn được duy trì. Tác giả cho rằng: “Giá trị sông nước là một trong nhiều tiềm năng lớn của TP. Hồ Chí Minh, việc xây dựng chính sách để tận dụng lợi thế này ở hiện tại còn rất hạn chế so với những thời kỳ trước”. Từ đó đưa ra nhiều đề xuất nhằm nâng cao nhận thức về sông nước đối với sự phát triển của thành phố.
Ngoài nội dung của ba chương sách là 125 tấm ảnh được in màu rất đẹp. Đó là những tư liệu khai thác từ báo chí, các trung tâm lưu trữ; nhưng đáng kể là 95 tấm do tác giả chụp lại trong quá trình điền dã nghiên cứu khắp trong và ngoài nước. Sông nước với đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh thật sự là một tài liệu tham khảo hữu ích, nhất là các em học sinh tại TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận khi học tập nội dung giáo dục của địa phương.
3. Đọc xong tập sách Sông nước với đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh người viết lại nghĩ về Bình Thuận - một địa phương cũng có nhiều sông, nghĩ về vai trò, tiềm năng và những đóng góp cho địa phương.
Chính sử triều Nguyễn thống kê, trên vùng đất Bình Thuận xưa có gần 30 con sông lớn nhỏ. Chính những dòng sông ấy đã góp một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển vùng đất Bình Thuận. Theo các con sông Long Vĩnh, Phan Rí, Phố Hài, Phan Thiết, Ma Ly, La Di, Phù My… nhiều đợt lưu dân Việt từ các cửa biển có thể tiến sâu vào trong nội địa. Để rồi lập nên những làng xóm trù mật cư dân. Trong đó, “Phan Thiết là chỗ đô hội đệ nhất” vì “thuyền chài cá, thuyền buôn bán qua lại tấp nập” (Đại Nam nhất thống chí). Và cũng chính những con sông này đã mang lại nguồn nước ngọt để tưới tắm và phù sa nuôi dưỡng cho những vùng đất mà nó chảy qua. Do đó, đất và người Bình Thuận gắn với văn hóa biển, nhưng cũng không xa lạ với văn minh sông nước.
Và khi nhắc đến những dòng sông, không thể không nhắc đến dòng Cà Ty thơ mộng, nằm vắt ngang giữa lòng TP. Phan Thiết – trung tâm của tỉnh Bình Thuận hiện nay. Cà Ty là tên gọi đoạn cuối của dòng Mường Mán. Sách sử triều Nguyễn gọi là sông Phan Thiết: “Ở phía tây huyện, nguồn ra từ trong động Man, chảy về phía đông qua xã Phú Hội (tục gọi sông Bao Lân), chảy về phía nam 9 dặm đến thôn Phú Tài. Có một nhánh từ bến Bình Tân đến cầu Minh Lâm chừng 6 dặm mà hợp vào; lại chảy về phía Nam chừng 3 dặm đến thôn Đức Thắng, lại 2 dặm rồi đổ ra cửa Phan Thiết”. Sông Cà Ty từ bao đời nay đã gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn của người dân phố biển. Nhà thơ Giang Nam khi đến thăm Bình Thuận đã có những câu thơ rất hay về dòng sông chảy ngang TP. Phan Thiết như thế này:
“Sông Cà Ty nước lớn, ròng hai buổi
Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về
Nơi Bác dừng chân có lời ru của biển
Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya
Phan Thiết ơi, bao người còn nhớ
Bài học đầu tiên Bác dạy hiểu mình
Thuở đất nước như con tàu trong bão
Đâu hướng mặt trời và cửa biển niềm tin?
Có phải cát ở đây rất trắng
Như lòng dân chung thủy đợi chờ
Có phải trời ở đây rất rộng
Nên Bác nhìn thấy những bờ xa”.
Hiện nay, với sự quan tâm đầu tư của chính quyền thành phố, dòng Cà Ty càng có nhiều tiềm năng hơn nữa để trở thành điểm thu hút đông đảo du khách khi đến với Phan Thiết bởi sự trong lành và vẻ đẹp thơ mộng của nó. Từ dòng Cà Ty, cho phép chúng ta nghĩ đến nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ, du lịch ven sông xứng tầm với tài nguyên sông, biển vốn có của tỉnh nhà.