Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ khi WHO 'gióng lên hồi chuông cảnh báo'

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Mpox (trước đây gọi là bệnh đậu mùa khỉ) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh này tại nhiều quốc gia châu Phi bởi một biến chủng mới là clade Ib. Ca nhiễm biến thể Ib mới không chỉ xảy ra ở châu Phi mà đã xuất hiện tại châu Á.

Mpox (còn gọi là bệnh đậu mùa khỉ) là một bệnh truyền nhiễm do virus đậu mùa khỉ (Monkeypox) gây ra, virus này thuộc họ Poxviridae bao gồm 2 dòng di truyền chính là clade I và II.

Bệnh Mpox xuất hiện ở các quốc gia thuộc miền Trung và Tây Phi. Bệnh ban đầu xảy ra trên khỉ, sau đó lây từ khỉ sang người, và hiện nay lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt đậu hoặc từ sang thương da và niêm mạc của người bệnh.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh Mpox là phát ban trên da hoặc tổn thương niêm mạc có thể kéo dài 2–4 tuần kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, đau lưng, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Hầu hết người mắc bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, nhưng có một tỷ lệ người bị bệnh bị biến chứng nặng và có thể tử vong.

Mpox hiện đang bùng phát dữ dội tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời bệnh đã lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi lân cận. Hơn 15.600 ca mắc bệnh Mpox và 537 ca tử vong đã được phát hiện tại nước này trong năm nay.

Ca nhiễm biến thể Ib mới không chỉ xảy ra ở châu Phi mà đã xuất hiện tại châu Á. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan… đang tăng cường giám sát và sàng lọc tại các điểm nhập cảnh.

Tại khu vực phía Nam nước ta, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong 2 năm 2023-2024 ghi nhận 199 ca Mpox, trong đó có 8 ca tử vong. TPHCM là tỉnh ghi nhận số ca mắc (156 ca) và tử vong (6 ca) trong năm 2023-2024 cao nhất tại khu vực phía Nam. Theo đó, tổng số ca Mpox phát hiện trong 2 năm 2023 – 2024 tại TPHCM là 156 ca, trong đó có 6 ca tử vong. Riêng năm 2024, có 49 ca Mpox, không có ca tử vong.

Hiện nay, dịch bệnh Mpox trên địa bàn TPHCM vẫn đang được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng. Thành phố chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng vi rút gây bệnh hiện vẫn là clade IIb, là dòng gây dịch cho các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib.

Về đặc điểm dịch tễ của các ca bệnh tại TPHCM, 100% là nam giới, tuổi trung bình là 32 tuổi (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi). Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 – 39 tuổi (46%), 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng lưu ý có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Sở Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn.

Theo Sở Y tế TPHCM

Nhã Lý

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-dau-mua-khi-khi-who-giong-len-hoi-chuong-canh-bao/