Đối đầu Mỹ - Trung không chỉ là chính trị bầu cử

Giới chức Trung Quốc hôm qua lấy lại quyền kiểm soát lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, sau khi yêu cầu nhân viên ở đây rời đi để trả đũa việc bị Mỹ bắt đóng lãnh sự quán ở Houston.

Cảnh sát Trung Quốc đi tuần ở khuôn viên từng là lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ngày 27/7. Ảnh: AP

Cảnh sát Trung Quốc đi tuần ở khuôn viên từng là lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ngày 27/7. Ảnh: AP

Cảnh tượng giải tán lãnh sự quán đánh dấu bước leo thang kịch tính trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu từ khi các nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston được trông thấy đang đốt tài liệu trong sân hôm thứ 3 tuần trước.

Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đóng cửa từ 10h sáng qua. Lực lượng chức năng Trung Quốc tiến vào bằng cửa trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông cáo. Lá cờ Mỹ bị hạ xuống từ đầu giờ sáng. Trong lúc lực lượng chức năng tiếp quản cơ sở, vài chục người đi đường dừng lại để chụp ảnh và quay phim. Một người đàn ông đứng phía bên kia phố đã mở bài quốc ca Trung Quốc trên điện thoại.

“Khi tư tưởng chống Trung Quốc trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong mấy chục năm, giới chức Trung Quốc đang tìm lối thoát khỏi vòng xoáy tử thần trong quan hệ với Mỹ. Bắc Kinh không muốn một cuộc chiến toàn diện với Mỹ, nhưng tối thiểu sẽ đáp trả để thể hiện với thế giới, và cả với ứng viên Joe Biden, rằng Trung Quốc sẽ không bị bắt nạt”, New York Times dẫn lời Jessica Chen Weiss, một chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH Cornell, Mỹ

“Chúng tôi thất vọng trước quyết định của Trung Quốc và sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận người dân ở khu vực quan trọng này thông qua những nhân viên khác của chúng tôi ở Trung Quốc”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Lãnh sự quán ở Thành Đô được mở từ năm 1985 và có gần 200 người làm việc, bao gồm khoảng 150 nhân viên địa phương.

Trong hơn 40 năm từ khi Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng việc hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau trở thành dấu mốc mới cho đà lao dốc của quan hệ song phương mà không dễ gì khôi phục. Từng bước một, Mỹ và Trung Quốc đang gỡ bỏ mấy thập kỷ hợp tác để mở ra kỷ nguyên mới của đối đầu, được định hình bởi những tiếng nói diều hâu của cả hai phía, giới phân tích đánh giá.

Hệ quả lâu dài

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, các trợ lý của ông liên tục tấn công Trung Quốc. Dù chiến lược này củng cố một thông điệp bầu cử chủ chốt, giới phân tích cho rằng nhiều quan chức Mỹ đang cố tạo ra những thay đổi không thể đảo ngược, dù ông Trump đắc cử hay không. Những hiệu ứng kết hợp có thể tạo thành di sản đối ngoại gây hậu quả sâu rộng nhất của ông Trump: sự đối đầu về chiến lược và ý thức hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giới quan sát cho rằng một cuộc cạnh tranh rộng khắp và khốc liệt là mục tiêu của những cố vấn cứng rắn của ông Trump. Trong quan điểm của họ, đối đầu và ép buộc, gây hấn và đối kháng nên trở thành nguyên trạng với Trung Quốc, bất kể ai là người lãnh đạo nước Mỹ từ năm sau.

“Dưới tổng thống, Ngoại trưởng Mike Pompeo và những thành viên khác trong chính quyền dường như đang theo đuổi mục tiêu rộng hơn. Họ muốn tái định hướng quan hệ Mỹ - Trung đến một cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống và không thể bị đảo ngược bởi kết quả của cuộc bầu cử sắp tới”, Ryan Hass, một cố vấn về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói với New York Times.

Ngay từ đầu ông Trump đã hứa sẽ thay đổi quan hệ với Trung Quốc, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại. Nhưng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên đạt được đầu năm nay đang bị phủ bóng bởi mâu thuẫn rộng lớn hơn.

Ở Bắc Kinh, một số quan chức và nhà phân tích cáo buộc ông Pompeo và những người khác đang đề cao tư tưởng Chiến tranh Lạnh để giành điểm trong cuộc đua cuối năm nay. Nhưng có một sự thừa nhận rằng gốc rễ của mâu thuẫn đó nằm sâu hơn. Chiến dịch gây sức ép của chính quyền Mỹ củng cố suy nghĩ của người Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận sức mạnh kinh tế và quân sự cũng như hệ thống chính trị của Bắc Kinh. “Đó không chỉ là những tính toán bầu cử mà là sự leo thang tự nhiên và kết quả của những mâu thuẫn vốn có giữa Trung Quốc và Mỹ”, Cheng Xiaohe, phó giáo sư Trường Quốc tế học thuộc ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định.

Sau khi trải qua đại dịch COVID-19, giới chức Trung Quốc được đánh giá là đang cố tránh xung đột công khai với Mỹ.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/doi-dau-my-trung-khong-chi-la-chinh-tri-bau-cu-1695224.tpo