'Đội giá' nguồn vật liệu làm mòn lợi nhuận nhà thầu, chậm tiến độ thi công
Giá vật liệu dự án giao thông tăng trực tiếp làm đội tổng chi phí dự án, vượt quá dự toán ban đầu và ăn mòn lợi nhuận, thậm chí gây thua lỗ cho các nhà thầu thi công, làm chậm tiến độ công trình.

Nhà thầu thi công nền đường một dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Giá vật liệu xây dựng tại dự án giao thông trọng điểm tăng so với hợp đồng đã dẫn đến các nhà thầu phải “gồng mình” chịu lỗ. Nếu không được tháo gỡ nhanh chóng, các doanh nghiệp xây dựng giao thông sẽ không còn đủ khả năng tài chính để duy trì nhịp độ thi công, dẫn đến chậm trễ tiến độ dự án.
Chênh lệch lớn giá vật liệu
Là nhà thầu đang thi công Gói XL8 và Gói XL10 tại Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Tập đoàn Cienco 4 cho biết hiện tại các yếu tố cấu thành chi phí xây dựng trong thời gian qua đều có xu thế tăng, trong đó đáng kể nhất và nổi cộm nhất là vấn đề khan hiếm nguồn vật liệu cát (cát đắp và cát xây dựng), khan hiếm nguồn đá xây dựng.
Đánh giá việc tăng giá vật liệu xây dựng diễn biến khoảng thời gian từ giữa năm 2024, hiện nay tại Gói thầu XL8, chênh lệch giá đấu thầu và giá thực tế của vật liệu cát và đá dăm cấp phối là 150-160%. Mặt khác, nguồn cát, đá tăng giá cũng kéo theo bê tông tươi các loại cũng tăng (khoảng 10% hàng năm) và các loại cấu kiện đúc sẵn phục vụ thi công cũng tăng giá.
“Khối lượng cát cần huy động về công trường của nhà thầu còn lại tại Gói thầu XL8 là 700 000 m3 (trong đó phần của Nhà thầu phụ là 450,000m3 và nhà thầu chính là 250 000m3) sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của các nhà thầu thi công,” đại diện Tập đoàn Cienco 4 cho hay.
Thực tế đang thi công đoạn tuyến Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Chí Thạnh-Vân Phong; Dự án Cầu đường sắt Cẩm Lý,… lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thừa nhận hầu hết các dự án mà đơn vị đang triển khai thi công đều đang chịu tác động bởi tình trạng biến động giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là xu hướng tăng giá mạnh và liên tục.
Cụ thể, giá đất san lấp tại nhiều khu vực đã tăng từ 20-30% so với thời điểm khởi công; giá đá dăm các loại tăng từ 15-30%, trong khi đây là các loại vật liệu có khối lượng cực lớn trong các dự án đường bộ, đặc biệt là tuyến cao tốc, nên tác động rất lớn đến chi phí nền móng công trình.

Nguồn vật liệu cát đắp nền đường vẫn còn thiếu tại một số dự án giao thông trọng điểm (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Giá cát tăng trung bình từ 25-40%, đặc biệt như giá cát tại Dự án Cầu đường sắt Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép-Hạ Long thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, giá cát tăng lên đến hơn 124% (đơn giá theo hợp đồng là 184.000/m3 cát trong khi thực tế là 420.000/m3 cát).
“Giá bỏ thầu của nhà thầu được xây dựng dựa trên cơ sở định mức, đơn giá và giá công bố của địa phương tại thời điểm lập dự toán, đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bảng giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố hiện vẫn chưa phản ánh đầy đủ và sát với diễn biến giá cả thị trường tại thời điểm thi công. Sự chênh lệch này ngày càng lớn, tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa giá thực tế nhà thầu phải mua và giá được chấp thuận trong hợp đồng. Điều này gây khó khăn nghiêm trọng trong công tác lập, quản lý chi phí và thanh quyết toán hợp đồng,” lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Miền Trung than khó.
Nguyên nhân của việc “đội giá” vật liệu xây dựng được các nhà thầu trên chỉ ra là do việc cập nhật giá định kỳ thường không theo kịp biến động nhanh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung biến động và giá nguyên vật liệu liên tục tăng từng ngày, từng tuần; giá công bố chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố hình thành giá thực tế (chi phí vận chuyển, nguồn cung khan hiếm cục bộ, chi phí liên quan đến thủ tục pháp lý…)
Cần đủ cung-cầu, ngăn đầu cơ, găm hàng
Hiện nay, để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình, nhà thầu buộc phải chủ động huy động nguồn tài chính nội bộ của doanh nghiệp để bù đắp toàn bộ phần chênh lệch giá vật liệu. Nhà thầu phải sử dụng nguồn vốn lưu động của mình để mua vật liệu với giá thị trường cao hơn nhiều so với giá được thanh toán theo hợp đồng.
“Chi phí vật liệu tăng trực tiếp làm đội tổng chi phí dự án, vượt quá dự toán ban đầu và ăn mòn lợi nhuận, thậm chí gây thua lỗ, đặc biệt với hợp đồng trọn gói. Việc này đang tạo ra một áp lực tài chính cực lớn, làm cạn kiệt nguồn vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tái đầu tư và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị,” lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng miền Trung giãi bày.
Nếu tình trạng này không sớm được xử lý một cách triệt để và kịp thời, các doanh nghiệp không còn đủ khả năng tài chính để duy trì nhịp độ thi công dẫn đến chậm trễ tiến độ dự án; ảnh hưởng đến uy tín của nhà thầu, chủ đầu tư và niềm tin của người dân vào các dự án hạ tầng quốc gia.
Về lâu dài, nguồn vốn lưu động cạn kiệt sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, không thể tham gia các dự án mới, thậm chí có thể dẫn đến phá sản hàng loạt, gây ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng và nền kinh tế.
Các nhà thầu kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương xem xét cấp mỏ vật liệu cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù giúp chủ động được nguồn cung, ổn định giá thành đầu vào; nâng cao công suất hoạt động, đảm bảo nguồn cung ổn định; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng cung không đủ cầu dẫn đến tăng giá bất hợp lý hoặc tình trạng đầu cơ, găm hàng.

Nguồn vật liệu cát, đá dăm đều tăng giá dẫn đến bê tông tươi thi công cũng "đội" thêm chi phí. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các nhà thầu thi công kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt là phần chênh lệch do biến động giá, đây là giải pháp cấp bách và thiết thực nhất giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, duy trì năng lực thi công.
Ngoài ra, nhà thầu cũng đề xuất thực hiện công tác bù giá theo hướng trực tiếp, công khai, minh bạch, dựa trên các căn cứ thực tế về giá thị trường tại thời điểm thi công, để đảm bảo công bằng cho nhà thầu và phù hợp với thực tế; quy trình thanh toán cần được rút gọn, các hồ sơ điều chỉnh giá cần được thẩm định và phê duyệt nhanh chóng.
Trong bối cảnh biến động giá cả vật liệu đầy thách thức, các nhà thầu đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tối ưu hóa công tác quản lý vật tư và chuỗi cung ứng; đàm phán và ký kết hợp đồng dài hạn; áp dụng công nghệ thi công tiên tiến và tối ưu hóa quy trình; nâng cao năng lực quản lý tài chính và dòng tiền; phối hợp với chủ đầu tư và các bên liên quan tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, cập nhật, điều chỉnh dự toán và hồ sơ thanh toán kịp thời…/.