Đôi điều trang phục Việt - áo dài
Thời gian qua, ở nước ta trang trọng tổ chức vinh danh Di sản văn hóa Việt Nam - áo dài truyền thống. Những gì mang tính truyền thống đều có chiều dài lịch sử được gìn giữ và kế thừa, đó là nét đẹp văn hóa.
Áo dài Việt xuất hiện từ lúc nào, tài liệu để lại không rõ. Thời cổ đại, chỉ dựa vào một số hình ảnh khảo cổ để phỏng đoán, cho rằng thời kỳ Hùng Vương việc sử dụng vỏ cây để làm trang phục dần thay thế bởi việc trồng và thu hoạch cây đay, gai, và dâu tằm để dệt vải, hoặc dùng lông thú. Dù kỹ thuật dệt vẫn còn thô sơ, nhưng việc sáng tạo trang phục đã bắt đầu.
Thời nhà nước phong kiến Lý – Trần, trang phục Việt bắt đầu rõ nét, có sự phân biệt giữa hoàng tộc và thường dân. Từ sự phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam, đến thời Hậu Lê, kỹ thuật dệt hiện đại, sản phẩm vải vóc đẹp mắt, không chỉ trang phục mà cả phụ kiện mũ nón, giày dép được bổ sung tạo nên sự sang trọng và phong cách Việt riêng biệt. Còn làm quà biếu trong các hoạt động ngoại giao. Thời nhà Nguyễn có sự thay đổi đáng kể về trang phục Việt. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn: “Năm Cảnh Hưng thứ 5, Giáp Tý, Nguyễn Phúc Khoát nghe người Nghệ An truyền câu sấm: “Tám đời trở về Trung Nguyên (…), lấy thể chế áo mũ trong “Tam tài đồ hội” làm kiểu mới”… Một số chuyên gia cho rằng, Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ở ngôi từ năm 1738 đến năm 1765, là người có công khai sáng và định hình cho ra đời chiếc áo Ngũ thân vào năm 1744 ở xứ Đàng Trong, phân biệt với áo Tứ thân miền Bắc(1).
Nhà nước phong kiến coi trọng về Quốc phục. Theo Phan Kế Bình trong sách Việt Nam phong tục (2) cho biết trang phục thời kỳ phong kiến người ta thường kể tới hai loại: phẩm phục (mũ áo, đai, mãng, xiêm, ủng…) mặc trong những dịp triều hạ lễ bái, tế tự…; thường phục (khăn, áo, giày…) được sử dụng hằng ngày. Thời đó lệ quy định vua quan có phẩm phục, binh lính có nhung phục, thường dân có lễ phục. Phẩm phục mặc những lúc triều hạ lễ bái, nhung phục mặc khi chiến trận thao luyện, lễ phục mặc những khi tế tự. Thường phục cũng quy định chỉ quan viên mới được mặc đồ gấm vóc tơ lụa, thường dân chỉ được mặc đồ vải. Đầu thế kỷ XIX, thời kỳ đất nước thống nhất, vua Minh Mạng tiếp tục chọn áo Ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Khoảng từ 1837 - 1945, áo Ngũ thân được phổ biến cả hai miền Nam Bắc, được xem là Quốc phục của người Việt. Thế nhưng không phải khi nào, nơi nào, người nào cũng mặc quốc phục, bởi thành phần xã hội rất đạng.
Xưa kia chiếc áo dài có cả cho nam và nữ. Theo ghi chép của Camille Paris (1856-1908)(3), trang phục bình dân của người Việt Nam đơn giản. Chiếc áo của phụ nữ và đàn ông Việt Nam rất giống nhau, chỉ khác một điểm là áo của nữ dài tới gót chân. Phụ nữ An Nam giấu kín bộ ngực của mình dưới chiếc áo yếm, thường có một màu khác với tấm áo dài. Họ không thẹn thùng nếu như bộ ngực được che kín dù người khác có thể nhìn thấy chân của họ đến ngang hông. Vào những ngày hè nóng nực, khi ở trong nhà, phụ nữ bình dân cởi tấm áo ngoài và mặc chiếc quần cộc, để trần lưng và chân. Phụ nữ làm việc ngoài đồng thì xắn quần đến tận bẹn.
Thời Pháp thuộc, ở nông thôn miền Nam, xuất hiện một loại phục sức mới, được nhập từ Singapore và Mã Lai, gọi là áo bà ba. Kiểu áo này có phần cài nút giữa, rất thoải mái khi lao động.
Trở lại triết lý văn hóa áo Ngũ thân. Đến với quê hương xứ Huế mộng mơ, vùng đất của những di sản văn hóa, không thể bỏ qua trang phục thanh tao thấm đẫm hồn Việt – áo Ngũ thân, phát triển rực rỡ dưới triều nhà Nguyễn (1802 – 1945). Các nhà Huế học nói áo Ngũ thân với năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, thân trong tượng trưng cho người con. Áo Ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân – lễ – nghĩa – trí – tín), ngũ luân (quân thần: vua – tôi, phụ tử: cha – con, phu phụ: chồng – vợ, huynh đệ: anh – em, bằng hữu: bạn bè)(4). Mặc chiếc áo dài Ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.
Chiếc áo dài – đặc biệt là áo dài phụ nữ, theo quá trình lịch sử cùng những biến đổi về kinh tế, xã hội, tùy thuộc ngành nghề, thẩm mỹ từng lứa tuổi, trang phục nói chung và áo dài nữ nói riêng, chị em lựa chọn những mẫu dáng khác nhau. Mẫu mã chiếc áo Ngũ thân rực rỡ một thời đã lùi vào quá khứ. Đó cũng là điều tất yếu với nhu cầu thẩm mỹ thời trang của từng thời đại. Nhưng chiếc áo dài phụ nữ ngày nay biến dạng đổi hình nhiều khi không hiểu hết. Đẹp thì rất đẹp, nhưng cũng có những mẫu hình mục thị khá choáng… khoe khoảng không gian cơ thể khá rộng từ ngực, lưng, vai, hông… có phần khiêu khích. Khi đặt vấn đề về chiếc áo dài truyền thống – vinh danh di sản văn hóa Việt với bạn bè thế giới, đã tổ chức các cuộc thi áo dài, câu lạc bộ áo dài, ngày áo dài nữ Việt Nam, tôi có hỏi một số đối tượng từ trẻ đến các chị trung niên, khi mặc chiếc áo dài thiết kế kiểu dáng hôm nay, nó có quy ước gì mang ý nghĩa đạo lý như thời xưa người ta mặc áo Ngũ thân để xem đó là Quốc phục không. Hầu như các chị, các em đều cười thay cho câu trả lời.
(1) https://mega.vietnamplus.vn/do...; (2) Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, năm 2020; (3) Đế quốc An Nam và người dân An Nam, Jules Silvestre cập nhật và chú thích. Cty CP sách Omega Việt Nam, Hà Nội, 2020, Phan Tín Dụng dịch; (4) cotranghoangcung.com.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doi-dieu-trang-phuc-viet-ao-dai-126481.html