Đôi bàn chân của mẹ

Khi nghĩ về mẹ, bạn sẽ nhớ điều gì nhất? Còn tôi, tôi nhớ về đôi bàn chân của mẹ mặc dù đôi bàn chân ấy không gót son ngọc ngà, không có những ngón thon dài mềm mại,…

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ để ý tới đôi bàn chân của mẹ. Chắc cũng bởi vì tôi non nớt, ham chơi, vô tư dẫn tới vô tâm. Mẹ tôi là nông dân nên đôi bàn chân quanh năm suốt tháng đầy bùn đất, sình lầy. Mỗi lần đi ruộng về, mẹ lại tới thềm giếng, khom người thả dây gầu xuống, múc thật đầy nước dội vào đôi bàn chân dính đầy bùn đất. Và dần dần, tôi mới để ý nhiều hơn tới đôi bàn chân của mẹ.

Đôi bàn chân thô kệch, lòng bàn chân đầy vết chai sần do những lần mẹ đi chân đất chạm mặt đường đầy sỏi đá, mặt ruộng đầy bùn sình. Đó là những năm tháng mẹ cõng anh em tôi đến trường qua bao nhiêu mùa mưa, nắng. Đó là những lần mẹ gánh lúa oằn cả đôi vai giữa mùa hè nóng bỏng.

Đôi bàn chân của mẹ đáng thương hơn vào mùa lạnh, vì chúng nứt nẻ như ruộng đất mùa khô. Nếu ai chưa từng trải qua cảm giác những gót chân bị rỉ máu thì không thể hiểu được nỗi đau của mẹ như thế nào. Và đó là những đêm tôi thấy mẹ trở người bên này, bên kia. Những tiếng thở dài thắt thỏm trong đêm khuya hun hút.

Sáng mai mẹ lại dậy sớm, lao vào vòng xoáy công việc. Đôi chân ấy lại đi khắp nẻo đường quê, ruộng đồng. Mẹ tất tả gánh mạ, phân tro, cây giống. Mẹ gánh cả mùa vàng trên vai, ôm những lọn rơm óng ả. Đôi chân mẹ đã bươn chải cả cuộc đời mà không hề mỏi mệt.

Anh em tôi lớn lên, đôi chân vững chãi đi nhiều nơi thì đôi bàn chân của mẹ đã già yếu, run rẩy, có khi không bước vững. Mỗi lần về nhà, nhìn đôi bàn chân dãi dầu năm tháng gió sương của mẹ mà thương vô cùng. Khi tôi lớn khôn, đủ điều kiện báo hiếu thì mẹ đã già, rời khỏi cõi tạm trần gian. Muốn mua cho mẹ một đôi dép hay một đôi ủng đi ngày mưa, ngày gió thì mẹ cũng không còn. Có xót xa nào hơn xót xa đến thế?

Nhắc tới đôi bàn chân của mẹ, tôi lại nhớ những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Văn Song: “Mẹ giờ ở cõi xa xôi/ Bàn chân nằm nghỉ giữa trời mây bay/ Con về nhà cũ chiều nay/ Thấy trong vườn mẹ in đầy dấu chân…”. Thốt nhiên, tôi thấy mình chơi vơi giữa cuộc đời./.

Má tôi

Bảy mươi tuổi, má tôi vẫn ngày ngày gánh xôi ra chợ. Được đồng nào hay đồng nấy, ở nhà quẩn quanh chẳng làm gì, má buồn muốn bệnh. Má không nỡ bỏ cái nghề gắn bó với má hơn ba mươi năm...

Ngọc Linh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-ban-chan-cua-me-a179339.html