Đôi điều lắng đọng
Giữa rất nhiều mối quan hệ trong xã hội, người ta dễ nhận ra: tính tình, cử chỉ, lời nói, lối sống của người này rất hợp với người kia mà lại không hề hợp với người thứ ba. Đó là một thực tế.
Một vài biểu hiện của sự hợp nhau
Trong gia đình, anh chị em cùng một cha một mẹ sinh ra, song vẫn có không ít trường hợp: Người anh hợp tính với đứa em này, mà lại không hợp tính lắm với đứa em kia. Cha mẹ, phần lớn vẫn có tình cảm thương yêu các con như nhau. Song, đó đây vẫn thấy: Cha gần gũi với đứa con này hơn, mẹ hợp tính với đứa con mà mẹ thấy người con ấy có chút thiệt thòi.
Ảnh minh họa.
Đồng nghiệp cùng chung một cơ quan, một công việc có những người rất hợp nhau, từ lời nói, tính tình, sở thích… Láng giềng với nhau có những người rất hợp nhau, khi người ta nhìn thấy ở nhau sự cư xử tế nhị, khéo léo, có nét giống mình. Hợp nhau, để người này có thể chia sẻ với người kia những điều cần thổ lộ. Những người hợp nhau có thể nói chuyện hàng giờ với nhau, kể cả trực tiếp, kể cả qua điện thoại, kể cả qua mạng xã hội. Không chỉ thế, những người hợp nhau có thể giúp đỡ nhau về tinh thần, về vật chất, trong công việc. Những người hợp nhau còn có thể thuyết phục nhau để làm điều này, điều khác có ích cho cuộc sống, cho gia đình, trong khi những người khác thì không làm được điều đó. Hợp nhau, để nhiều người vui vẻ sinh hoạt cùng nhau trong các câu lạc bộ (âm nhạc, thơ ca, thể thao, thể dục…), hoặc tham gia các tổ chức thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống. Người hiểu nhau, thấy hợp ý có khi cùng nhau kinh doanh một ngành nghề. Và còn biết bao sự hợp nhau khác nữa trong cuộc sống.
Đôi biểu hiện của sự không hợp nhau
Sự không hợp nhau cũng rất dễ nhận ra quanh mình. Đó có thể là ở cuộc nói chuyện của một vài người. Chỉ cần nghe qua vài câu, người không hợp chỉ muốn bỏ đi nơi khác; thậm chí, khi nghe những lời chướng tai, người nghe chỉ muốn đáp lại bằng những lời thiếu thiện cảm, hoặc bằng những ánh mắt, những cử chỉ thể hiện sự bực mình. Thậm chí, nếu không dằn lại, dễ xảy ra những sự xô xát, khi người phát ngôn có những lời lẽ nặng nề đối với người nghe, người phát ngôn châm chọc, giễu cợt đối tượng họ hướng đến.
Trong cơ quan, không ít người cùng làm việc chung không hợp nhau về tính tình, về cách giải quyết công việc. Và đã có những trường hợp người cùng cơ quan mạo danh để nói xấu nhau, nói sai sự thật về người mình ganh ghét, không ưa, nhằm hạ uy tín của nhau. Hàng xóm cũng không hiếm cảnh không hợp nhau. Người láng giềng bàng quan trước những tình cảnh mà lẽ ra người ấy, nhà ấy cần được sự sẻ chia, giúp đỡ.
Người trong dòng họ cũng không thiếu những trường hợp không hợp tính nhau. Có những điều trong gia đình cần có tiếng nói chung nhưng khó đạt được sự đồng thuận.
Sự hợp nhau có thể thay đổi theo thời gian
Có những người thân với nhau, nhưng khi gặp những biến cố lớn trong cuộc sống, người này chợt nhận ra rằng: Hình như người ấy không còn hợp với mình nữa! Những biến cố đến trong đời, hay lúc gặp những đau thương để người ta thấy rằng: Người ấy đã nằm ngoài sự mong đợi của mình! Đã có những tình huống người ta nhận ra họ chỉ hợp nhau, vui với nhau ở những lúc thuận lợi, những buổi nâng chén, nâng ly; còn lúc gặp những khó khăn, bạn đâu không thấy nữa! Bà con cũng thế, bình thường thấy tưởng thương nhau lắm. Nhưng gặp sự cố, mới thấy rằng, họ chẳng hợp nhau.
Lại cũng có khi trong gia đình lớn, có những người không hợp nhau, suốt cả một thời gian dài. Song rồi, có một vài trạng huống, một vài sự việc diễn ra trong gia đình, họ hàng, tình cờ, họ có thể giúp nhau việc nọ, việc kia được hiệu quả; điều ấy khiến người ta có thể xích lại gần nhau.
Ai cũng mong muốn được giao tiếp, quan hệ, làm việc với những người hợp với mình. Bởi điều ấy sẽ đem lại những cảm xúc tích cực, những niềm vui trong lòng người ở những mối quan hệ ấy. Và cùng với đó, mong giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, sự không ưa, thậm chí sự giận dữ khi gặp nhau, lúc ở vào tình thế phải đối mặt với người mình không hợp một chút nào.
Hợp nhau với không hợp nhau giữa những con người, chỉ chừng ấy thôi, tưởng nhỏ mà hóa ra không hề nhỏ!
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doi-dieu-lang-dong-111798.html