Nguy cơ rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và đồng minh châu Á - Thái Bình Dương

Áp lực tăng ngân sách quốc phòng đang đè nặng lên các đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi các nước thành viên NATO (25/6) cam kết tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 5% GDP vào năm 2035 theo yêu cầu của Nhà Trắng. Cùng với những khó khăn do tác động của cuộc chiến thương mại toàn cầu, quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đứng trước nguy cơ rạn nứt.

Từ chính sách gây áp lực của Mỹ

Với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ trở lại” (Make American Again), sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump thi hành một số chính sách đối ngoại gây tranh cãi, nhất là việc đơn phương áp đặt mức thuế quan thương mại cao với nhiều quốc gia, kể cả đồng minh thân cận, và yêu cầu đồng minh phải tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP hàng năm nhằm “giảm thâm hụt thương mại” và “giảm gánh nặng cho Mỹ” trước các mối đe dọa an ninh ngày càng lớn mà Nga và Trung Quốc đặt ra.

Ngày 26/6, Tổng thống Donal Trump còn đưa ra cảnh báo, đe dọa áp thuế gấp đôi với Tây Ban Nha -thành viên duy nhất của NATO không đồng ý nâng mức chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 5% GDP. Khi được hỏi liệu ông Trump có yêu cầu các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương tăng chi tiêu quốc phòng hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt (27/6) cho biết “Nếu các đồng minh ở châu Âu và các đồng minh ở NATO có thể làm được thì tôi nghĩ các đồng minh và bạn bè của chúng ta ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có thể làm được”.

Mỹ tuyên bố tiến hành đánh giá lại Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS).

Mỹ tuyên bố tiến hành đánh giá lại Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS).

Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shanggri – La lần thứ 22, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là “sân khấu ưu tiên” của Mỹ và “Các đồng minh, đối tác châu Á nên coi các quốc gia châu Âu là một điển hình mới”, khi các quốc gia tự chủ về quốc phòng, điều này sẽ thúc đẩy nỗ lực chung nhằm đối phó với các mối đe dọa. Điều này dường như ngầm biểu lộ sẽ không có ngoại lệ cho Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand hay Philippines - các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Trump đã triển khai chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”, sử dụng công cụ thuế quan để ép các đồng minh trong khu vực cùng chia sẻ gánh nặng với Mỹ. Với Úc, Mỹ áp đặt mức thuế cơ bản 10% lên hàng hóa xuất khẩu từ Úc bao gồm sản phẩm như thịt bò, trái cây, thuốc… riêng thép và nhôm phải chịu mức thuế 25%, thậm chí cảnh báo sẽ nâng lên 50%; tuyên bố tiến hành đánh giá lại Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) trong 30 ngày để xác định liệu AUKUS có tiếp tục phù hợp với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donal Trump hay không, đồng thời, thúc giục Úc phải tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP để ứng phó với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ áp thuế 25% đối với sản phẩm ô tô và 24% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác của Nhật Bản; 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ của Hàn Quốc; 10% mức thuế cơ bản đối với hàng hóa xuất khẩu từ New Zealand và 17% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Philippines, đồng thời kêu gọi các quốc gia này tăng mức chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP để phù hợp với mức mà Washington đặt ra đối với các đồng minh châu Âu.

Những chính sách này không chỉ gây rối loạn thị trường thương mại toàn cầu, thúc đẩy xu hướng “chạy đua vũ trang mới” mà còn khiến quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh tại khu vực trở nên căng thẳng.

Khi đồng minh phản ứng

Những chính sách mới của Mỹ đã khiến lãnh đạo các nước đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tỏ ra “không hài lòng” dù vẫn giữ thái độ phù hợp và phản ứng thận trọng, cố gắng đàm phán giải quyết khác biệt quan điểm thuế quan và mức chi tiêu quốc phòng.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho rằng, việc Mỹ áp thuế với Úc “là hành động thù địch với đồng minh”, song khẳng định sẽ không “trả đũa” hay “thỏa hiệp giá trị cốt lõi” mà sẽ nỗ lực đàm phán để đạt mức thuế có đi có lại 0% thay vì 10% như hiện nay; nhấn mạnh quyền tự quyết trong vấn đề ngân sách quốc phòng và an ninh, với việc duy trì tăng đều mức chi 53 tỷ AUD/năm tương ứng 2% GDP lên mức 100 tỷ AUD/năm tương ứng 2,4% GDP vào năm 2033-2034 và chi tiêu quốc phòng nên dựa trên nhu cầu năng lực thay vì nhu cầu từ các đồng minh.

Với Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đặt câu hỏi về việc Mỹ áp mức thuế chung cho tất cả quốc gia “Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất vào Mỹ, vậy liệu có hợp lý không khi Washington áp thuế đồng đều cho tất cả?”. Theo tờ Nikkei Asia, trong quá trình đàm phán thương mại với Nhật, Mỹ đã lồng ghép điều kiện yêu cầu Nhật phải tăng ngân sách quốc phòng lên 3,5%, điều này gây phản ứng từ Nhật Bản khi Thủ tướng Shigeru Ishiba chỉ đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP năm 2027 và khẳng định “những con số tùy ý không quan trọng bằng việc số tiền được chi vào mục đích gì”. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn khéo léo tránh gây tổn hại quan hệ song phương với Mỹ khi phủ nhận lý do hủy bỏ Đối thoại An ninh 2+2 giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ - Nhật Bản vì yêu cầu này.

Với Hàn Quốc, quyền Tổng thống Hàn Quốc trước đây Han Duck-soo đã cam kết sẽ có phản ứng "toàn diện" khi Mỹ áp thuế, đồng thời Hàn Quốc hiện đang nỗ lực đàm phán giảm mức thuế quan với Mỹ trước khi kết thúc 90 ngày hoãn lệnh áp thuế, trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phản ứng gay gắt đối với yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ, nhấn mạnh rằng nước này đã chi trả chi phí quân sự rất cao và không ngừng gia tăng ngân sách cho lĩnh vực này, đồng thời khẳng định đây là vấn đề do Hàn Quốc tự quyết định.

Các đồng minh khác như New Zealand, Philippines cũng có phản ứng thận trọng, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho rằng, New Zealand chịu mức thuế 10% tương đối tốt hơn so với các quốc gia khác, nhưng nhấn mạnh rằng thuế quan và chiến tranh thương mại “không phải là cách giải quyết vấn đề”.

Ngành sản xuất ô tô của Nhật Bản bị ảnh hưởng nếu Mỹ tăng thuế .

Ngành sản xuất ô tô của Nhật Bản bị ảnh hưởng nếu Mỹ tăng thuế .

Căng thẳng liệu có gia tăng?

Vấn đề mấu chốt để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay nằm ở việc Mỹ sẽ quyết định áp đặt mức thuế mới nào cho các đồng minh tại châu Á -Thái Bình Dương, khi thời hạn đàm phán 90 ngày sắp kết thúc. Đến nay, chưa có dấu hiệu nhượng bộ nào từ Mỹ khi Tổng thống Trump ngày 29/6 tuyên bố không có kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia sau ngày 9/7, thời điểm kết thúc giai đoạn đàm phán mà ông đã ấn định. Thậm chí, ông Trump còn dọa tăng thuế với Nhật nếu không nhập khẩu gạo trồng từ Mỹ; gây sức ép với Chính phủ mới của Hàn Quốc trong vòng đàm phán thuế quan cấp cao ngày 30/6 liên quan tới việc nới lỏng các rào cản phi thuế quan về hạn chế độ tuổi thịt bò, nông nghiệp, kỹ thuật số, khí hóa lỏng (LNG)…

Nếu không thể giải quyết dứt điểm vấn đề thuế quan hiện nay, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh tại khu vực có nguy cơ rạn nứt ngày càng nghiêm trọng hơn, đẩy các quốc gia - vốn có hợp tác an ninh - kinh tế chặt chẽ với Mỹ tìm kiếm con đường mới nhằm đảm bảo tự chủ chiến lược, giảm phụ thuộc vào Mỹ khi niềm tin đã bị suy giảm. Đồng thời, khả năng đáp ứng yêu cầu của Mỹ về chi tiêu quốc phòng sẽ bị hạn chế, do các nước cần tập trung cân đối nguồn lực để tháo gỡ khó khăn kinh tế - xã hội trong nước, cân bằng cán cân thương mại, thậm chí đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Nga nhằm bảo đảm lợi ích cốt lõi trước biến động phức tạp về kinh tế và an ninh toàn cầu hiện nay.

Tiến Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nguy-co-ran-nut-quan-he-giua-my-va-dong-minh-chau-a-thai-binh-duong-i774325/