Vai trò mới đầy bất ngờ của máy bom ném bom Su-34 của Nga trên chiến trường Ukraine

Theo tập đoàn quốc phòng Rostec, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Liên bang Nga (VKS) đã chính thức giao thêm một vai trò mới cho máy bay tiêm kích-ném bom Su-34.

Máy bay chiến đấu Su-34 của Nga cất cánh làm nhiệm vụ. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay chiến đấu Su-34 của Nga cất cánh làm nhiệm vụ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên trang quân sự Army Recognition cho biết thông tin nêu trên được Rostec đưa ra vào ngày 10/7 năm 2025 cùng với đợt bàn giao thêm một loạt Su-34 cho các đơn vị không quân chiến thuật tuyến đầu.

Theo Army Recognition, với vai trò mới này, Su-34 trở thành nền tảng trinh sát chiến thuật bên cạnh nhiệm vụ chính là tấn công mặt đất.

Việc sử dụng máy bay tiêm kích cho nhiệm vụ trinh sát đã bắt đầu từ Thế chiến II, khi các máy bay tiêm kích tốc độ cao như Supermarine Spitfire và P-51 Mustang được chuyển đổi thành phiên bản trinh sát không vũ trang, trang bị camera chụp ảnh. Những máy bay này thực hiện nhiệm vụ trinh sát thị giác trên vị trí đối phương, dựa vào tốc độ và độ cao để tránh bị đánh chặn. Trong Chiến tranh Lạnh, các phiên bản trinh sát chuyên biệt của máy bay tiêm kích đã ra đời, bao gồm RF-101 Voodoo, RF-4 Phantom II và MiG-21R. Những mẫu máy bay này giữ nguyên hiệu suất khí động học nhưng thay thế phần lớn hoặc toàn bộ vũ khí bằng hệ thống cảm biến phục vụ cho trinh sát hình ảnh, hồng ngoại hoặc điện tử.

Trong các thập kỷ sau đó, không quân các nước ngày càng tích hợp các pod (thiết bị gắn ngoài) trinh sát đa năng lên các nền tảng đa nhiệm, cho phép các máy bay chiến đấu như F-16, Tornado hoặc Su-24 thực hiện nhiệm vụ trinh sát mà không cần thiết kế riêng một loại máy bay. Cách tiếp cận này càng được mở rộng khi các cảm biến kỹ thuật số và định vị GPS ra đời, giúp thu thập tình báo chính xác hơn, đơn giản hóa hậu cần và giảm gánh nặng vận hành cho các đơn vị trinh sát chuyên biệt.

Máy bay tiêm kích hiện đại khi làm nhiệm vụ trinh sát có nhiều lợi thế so với các nền tảng trinh sát trên không truyền thống. Tốc độ cận âm hoặc siêu âm giúp chúng bay qua khu vực tranh chấp và rút lui trước khi bị phát hiện hoặc tấn công, giảm thời gian bị phơi ra trước hỏa lực phòng không đối phương. So với các máy bay ISR (tình báo, giám sát, trinh sát) cỡ lớn, tiêm kích có độ linh hoạt cao hơn, có thể bay ở nhiều độ cao và kiểu hành trình khác nhau, khiến việc đánh chặn khó khăn hơn và tăng khả năng ứng biến nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng thường được trang bị hệ thống tự vệ, gồm cảnh báo radar, tác chiến điện tử và thậm chí tên lửa không đối không, tăng khả năng sống sót khi phải đối mặt với các mối đe dọa cả về hỏa lực lẫn điện tử. Nhờ các pod gắn ngoài như cảm biến quang-điện tử, radar khẩu độ tổng hợp hoặc hệ thống trinh sát điện tử, máy bay có thể vừa trinh sát vừa tấn công trong cùng một nhiệm vụ. Khả năng kép này giúp triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn, nâng cao khả năng phản ứng chiến thuật và giảm phụ thuộc vào các phi đội ISR chuyên dụng, đặc biệt trong môi trường tranh chấp không phận hoặc thiếu các tài sản chiến lược.

Thông số kỹ thuật và năng lực của Su-34

Su-34 là máy bay tiêm kích-ném bom siêu âm hai động cơ, hai chỗ ngồi, có nguồn gốc từ Liên Xô, phát triển từ khung Su-27. Quá trình phát triển bắt đầu vào tháng 6.1986 với ký hiệu T-10V, bay thử nghiệm lần đầu ngày 13/4/1990. Su-34 được thiết kế để thay thế Su-24, thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm xa trong vùng không phận tranh chấp. Được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2005 tại Nhà máy Máy bay Novosibirsk mang tên V.P. Chkalov, Su-34 chính thức được biên chế vào ngày 21/3/2014.

Su-34 có sải cánh 14,7 mét, chiều dài 23,3 mét và trọng lượng cất cánh tối đa 45.000 kg. Được trang bị hai động cơ phản lực AL-31F-M1, Su-34 đạt tốc độ tối đa 1.900 km/h và tầm bay 4.500 km (không tiếp nhiên liệu), tối đa 7.000 km khi dùng thùng nhiên liệu phụ và tiếp nhiên liệu trên không. Su-34 có trần bay trong khoảng từ 14.650 đến 17.000 mét.

Máy bay có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, trên biển và trên không với 12 điểm treo bên ngoài mang tối đa 12.000 kg vũ khí: bom rơi tự do, bom dẫn đường laser/TV, tên lửa Kh-29, Kh-59, Kh-35, và tên lửa không đối không R-73, R-77. Nó có thể trang bị hệ thống ngắm Platan hoặc pod Damocles (sản xuất theo giấy phép của Thales), tương thích với đạn dược tiêu chuẩn NATO. Radar Sh-141 cung cấp khả năng bay bám địa hình và lập bản đồ mặt đất, tầm phát hiện 250 km với mục tiêu lớn và 90 km với tiêm kích. Nó có thể theo dõi cùng lúc 10 và tấn công 4 mục tiêu trên không. Radar cảnh giới phía sau N012 dự kiến lắp đặt nhưng bị thay bằng bộ nguồn phụ. Phiên bản nâng cấp Su-34M khôi phục khả năng cảnh giới phía sau với radar Kopyo-DL.

Năng lực trinh sát và tác chiến điện tử

Su-34 được trang bị hệ thống pod trinh sát đa năng Sych với ba biến thể: trinh sát điện tử, radar và quang học. Pod này gắn ngoài, cho phép máy bay thu thập tình báo thời gian thực trong khi vẫn mang theo vũ khí tấn công. Ngoài ra, máy bay còn tích hợp hệ thống tác chiến điện tử Khibiny (L-175V) và Sorbtsiya-S (L005-S), giúp giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện bởi radar phòng không đối phương. Chúng kết hợp hiệu quả với các tên lửa chống radar Kh-58 và Kh-31P (tầm bắn 120–250 km). Các tính năng này đã được thử nghiệm trong chiến tranh Gruzia 2008, chiến dịch Syria từ 2015 và cuộc chiến toàn diện tại Ukraine từ 2022. Tại Syria, Su-34 triển khai tại căn cứ Hmeymim và tạm thời tại căn cứ Hamadan (Iran).

Tổn thất và vận hành tại Ukraine

Su-34 đã tham gia nhiều hoạt động trong cuộc chiến Ukraine, sử dụng bom dẫn đường và không dẫn đường tấn công mục tiêu cố định từ khoảng cách an toàn. Theo dữ liệu nguồn mở của dự án Oryx, tính đến tháng 7/2024, ít nhất 30 chiếc Su-34 bị mất, trong đó có các vụ bị bắn hạ bởi tên lửa vác vai Stinger và hệ thống phòng không tầm trung, tầm xa. Một số sự kiện đáng chú ý là các tổn thất tại Chernihiv, Kharkiv, Izium và các vụ phá hủy tại các căn cứ Morozovsk, Marinovka. Ngày 27/6/2025, thiết bị bay không người lái Ukraine tấn công căn cứ Marinovka, phá hủy hai Su-34 và làm hỏng hai chiếc khác. Các tổn thất khác xảy ra do lỗi kỹ thuật và va chạm trong huấn luyện. Đáng chú ý, ngày 17/10/2022, một Su-34 rơi vào khu dân cư Yeysk do cháy động cơ khi cất cánh, khiến 15 dân thường thiệt mạng và 19 người bị thương.

Tư lệnh Không quân Ukraine, tướng Mykola Oleshchuk chiều 27/2/2024 đã đăng tải bức ảnh chiếc máy bay chiến đấu Su-34 thứ 2 của Nga bị các lực lượng Ukraine bắn hạ. Ảnh: Mykola Oleshchuk/Telegram

Tư lệnh Không quân Ukraine, tướng Mykola Oleshchuk chiều 27/2/2024 đã đăng tải bức ảnh chiếc máy bay chiến đấu Su-34 thứ 2 của Nga bị các lực lượng Ukraine bắn hạ. Ảnh: Mykola Oleshchuk/Telegram

Thiết kế buồng lái và các tính năng khác

Bối cảnh tái tổ chức lực lượng trinh sát

Việc điều Su-34 làm nhiệm vụ trinh sát phản ánh điều chỉnh trong kế hoạch hàng không quân sự của Liên bang Nga, có thể do mất mát hoặc lạc hậu của các nền tảng ISR khác. Các máy bay trinh sát như Tu-214R, Il-20M vẫn hoạt động nhưng số lượng hạn chế và dễ bị tổn thương trong không phận tranh chấp. Su-24MR vẫn thực hiện trinh sát chiến trường nhưng thiết bị lạc hậu và cảm biến hạn chế. Máy bay trinh sát tầm cao Myasishchev M-55 chỉ thực hiện nhiệm vụ chiến lược và hiếm khi triển khai thực tế. Các nền tảng vận tải như An-30 chỉ làm nhiệm vụ chụp ảnh và lập bản đồ ở môi trường an toàn.

Ngoài Su-34, Liên bang Nga còn chuyển đổi các tiêm kích đa năng khác như Su-30SM (trinh sát radar, chiếu laser), Su-35S (trinh sát radar, phát hiện phòng không đối phương và truyền dữ liệu cho máy bay tấn công) và Su-57 (trinh sát sâu và chế áp phòng không nhờ khả năng tàng hình và hợp nhất cảm biến).

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vai-tro-moi-day-bat-ngo-cua-may-bom-nem-bom-su34-cua-nga-tren-chien-truong-ukraine-20250711130238480.htm