Ông Trump dự kiến sử dụng quyền đặc biệt để viện trợ vũ khí cho Ukraine
Tổng thống Donald Trump quyết định sử dụng quyền hạn đặc biệt để gửi vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD hỗ trợ Ukraine, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của ông trước cuộc xung đột với Nga.
Theo một số nguồn tin thân cận, Tổng thống Trump dự kiến sẽ đẩy nhanh việc thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD cho Ukraine thông qua việc kích hoạt Quyền Rút gọn Tổng thống (PDA), một công cụ cho phép Nhà Trắng nhanh chóng tái phân bổ việc trang bị quân sự từ kho dự trữ của Mỹ đến các đồng minh để ứng phó với các cuộc khủng hoảng trên thế giới.
PDA là một quyền hạn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, được cấp theo Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài năm 1961. Việc sử dụng quyền hạn này giúp việc chuyển giao vũ khí có thể diễn ra chỉ trong vòng vài ngày, thậm chí vài giờ, khiến nó trở thành công cụ hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp.
Nếu PDA được áp dụng, đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump sử dụng quyền hạn này để hỗ trợ Ukraine sau khi trở lại Nhà Trắng, một động thái từng được người tiền nhiệm Joe Biden sử dụng 2 lần trong nhiệm kỳ của mình. Thông tin này được tiết lộ sau khi Tổng thống Trump bất ngờ chỉ trích người đồng cấp Nga Vladimir Putin, khi gọi những tuyên bố ngoại giao của Tổng thống Putin là "vô nghĩa", đồng thời tuyên bố Mỹ “phải” gửi thêm vũ khí để giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tiến công ngày càng mạnh mẽ của Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại The Hague (Hà Lan) hồi tháng 6. Ảnh: Volodymyr Zelensky/X
Lời khẳng định trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước bất ngờ thông báo tạm dừng một số hỗ trợ quân sự cho Ukraine, khiến Tổng thống Trump bị bất ngờ và bày tỏ ra không hài lòng vì sự thiếu phối hợp từ Lầu Năm Góc. Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng sau bữa trưa với các nhà lãnh đạo châu Phi hôm 9/7, khi được hỏi về việc một quyết định lớn có thể được đưa ra mà không cần thông qua tổng thống hay không, ông Trump khẳng định: “Tôi sẽ biết. Nếu có quyết định, tôi sẽ là người biết đầu tiên. Thậm chí, rất có thể tôi sẽ là người ra lệnh”.
Hiện tại, danh sách cụ thể các loại vũ khí trong gói viện trợ 300 triệu USD cho Ukraine vẫn chưa được chốt. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết gói này có thể bao gồm tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot cùng các tên lửa tấn công tầm trung khác, với quyết định cuối cùng được đưa ra trong một cuộc họp vào ngày 10/7. Đây là những loại vũ khí mà Ukraine đang ưu tiên, đặc biệt là các tên lửa đánh chặn của hệ thống Patriot và pháo phản lực di động GMLRS.
ĐỌC NGAY: Ông Trump bất ngờ đảo chiều, cam kết viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine
Động thái viện trợ của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga đang gia tăng áp lực quân sự lên các khu vực ở miền đông Ukraine. Một số nguồn tin cho biết vũ khí viện trợ có thể được triển khai tới các khu vực chiến trường chỉ trong vài ngày nhờ kho dự trữ sẵn có tại châu Âu.
Trong gần 3 năm rưỡi kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tổng cộng gần 175 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine cùng các quốc gia đồng minh, trong đó gói viện trợ gần nhất trị giá 500 triệu USD đã được cựu Tổng thống Biden phê duyệt vào ngày 9/1. Tính đến nay, Mỹ còn khoảng 3,86 tỷ USD trong ngân sách PDA dành cho Ukraine.