Hiệp hội sữa Việt Nam: 2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả không phải là thành viên của hiệp hội
Hiệp hội sữa Việt Nam mong Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, điều tra, phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất sữa giả trên toàn quốc.
Hiệp hội sữa Việt Nam (VDA) đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tăng cường phòng, chống sản phẩm sữa giả.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa sản phẩm sữa đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp, cũng như niềm tin vào thị trường sữa nội địa.
Các sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng hầu hết tập trung vào nhóm sản phẩm dùng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền… Đồng thời, thường bị lợi dụng tiêu thụ thông qua kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream…và được quảng cáo như “thần dược”, gây khó khăn cho việc kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng.
Hiệp hội sữa Việt Nam cảm ơn Bộ Công an, đặc biệt lực lượng C01, C05 thời gian qua đã điều tra, khởi tố, xử lý nhiều vụ sản xuất hàng giả là sữa.

Hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả với 573 sản phẩm đã bị khởi tố. Ảnh: VTV
Đặc biệt, gần đây vừa khởi tố hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả có quy mô lớn tại Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma với 573 sản phẩm, giá trị hàng hóa lên tới hàng trăm tỉ đồng.
“Hiệp hội báo cáo, hai doanh nghiệp nêu trên không phải là thành viên của Hiệp hội sữa Việt Nam”, công văn của Hiệp hội khẳng định.
Cũng theo VDA, việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sữa giả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh nền…
Ngoài ra, việc sản xuất kinh doanh sữa giả làm mất niềm tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất sữa chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sữa Việt Nam.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp ngành sữa làm ăn chân chính, giúp ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững, Hiệp hội mong Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, điều tra, phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất-buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng trên toàn quốc.
VDA cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyên môn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sữa giả.
Trước đó, năm 2022, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã gửi công văn đến các đơn vị thành viên cho biết, sau khi nhận được công văn của Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị phối hợp cung cấp thông tin về tình hình gian lận thương mại và các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh sữa.
Tại thời điểm đó, VDA nhận định rằng ngành sản xuất, kinh doanh sữa trên thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng doanh nghiệp lẫn sản lượng và chủng loại sản phẩm.
VDA cũng lưu ý rằng nhiều công ty sản xuất sữa tại Việt Nam chưa phải là thành viên của Hiệp hội. Nhằm phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), quảng cáo, sở hữu trí tuệ (SHTT), gian lận thương mại... trong ngành sữa trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Theo đó, VDA đề nghị các đơn vị thành viên chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, đặc biệt là các dấu hiệu vi phạm gian lận giả mạo xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu cho lực lượng công an tại địa phương hoặc VDA để thông tin cho lực lượng công an, kịp thời điều tra, xử lý.