'Độc tố' ẩn mình
Những ngày gần đây, việc lực lượng chức năng triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả cực lớn, với gần 600 chủng loại khác nhau đã gây chấn động dư luận. Sau cú sốc này, điều đọng lại trong dư luận không chỉ là lo lắng bất an, mà còn là câu hỏi lớn: Vì sao chuyện 'động trời' này lại có thể xảy ra trong thời gian dài? Ai thực sự là người bảo vệ người tiêu dùng?
Đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tạị Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Điều tra ban đầu xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group cùng “hệ sinh thái” gồm nhiều công ty khác để sản xuất, kinh doanh sữa bột. Đến nay, đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.
Các thành phần công bố như chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Thực tế, trong nhiều năm qua, người tiêu dùng đã chứng kiến không ít vụ việc thực phẩm giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng sữa bột, gắn với dinh dưỡng cho cơ thể lại bị làm giả có tổ chức, có hệ thống, kéo dài suốt nhiều năm thì thật sự khiến người ta rùng mình. Điều đáng sợ nhất không chỉ là sản phẩm không có tổ yến, đông trùng hạ thảo…như quảng cáo mà là chúng vẫn được gắn nhãn “hàng dinh dưỡng cao cấp” và tung ra thị trường với giá không rẻ, bán vào bệnh viện, nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng mẹ và bé... nơi người tiêu dùng gửi gắm niềm tin gần như tuyệt đối.
Những kẻ làm giả sữa bột không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà họ đang “gieo họa” cho không biết bao nhiêu đứa trẻ, phụ nữa mang thai, người bệnh tật… đang cần từng miligam dinh dưỡng đúng nghĩa. Sữa bột giả không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn có thể cướp đi cơ hội sống của nhiều người, nhất là những người dễ bị tổn thương như trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, người bệnh tật.
Vậy mà, giữa lằn danh tiền bạc, lợi nhuận và sức khỏe, tính mạng của con người, các đối tượng đã chọn sự gian dối, lọc lừa để kiếm lợi bất chính. Đó là tội ác, không thể gọi bằng bất cứ cái tên nào khác.
Sự tàn độc của những kẻ sản xuất, tiêu thụ sữa giả trong đường dây kể trên thì miễn bàn, ai cũng rõ, rồi đây sẽ bị trừng phạt thích đáng bởi những tội lỗi do chúng gây ra. Song, dư luận luôn đau đáu với dấu hỏi lớn về trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan. Vì sao một “hệ sinh thái” sản xuất, tiêu thụ sữa giả, sữa kém chất lượng lại có thể ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện? 4 năm là quãng thời gian quá dài cho một hành vi lừa đảo người tiêu dùng có tổ chức, gây nguy hại trực tiếp tới sức khỏe của nhóm người yếu thế. Điều đó cho thấy sự yếu kém trong vai trò kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng liên quan. Phải chăng do các đối tượng sản xuất, buôn bán sữa giả quá tinh vi, hay do lực lượng chức năng liên quan quá yếu kém hoặc do buông lỏng, dung túng?
Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh cũng là một bài học đắt giá không chỉ cho lực lượng quản lý, mà cho cả mỗi người dân. Các cơ quan quản lý cần kiểm tra chặt chẽ từ gốc, khâu cấp phép, công bố chất lượng, lưu hành sản phẩm. Về phía người dân, đã đến lúc đừng đặt lòng tin mù quáng vào bao bì và quảng cáo. Mỗi người hãy học cách tra cứu nguồn gốc sản phẩm, so sánh thông tin, yêu cầu minh bạch, vì sức khỏe không thể đánh đổi bằng sự tiện lợi hay những lời lẽ “có cánh”.
Sữa giả không tự sinh ra, chúng có cơ hội lớn lên nhờ sự bất cẩn, thờ ơ và cả sự thiếu trách nhiệm trong từng khâu kiểm soát. Đã đến lúc, chúng ta phải hành động mạnh mẽ và nói lời chấm dứt vấn nạn này. Trừng trị nghiêm minh kẻ vi phạm là điều cần phải làm ngay, không thể chậm trễ. Nhưng giải pháp căn cơ lâu dài hơn vẫn phải là xây dựng hệ thống giám sát thị trường, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý và minh bạch hóa toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa. Khi mọi khâu đều được kiểm soát, giám sát chặt chẽ thì sữa giả - sữa bẩn sẽ không còn cơ hội tồn tại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doc-to-an-minh-10303550.html