Đợi cổng Maroc làm cầu nối du lịch
Nằm tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), chiếc cổng đặc biệt - cổng Maroc đã chứng kiến hơn 60 năm phát triển mối quan hệ giữa hai đất nước: Việt Nam ở châu Á và Maroc ở châu Phi. Trong bối cảnh hiện nay, công trình kiến trúc từng được xây dựng trên đất bán sơn địa ngoại thành Thủ đô nhưng mang đậm bản sắc nước bạn, gợi ra nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, và thúc đẩy ngoại giao giữa Việt Nam - Maroc và các quốc gia châu Phi khác.

Chiếc cổng Maroc đã hiện diện tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội hơn sáu thập kỷ.
“Nhân chứng” của lịch sử hữu nghị
Cổng Maroc do những người hàng binh Maroc sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, xây dựng vào đầu những năm 1960 để nhớ về quê hương của họ trong những ngày sinh sống, lao động tại Ba Vì. Công trình này hiện lên với kiểu dáng mang đậm ảnh hưởng của kiến trúc truyền thống Maroc. Đó được coi như một biểu tượng gắn liền với ký ức về những năm tháng gian khó, nhưng cũng đầy tình cảm của những người lính châu Phi đối với đất nước và con người Việt Nam.
Sau chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954, trong bối cảnh lúc bấy giờ, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam đã có một quyết định nhân văn, đưa hơn 300 hàng binh là người một số nước châu Âu và chủ yếu từ châu Phi, cùng với hơn 100 cán bộ, công nhân Việt Nam lên Ba Vì - Hà Nội. Tại đây, Tập thể sản xuất Ba Vì được thành lập, sau đổi tên là Nông trường Việt Phi - Ba Vì, còn gọi là làng Việt Phi. Với sự hỗ trợ của những người Việt Nam, các hàng binh tham gia lao động sản xuất để sinh sống. Họ trồng dứa, sắn, khoai và nuôi bò sữa..., đợi sau này khi điều kiện cho phép sẽ trở về quê hương.
Sự tương trợ, sẻ chia của bộ đội, người dân địa phương khiến cho những dòng máu, màu da không còn khoảng cách. Chính đó đã là nền tảng để những người hàng binh mạnh dạn đề xuất xây một chiếc cổng theo phong cách truyền thống của xứ sở quê hương. Chính quyền, bộ đội và người dân Việt Nam đã giúp đỡ họ vật liệu, công sức. Và chiếc cổng Maroc ra đời, vào thời điểm đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Sau này, nhiều người hàng binh và gia đình họ trở về quê hương châu Phi, những tháng năm làng Việt Phi và hình ảnh chiếc cổng Maroc ở Ba Vì luôn ở trong tâm trí họ.
Chiếc cổng đã trở nên minh chứng sống động cho mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam và Maroc với những tư liệu cho thấy lực lượng đấu tranh cách mạng giữa hai nước có sự liên hệ, tìm hiểu lẫn nhau từ tận thời điểm trước năm 1945. Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1961, mối quan hệ hai nước càng được củng cố qua sự ủng hộ của Maroc với Việt Nam trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, qua việc hồi hương của các hàng binh Maroc vào những năm 70, và sau này, qua những chuyến thăm của các đoàn ngoại giao, các cựu chiến binh Maroc, và cả những cuộc hội ngộ của các gia đình con cháu của những người hàng binh trong chiến tranh, mang hai dòng máu Maroc - Việt Nam.
Theo anh Nguyễn Hồng Huy, công chức văn hóa xã Tản Lĩnh, nhiều đoàn khách của nước ta và nước bạn đã lên đây tham quan cổng Maroc. Nhiều con cháu của những người hàng binh trước kia thì thường tự tìm đến thăm trực tiếp. Một số đoàn quan chức, cán bộ của bạn thì lên qua đường ngoại giao, văn hóa. Năm ngoái 2024, Ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội đã lên thăm, rồi còn có đoàn của Đại sứ quán, của Hạ viện, và tổ chức cựu chiến binh của Maroc…

Chiếc cổng tại Ba Vì có kết cấu, hình dáng và hoa văn mang nét đặc trưng cổng truyền thống của người Maroc.
Tiềm năng đợi khai phá, giá trị cần lan tỏa
Theo các chuyên gia ngoại giao, lịch sử, văn hóa, công trình cổng Maroc có giá trị to lớn về nhiều mặt. Những câu chuyện xoay quanh công trình này, từ những người hàng binh Maroc thời kỳ sinh sống ở làng Việt Phi cho đến sự kết nối văn hóa giữa hai dân tộc, đều là những câu chuyện có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với thế hệ sau, với du khách yêu thích tìm hiểu về lịch sử và quan hệ quốc tế.
Do đó, việc tổ chức các hoạt động giao lưu, sưu tầm tư liệu, tổ chức triển lãm về mối quan hệ giữa Việt Nam và Maroc trong hơn sáu thập kỷ qua, trong đó có làng Việt Phi và chiếc cổng đặc biệt, sẽ góp phần giúp du khách và công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của cả hai dân tộc. Điều này từ lâu đã trở thành ước mong của những người quan tâm.
Tuy nhiên, dù có tiềm năng lớn, nhưng việc phát triển du lịch tại cổng Maroc cũng đối mặt với một số đòi hỏi cần giải quyết. Cơ sở hạ tầng hiện nay chưa được phát triển đồng bộ, việc bảo vệ giá trị lịch sử của chiếc cổng trong quá trình phát triển du lịch chưa có điều kiện được thực hiện một cách tương xứng. Việc duy trì và bảo tồn chiếc cổng, cũng như những ký ức về thời kỳ chiến tranh là một nhiệm vụ quan trọng nhưng như Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Văn Hiệp thì địa phương vẫn chờ những hướng dẫn cụ thể hơn của các cơ quan chức năng. Chiếc cổng hiện đang tọa lạc trong khuôn viên gia đình bà Phùng Thị Oanh, một người dân trên địa bàn. Gia đình bà rất có thiện chí đồng thuận, nhưng việc dành đất tạo không gian, cảnh quan chung quanh cổng cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng để có sự thỏa thuận thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Hiện nay, theo bà Phùng Thị Oanh, bà vẫn thường xuyên quét dọn khu vực cổng Maroc cho sạch sẽ và sẵn sàng mở cửa nhà cho các đoàn khách hay nhóm, cá nhân có nhu cầu vào tham quan cổng.

Bà Phùng Thị Oanh vẫn tự mình thường xuyên quét dọn, chăm sóc cảnh quan quanh cổng Maroc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, một trong những phương hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch tại không gian nơi cổng Maroc tọa lạc là việc mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình phụ trợ như nhà trưng bày, không gian văn hóa và khu vực phục vụ du khách. Những yếu tố này sẽ giúp người tham quan, các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh… hiểu rõ hơn về xuất xứ, lịch sử và ý nghĩa của cổng Maroc. Xa hơn, có thể tiến tới tổ chức các các hoạt động trải nghiệm về văn hóa của hai dân tộc trong không gian này.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các tuyến đường giao thông thuận tiện, phát triển các dịch vụ lưu trú và các hoạt động giải trí sẽ giúp Ba Vì, đặc biệt là cổng Maroc, trở thành một điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch ngắn ngày từ Hà Nội. Các chương trình hợp tác quốc tế, như các chuyến thăm giữa hai quốc gia và các hoạt động giao lưu… cũng sẽ góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến với Ba Vì.
Ngoài cổng Maroc, Ba Vì còn có nhiều danh thắng nổi tiếng khác như Vườn quốc gia Ba Vì, Đền Thượng, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên… và các bản làng dân tộc, các làng nghề truyền thống. Những điểm du lịch này cùng với cổng Maroc có thể tạo thành một hệ thống liên thông thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra cơ hội để phát triển du lịch văn hóa, giáo dục và cộng đồng. Điều này càng ý nghĩa và giá trị khi theo TS Lê Phước Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Maroc, người Maroc từng đến sinh sống ở nhiều nước như Canada, Lào, Campuchia… Nhưng chưa ở nơi nào, họ xây dựng nên chiếc cổng như ở Việt Nam.

Phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, ngoại giao với công trình cổng Maroc trong hệ thống danh thắng, di tích của huyện Ba Vì là mong ước nhiều năm qua.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-cong-maroc-lam-cau-noi-du-lich-post869121.html