Đội điều trị 17 nơi tuyến lửa

'Nơi chiến trường mưa bom, đạn lửa, chúng tôi phải thức trắng nhiều đêm cầm dao phẫu thuật cứu người trong điều kiện vô cùng thiếu thốn'. Thượng tá, cựu chiến binh (CCB) Đoàn Long, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần chia sẻ với chúng tôi như vậy.

 Cựu chiến binh Đoàn Long khám bệnh cho người dân địa phương.

Cựu chiến binh Đoàn Long khám bệnh cho người dân địa phương.

Câu chuyện về một "từ mẫu" ở chiến trường được nhắc đến từ giữa năm 1959. Đó là chàng thanh niên Đoàn Long, thi đỗ vào Trường Đại học Y Việt Nam (nay là Trường Đại học Y Hà Nội). Năm 1965, Đoàn Long ra trường và làm bác sĩ ngoại khoa ở Bệnh viện Việt Đức. Đến năm 1967, do yêu cầu của quân đội, Đoàn Long được phong quân hàm thiếu úy và về nhận công tác ở Quân y viện 354 (nay là Bệnh viện Quân y 354). Tháng 7-1970, Đoàn Long tham gia Đội điều trị 17 (tuyến cuối của Chiến dịch Tây Nguyên), đóng quân ở Bắc Kon Tum, gần sông Pô Cô.

Ở chiến trường, đội điều trị phải đào hầm làm nơi phẫu thuật. Thời điểm đó Tây Nguyên đang vào mùa mưa nên trong hầm lúc nào cũng có nước. Dưới hầm, luôn có người vận hành chiếc xe đạp đã được gá cố định để tạo ra ánh sáng từ chiếc đèn dynamo. Bên bàn mổ, bác sĩ trẻ Đoàn Long và cán bộ, nhân viên của đội, chân ngâm trong bùn nước để cứu chữa thương binh. CCB Đoàn Long kể lại: "Khi ấy, y cụ phẫu thuật rất tốt, nhưng thuốc gây mê, gây tê, giảm đau và kháng sinh thì vô cùng thiếu thốn. Đối với những trường hợp bị thương bình thường, chúng tôi gây tê từng phần rồi thực hiện phẫu thuật. Còn trường hợp nặng, chúng tôi dùng ê-te gây mê. Thiếu thuốc gây mê nên trong khi thực hiện phẫu thuật, nhiều lúc tôi cảm nhận rõ đồng đội oằn mình chống chịu cơn đau".

Đối với người bình thường, lượng hồng cầu trong máu của nam giới khoảng 4,2 triệu/mm3 máu, nhưng vì điều kiện sống quá khó khăn ở chiến trường mà lượng hồng cầu của bác sĩ Đoàn Long có lúc xuống 1,9 triệu/mm3 máu, rất nguy hiểm với sức khỏe, nhưng anh không từ chối một ca mổ nào. Cũng như Đoàn Long, những thành viên trong đội chỉ rời hầm phẫu thuật khi đã quá mệt mỏi, để tựa gốc cây chợp mắt lấy sức, hoặc đói quá thì nhai vội miếng sắn, măng luộc rồi lại lao xuống hầm làm nhiệm vụ. CCB Đoàn Long tâm sự: "Chậm một phút là cơ hội sống của đồng đội bị mất đi. Vậy nên, các y sĩ, bác sĩ đội điều trị bám trụ ở hầm phẫu thuật cả ngày và đêm không ngơi nghỉ”. Đến nay, Thượng tá, CCB Đoàn Long vẫn miệt mài chăm sóc sức khỏe cho người dân.

VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/doi-dieu-tri-17-noi-tuyen-lua-592088