Độc tính alcaloid trong thực vật, phòng ngừa thế nào?

Gần đây trên các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục xảy ra các vụ ngộ độc quả Hồng châu, một số trẻ đã tử vong. Độc tố chính của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt là thủ phạm.

Alcaloid đại diện cho một nhóm các chất chuyển hóa thứ cấp từ thực vật, rất đa dạng. Alcaloid thực vật giúp duy trì khả năng sống sót, bảo vệ chúng trong điều kiện không thuận lợi và điều hòa sự phát triển của cây cối…

Alkaloid cũng đại diện cho các thành phần độc hại của nhiều loại cây độc nổi tiếng và có thể gây độc cho con người khi tiếp xúc với các độc tố thực vật này. Con người và động vật có thể tiếp xúc với các alcaloid độc hại thông qua hít thở, nuốt hoặc tiếp xúc trực tiếp... dẫn đến ngộ độc.

1. Tác dụng của alcaloid có trong thực vật

Alkaloid là một nhóm các hợp chất thiên nhiên có chứa nitơ (N), được tổng hợp bởi nhiều sinh vật như vi khuẩn, nấm, động vật và thực vật (là chủ yếu).

Thực vật tổng hợp các alcaloid để điều hòa sự phát triển, duy trì khả năng sống sót của chúng trong điều kiện không thuận lợi. Ví dụ alkaloid aporphin từ cây tulipe bảo vệ chúng khỏi các loài nấm ký sinh…

Alcaloid có tự nhiên trong thực vật.

Alcaloid có tự nhiên trong thực vật.

Sự có mặt của alkaloid trong thực vật còn giúp bảo vệ chúng khỏi trở thành thức ăn cho côn trùng và động vật. Tuy nhiên, trên thực tế một số động vật đã thích nghi với alkaloid và tiêu hóa cả alkaloid. Những chất liên quan đến alkaloid như serotonin, dopamin, histamin là những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong động vật.

Ở động vật, alkaloid có vai trò bảo vệ. Ví dụ, ở loài bướm đêm Utetheisa ornatrix, các pyrrolizidine alkaloids làm cho chúng và ấu trùng trở nên không hấp dẫn với kẻ thù (ăn thịt) của chúng như bọ dừa, dơi…

Một loài thực vật nhất định có thể chứa một, một vài hoặc nhiều loại alcaloid. Một số họ thực vật đặc biệt giàu các chất hóa học thực vật này, chẳng hạn như papaveraceae (cây thuốc phiện) và solanaceae (cây họ cà)…

Các hợp chất quen thuộc của alcaloid như: Nicotin, caffein, cocain, mescaline, ephedrine và strychnine…

2. Độc tính của alcaloid

Ví dụ một số alkaloid thực vật như:

- Pyrrolizidine: Là nhóm hợp chất chuyển hóa thứ cấp có mặt trong khoảng 3% thực vật trên toàn thế giới, chủ yếu từ các họ thực vật thuộc họ Vòi voi (Boraginaceae), họ Cúc (Asteraceae), và họ Đậu (Fabaceae)…

- Tropane: Có trong một số thực vât như thiên tiên tử (sơn yên tử, đại sơn yên tử, Tên khoa học Hyoscyamus nuger L., thuộc họ Cà (Solanaceae).

-Piperidine: Có trong hồ tiêu, lựu, cau, lobelia, thuốc lá…

Các alcaloid này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau cho người và động vật như ngứa, buồn nôn, nôn, rối loạn nhẹ đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần, tê liệt, độc gan, rối loạn nhịp tim và tử vong…

Các alkaloid thực vật minh họa cho sự chồng chéo giữa chất độc và tác dụng chữa bệnh. Trong một số trường hợp, một loại alcaloid có thể đóng vai trò là thuốc giải độc cho chất độc khác.

Kể từ khi phát hiện ra morphine bằng hóa học hiện đại, thông qua kỹ thuật chuyển hóa và tái sử dụng, các alcaloid thực vật đã được khai thác vì các đặc tính chữa bệnh to lớn của chúng trong vô số ứng dụng dược lý.

Chúng bao gồm điều trị đau (ví dụ: Morphine, cocaine), sốt (ví dụ: Quinine), bệnh ác tính (ví dụ: Vinblastine), hen suyễn (ví dụ: Ephedrine), rối loạn nhịp tim (ví dụ: Quinidine), tăng đường huyết (ví dụ: Piperine), tăng huyết áp (ví dụ:Reserpine)…

Một số alcaloid thực vật đã được khai thác do các đặc tính chữa bệnh…

Một số alcaloid thực vật đã được khai thác do các đặc tính chữa bệnh…

Độc tính của alcaloid thực vật là do tiếp xúc quá nhiều với thực vật chứa các chất hóa học thực vật này, bao gồm hạt, hoa hoặc cỏ dại, ở dạng chiết xuất, cồn thuốc, trà thảo mộc hoặc làm chất gây ô nhiễm thực phẩm.

Việc sử dụng có thể là vô tình hoặc cố ý - giải trí hoặc để tự làm hại bản thân. Tiếp xúc có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hít thở, ăn uống, qua da…

Tại Hoa Kỳ, phơi nhiễm chất độc liên quan đến thực vật vượt quá 100 ngàn trường hợp hàng năm và chiếm khoảng 3 đến 5% số trường hợp phơi nhiễm ở người được báo cáo cho các trung tâm kiểm soát chất độc. Con đường phơi nhiễm phổ biến nhất là nuốt phải, với khoảng 98% trong số này là không chủ ý. Gần 80% các vụ ngộ độc liên quan đến thực vật được báo cáo liên quan đến trẻ em dưới sáu tuổi.

Ở Việt Nam cũng liên tục xảy ra ngộ độc các loại lá, cây rừng, như lá ngón, đặc biệt là một số vụ ngộ độc quả hồng châu mới đây.

Ngộ độc alcaloid thực vật có thể cấp tính hoặc mạn tính. Trong trường hợp ngộ độc nặng có thể gây: Co giật, mê sảng kích động, co thắt cơ, suy hô hấp và tử vong… Khi bị ngộ độc cần nhanh chóng được cấp cứu kịp thời.

Để phòng ngừa ngộ độc alcaloid trong thực vật, cần chú trọng công tác thông tin truyền thông tới cộng đồng. Đây được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các phơi nhiễm độc hại liên quan đến thực vật. Những phơi nhiễm này hoàn toàn không chủ ý và do đó, thông qua giáo dục, có thể giảm bớt.

Khi bị ngộ độc, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Vụ Ngộ Độc Do Ăn Quả Hồng Châu: 1 Trẻ Tử Vong, 3 Trẻ Phải Chuyển Viện

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/doc-tinh-alcaloid-trong-thuc-vat-phong-ngua-the-nao-169230805141000732.htm