Đối đầu căng thẳng khi đặc vụ Mỹ đột kích trang trại cần sa tại Califorinia
Đụng độ giữa các bên đã xảy ra khi lực chức năng liên bang của Mỹ tiến hành đột kích các trang trại trồng cần sa tại bang California.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia được triển khai tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 7/6/2025. Ảnh: AP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, vào ngày 10/7, đặc vụ liên bang Mỹ đã tiến hành các đột kích vào các trang trại cần sa được cấp phép bởi chính quyền bang tại một khu vực nông nghiệp ven biển miền Nam California với mục tiêu tiến hành các hoạt động thực thi luật nhập cư.
Khi những tin tức, hình ảnh, video về các cuộc đột kích lan truyền trên mạng xã hội, hàng chục nhà hoạt động vì quyền của người nhập cư đã kéo đến khu vực này, dẫn đến các cuộc chạm trán với đặc vụ liên bang giữa các con đường nông thôn. Thông tin đã được các tờ Santa Barbara Independent, Los Angeles Times và một số hãng truyền thông khác đăng tải cùng ngày.
Các đặc vụ của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), được hộ tống bởi lực lượng Vệ binh Quốc gia trên các xe quân sự, đã xuất hiện tại hai cơ sở do Glass House Farms điều hành: một ở thị trấn Carpinteria, hạt Santa Barbara (cách Los Angeles khoảng 145km về phía Tây Bắc); một ở khu vực Camarillo, hạt Ventura (cách Los Angeles khoảng 80km).
Công ty Glass House Farms đã đăng trên nền tảng mạng xã hội X rằng đặc vụ ICE đến kiểm tra các nhà kính của mình, đồng thời cho biết "công ty đã hoàn toàn tuân thủ theo lệnh khám xét của các đặc vụ và sẽ cập nhật thêm nếu cần thiết".
Một luật sư đại diện cho các công nhân làm việc tại Glass House Farms cho biết cả hai cơ sở của công ty đã từng bị ICE đến kiểm tra vào tháng 6.
Diễn biến chính của các cuộc đụng độ
Một đài truyền hình địa phương đưa tin rằng khoảng 100 công nhân nông trại đã bị bắt giữ trong cuộc truy quét nhập cư trước khi cuộc đụng độ giữa các đặc vụ và người biểu tình nổ ra. Lực lượng chức năng đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Trong khi đó, hình ảnh cận cảnh trên tuyền hình tại hiện trường cho thấy người biểu tình hò hét và chỉ trích các đặc vụ liên bang có vũ trang.
Khi được yêu cầu bình luận về vụ việc trên, người phát ngôn của Bộ An ninh Nội địa (DHS), cơ quan chủ quản của ICE, đã trả lời qua email: "Lực lượng thực thi pháp luật thuộc DHS đang thực hiện lệnh khám xét tại một cơ sở cần sa. Các sĩ quan dũng cảm của chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi pháp luật".
Tại Carpinteria, Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ Salud Carbajal cho biết ông đã bị từ chối tiếp cận hiện trường trong lúc muốn thực hiện quyền giám sát của mình với tư cách là nghị sĩ Quốc hội. Ông thông báo, đại diện công ty Glass House Farms sau đó xác nhận với ông rằng đã có 10 công nhân đã bị bắt giữ tại cơ sở này.
Trong bài viết trên X, nghị sĩ này cho biết để thực hiện cuộc đột kích vào khu vực này, lực lượng chức năng đã huy động hơn 50 đặc vụ ICE, sử dụng loại đạn kiểm soát đám đông (CCM – loại vũ khí phi sát thương) nhắm vào số người chống đối.
Tại cuộc đối đầu khác ở Camarillo, theo video của đài truyền hình KABC-TV tại Los Angeles, một người đàn ông dường như đã nổ súng về phía lực lượng chức năng khi lựu đạn khói được ném vào đám đông biểu tình.
Phóng viên của Đài CBS News cho biết họ có thể nghe thấy tiếng các đặc vụ yêu cầu người biểu tình lùi lại, trước khi bắn hơi cay và đạn CCM vào đám đông.
Sở Cứu hỏa hạt Ventura cho biết lực lượng y tế đã đưa 4 người đến bệnh viện và điều trị cho 3 người khác tại hiện trường.
"Thật đau lòng khi chứng kiến hình ảnh những người nông dân trồng lương thực và hoa màu không chỉ cho người dân California mà còn cho phần lớn đất nước chúng ta, khi họ bị bắt giữ trong những cuộc đột kích quân sự", nghị sĩ bang California Jacqui Irwin, người đại diện cho khu vực, cho biết.
Sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều giờ, một đoàn xe của các đặc vụ liên bang đã tránh được nhóm biểu tình bằng cách di chuyển qua nhiều con đường đất gần nông trại. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người biểu tình đã chặn được một số xe. Họ tìm cách ngăn chặn không cho các xe này rời đi và ném đá vào một số phương tiện, làm vỡ kính chắn gió và cửa sổ của một vài chiếc xe.
Văn phòng Thống đốc bang California cho biết trong một tuyên bố: “Những hành động như thế này đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các gia đình và cộng đồng lao động chăm chỉ, bao gồm cả cộng đồng công nhân nông trại trên khắp nước Mỹ… gây ra sự hỗn loạn, sợ hãi và kinh hoàng trong cộng đồng của chúng ta ở mọi nơi”.
Những thay đổi trong quan điểm xử lý người nhập cư tại các trang trại
Chính quyền Tổng thống Trump trong những tuần gần đây đã nhiều lần thay đổi lập trường trước việc: liệu công nhân nông trại có phải là đối tượng của chiến dịch trục xuất toàn bộ người nhập cư không có giấy tờ hay không.
Ngày 14/6, ông Trump đã ra lệnh cho ICE ngừng các hoạt động thực thi pháp luật tại các trang trại, nhưng ICE đã đảo ngược quyết định đó vài ngày sau đó. Đến ngày 3/7, ông Trump nói rằng sẵn sàng cho phép lao động nhập cư ở lại nếu nông dân “bảo lãnh” cho họ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins lại khẳng định sẽ “không ân xá” cho các lao động nông trại khỏi việc bị trục xuất.
Theo ước tính của chính phủ Mỹ, khoảng một nửa số lao động nông nghiệp tại Mỹ là người nhập cư bất hợp pháp. Ngành nông nghiệp nước này cảnh báo rằng việc trục xuất hàng loạt lao động nông nghiệp có thể làm tê liệt chuỗi cung ứng thực phẩm quốc gia.
Các cuộc đột kích vào một số trang trại ở California hồi tháng 6 đã khiến nông sản không được thu hoạch. Cả người lao động lẫn chủ trang trại đều luôn trong trạng thái lo lắng trước khả năng sẽ bị lực lượng chức năng tiếp tục triển khai chiến dịch truy quét.