Vụ sữa bột giả: Cục An toàn thực phẩm đã và đang đứng ở đâu?
Vụ triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả tại Hà Nội đã gây chấn động dư luận. Để trả lời câu hỏi phải chăng có những lỗ hổng trong cấp phép, kiểm tra của cơ quan chức năng, phóng viên đã liên hệ với bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.
Gửi nội dung đến Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm về trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm bổ sung, sữa bột giả, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm đã chuyển đến phóng viên đường links văn bản có nội dung đăng tải trên trang thông tin của Bộ Y tế. Trong đó đăng tải quan điểm của Bộ Y tế liên quan đến việc phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, sữa bột giả, kém chất lượng…
Văn bản cũng đề cập đến vai trò của Cục An toàn thực phẩm với nội dung, “đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm năm 2025, công tác triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm gắn với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, song không chỉ ra được Cục này đã bao nhiêu lần thanh, kiểm tra các sản phẩm sữa bột giả đã bị phát hiện vừa qua. Vai trò và trách nhiệm như thế nào.

Sữa giả lộng hành
Dư luận cho rằng, vụ sữa bột giả bị phát hiện trên thị trường đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Trong vụ việc này, Cục An toàn thực phẩm, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy chưa thực sự làm tròn vai trò và chức năng của mình.
Anh Mai Hưng, Hà Đông nêu quan điểm, việc để sản phẩm sữa bột giả lọt qua các khâu kiểm tra, lưu hành rộng rãi trên thị trường trong một thời gian dài phản ánh sự thiếu hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và hậu kiểm của cơ quan an toàn thực phẩm. Với chức năng kiểm nghiệm và cấp phép, cơ quan này lẽ ra phải có cơ chế kiểm tra định kỳ và đột xuất chặt chẽ hơn, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.
“Vụ việc cũng cho thấy sự thiếu quyết liệt trong thanh tra, xử lý vi phạm. Nếu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thực hiện tốt vai trò giám sát từ gốc, các đối tượng sản xuất và phân phối sữa bột giả sẽ khó có cơ hội hoạt động trót lọt trong thời gian dài như vậy. Sự lỏng lẻo trong quản lý không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng”, anh Hưng nói.
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:
Theo quy định của pháp luật thì người tiêu dùng có các quyền: “Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.” Người tiêu dùng có quyền yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại do mua phải các sản phẩm sữa bột giả. Nếu giữa các bên có liên quan không thể tự thỏa thuận, thống nhất được cách thức giải quyết thì người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc thông qua Hội bảo vệ người tiêu dùng để khởi kiện ra Tòa án theo quy định pháp luật.
Một đường dây sản xuất sữa bột giả không thể hoạt động âm thầm trong ngày một, ngày hai. Nó đòi hỏi quy mô, nhân lực, vật tư, thậm chí là “mắt xích mềm” trong chuỗi quản lý. Phải chăng, có những lỗ hổng trong cấp phép, kiểm tra định kỳ, hay cả sự thờ ơ của cơ quan chức năng đã tiếp tay cho hàng giả tung hoành?

Sữa giả lộng hành
Trong suốt 4 năm qua, các cuộc kiểm tra định kỳ, hậu kiểm, giám sát thị trường của cơ quan chức năng đã đi đâu? Có bao nhiêu cuộc thanh tra được tiến hành nếu có, vì sao lại không phát hiện bất thường? Có bao nhiêu lần những “dấu hiệu bất thường” từng được phát hiện nhưng bị bỏ qua? Có bao nhiêu cuộc thanh tra mang tính hình thức, “kiểm tra cho có”, để rồi những mối nguy hại nghiêm trọng như thế này vẫn ngang nhiên tồn tại là những câu hỏi đang được dư luận đặt ra.
Tuy nhiên, thay vì trả lời công luận về việc thanh kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của mình trong vai trò quản lý Nhà nước, bà Trần Việt Nga lại chỉ gửi cho phóng viên đường link văn bản trên mà không cần giải thích gì thêm.