Nhà thầu giao thông trước nỗi lo biến động giá vật liệu
Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, việc công bố giá của địa phương chưa bám kịp diễn biến của thị trường tạo áp lực lớn lên nhà thầu giao thông trong cân đối nguồn lực, tìm kiếm nguồn cung, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đứng ngồi không yên vì giá vật liệu "nhảy múa"
Nhiều ngày qua, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung chưa hết thấp thỏm khi giá vật liệu xây dựng ở hầu hết các dự án đơn vị đang tham gia thi công như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Chí Thạnh - Vân Phong; Cầu đường sắt Cẩm Lý Km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long… chưa hết biến động, tăng giá.

Nhà thầu thi công nền đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Kiểm đếm từng loại vật liệu, ông Đỗ Văn Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Miền Trung cho biết, ở các dự án nêu trên, giá đất san lấp tại nhiều khu vực tăng từ 20 - 30% so với thời điểm khởi công.
Giá cát tăng trung bình từ 25 - 40%, nổi cộm tại dự án cầu đường sắt Cẩm Lý tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, giá cát tăng đến hơn 124% (đơn giá theo hợp đồng là 184.000 đồng/m3 cát trong khi đơn giá thực tế là 420.000 đồng/m3 cát).
Đá dăm các loại tăng từ 15 - 30% so với thời điểm khởi công.
"Việc tăng giá diễn biến liên tục và khó lường, đặc biệt trong những tháng gần đây, nhu cầu vật liệu cho hàng loạt dự án hạ tầng lớn đồng loạt tăng cao.
Khó ở chỗ, giá bỏ thầu của chúng tôi được xây dựng dựa trên cơ sở định mức, đơn giá và giá công bố của địa phương tại thời điểm lập dự toán, đấu thầu. Thế nhưng, bảng giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố hiện vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát với diễn biến giá cả thị trường.
Sự chênh lệch ngày càng lớn, tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa giá thực tế và giá được chấp thuận trong hợp đồng, gây khó khăn lớn trong công tác lập, quản lý chi phí, thanh quyết toán hợp đồng, tạo áp lực không nhỏ trong công tác huy động nguồn lực tài chính của nhà thầu khi chi phí phải bù lên đến nhiều tỷ đồng", ông Đào Văn Vinh chia sẻ.
Là một trong những nhà thầu lớn góp mặt thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm trên cả nước, ông Nguyễn Đình Nhuận, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết, từ giữa năm 2024 đến nay, các yếu tố cấu thành chi phí xây dựng đều có xu thế tăng.
Đáng kể nhất là vấn đề khan hiếm nguồn vật liệu cát (cát đắp và cát xây dựng) và nguồn đá xây dựng (đá sản xuất bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm cấp phối).
Vật liệu tăng kéo theo bê tông tươi và các loại cấu kiện đúc sẵn cũng tăng giá.
Sự việc này diễn ra khi một loạt dự án trọng điểm được triển khai tại khu vực phía Nam như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, các dự án cao tốc trục dọc và trục ngang khu vực ĐBSCL…
Riêng tại gói thầu XL8 dự án Vành đai 3 TP.HCM, chênh lệch giá đấu thầu và giá thực tế của vật liệu cát, đá dăm cấp phối lên đến 150 - 160%. Theo tính toán, ở gói thầu này, nhà nhà thầu cần huy động thêm khoảng 700.000m3 cát.
"Đặc trưng của việc mua bán vật liệu cát, đá là giao dịch trả tiền trước, lấy vật liệu sau. Việc tăng giá vật liệu sẽ khiến nhà thầu rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực, bứt tốc tiến độ trong giai đoạn cuối của dự án.
Giá vật liệu tăng cao như, nhà cung cấp trung gian sẽ không mặn mà cung ứng vật liệu cho nhà thầu vì giá cao khó cạnh tranh, chào hàng giá thấp tỷ suất lợi nhuận lại thấp", lãnh đạo Cienco4 chia sẻ.
Phản ánh đến PV, một số nhà thầu thi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cũng bày tỏ sự lo lắng khi từ tháng 7/2024 - 6/2025, có mỏ cung cấp vật liệu cho dự án đã tăng giá 3 lần từ 300.000 đồng/m3 lên 455.000 đồng/m3 (tăng 52%) - giá chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển.
Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn công bố giá của mỏ này chỉ là 280.000 đồng, chênh lệch tới 175.000 đồng/m3.

Các nhà thầu đang tìm mọi giải pháp cân đối nguồn lực huy động vật liệu thi công, bảo đảm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm (Ảnh minh họa: Chí Hùng).
Kiểm soát chặt giá tại mỏ, xem xét bù giá trực tiếp
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 Nguyễn Đình Nhuận, thời gian qua, các nguồn cát cấp theo quota (hạn mức) cho dự án gần như không đáp ứng được về tiến độ, cần phải qua lọc rửa để bảo đảm chất lượng, nhà thầu khá khó khăn trong huy động đội sà lan, bến bãi rửa, ảnh hưởng đến việc đẩy tiến độ.
Ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM vào đầu tháng 4/2025, nhà thầu đã tiến hành nhập khẩu 100% cát Campuchia về công trường.
Đây có thể nói là một quyết định dứt khoát và nhất quán để đẩy nhanh tiến độ, nhất là khi chất lượng và pháp lý của vật liệu cát đều đảm bảo, tạo sự yên tâm cho tư vấn giám sát và chủ đầu tư trong quản lý chất lượng, nghiệm thu thanh toán.
Đối với nguồn đá dăm cấp phối, từ đầu tháng 6/2025, Tập đoàn Cienco4 đã chủ động tập kế về công trường sẵn (dùng thay thế vật liệu gia tải), đáp ứng kế hoạch đến tháng 9/2025, vật liệu sẽ được tập kết đủ, sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc về đích.
"Về phía chủ đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ các nhà thầu, bên cạnh việc xây dựng chủ trương đề xuất điều chỉnh giá lên cấp thẩm quyền, nhiều hạng mục công việc như: Điều chỉnh hợp đồng thanh toán tạm ứng cho đá dăm cấp phối tập kết về hiện trường, thanh toán tạm cho các khối lượng cát bù lún, giảm tỷ lệ thu hồi tạm ứng… đã được triển khai", Phó Tổng giám đốc Cienco4 thông tin.
Đề xuất giải pháp hóa giải thách thức đang gặp phải, lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho rằng, việc vật liệu biến động quá lớn trong thời gian qua có thể xem là một sự việc bất khả kháng.
Nhà thầu nhiều lần đề nghị chủ đầu tư xem xét xin lên cấp thẩm quyền cho phép tính toán lại chỉ số giá thực tế đối với vật liệu cát và vật liệu đá, không áp dụng chỉ số cung cấp từ Sở Xây dựng như điều kiện hợp đồng gốc. Lý do bởi theo tính toán, chỉ số giá cung cấp bởi Sở Xây dựng chưa phản ánh đúng với điều kiện thị trường thực tế.
Về phía Tập đoàn Miền Trung, theo Phó Tổng giám đốc Đào Văn Vinh, đáp ứng khối lượng vật liệu thi công trong bối cảnh giá vật liệu "nhảy múa", đơn vị đã chủ động đa dạng nguồn cung, tránh sự phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp; Tích cực đàm phán với các nhà cung cấp để ký kết các hợp đồng dài hạn, có điều khoản điều chỉnh giá linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro; Dự trữ vật liệu chiến lược tại công trường hoặc các kho bãi lân cận, bảo đảm sự sẵn sàng trong triển khai các hạng mục.
Một số giải pháp khác cũng được tính toán như: Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thi công hiện đại, các giải pháp kỹ thuật tối ưu để giảm thiểu định mức sử dụng vật liệu; Cân đối dòng tiền một cách linh hoạt, tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung (như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu) để đảm bảo khả năng bù đắp chi phí phát sinh do biến động giá vật liệu.
Với sự nỗ lực tự thân, doanh nghiệp đồng thời đề xuất các cấp có thẩm quyền hàng loạt giải pháp gỡ khó trước sự biến động của giá cả vật liệu.
Cụ thể, Tập đoàn Miền Trung kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các nhà thầu được khai thác đất, đá, cát tại các mỏ có sẵn hoặc các mỏ đã được quy hoạch nhưng chưa khai thác, theo hình thức tạm thời hoặc hợp tác.
Cơ chế này giúp nhà thầu chủ động được nguồn cung, ổn định giá thành đầu vào, giảm thiểu tác động từ biến động giá vật liệu trên thị trường.
Các cấp có thẩm quyền cũng cần chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị khai thác vật liệu tại địa phương nâng cao công suất hoạt động, đảm bảo nguồn cung ổn định, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng cung không đủ cầu dẫn đến tăng giá bất hợp lý hoặc tình trạng đầu cơ, găm hàng; Cập nhật và công bố giá vật liệu hàng tháng kịp thời, sát với thực tế thị trường.
Về phía chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất đẩy nhanh tiến độ thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt là phần chênh lệch do biến động giá.
"Chúng tôi đề xuất thực hiện công tác bù giá theo hướng trực tiếp, công khai, minh bạch, dựa trên các căn cứ thực tế về giá thị trường tại thời điểm thi công nhằm đảm bảo công bằng cho nhà thầu và phù hợp với thực tế", lãnh đạo Tập đoàn Miền Trung nói.
Trước diễn biến phức tạp và bất lợi về giá cả vật liệu xây dựng, nhiều nhà thầu và chuyên gia cho rằng, các cấp có thẩm quyền cũng cần xem xét một số giải pháp như: Gia hạn và bổ sung thêm danh mục các dự án được hưởng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ đã từng được áp dụng hiệu quả; Các địa phương đẩy nhanh tiến độ đưa các mỏ đã cấp phép vào khai thác, hoàn tất thủ tục đấu giá với các mỏ đủ điều kiện để bổ sung nguồn cung kịp thời; Siết chặt kiểm soát giá tại mỏ và chi phí vận chuyển; Kiểm tra định kỳ, ngăn chặn tình trạng liên kết ép giá, thao túng thị trường…
Trước đó, thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng ngày 7/7, đại diện Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng chỉ rõ, giá một số loại vật liệu xây dựng như: Cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san lấp, đắp nền đường... tăng cao bất thường là một trong những thách thức gây áp lực lớn lên chi phí xây dựng và tiến độ thi công các công trình trong nửa đầu năm 2025.
Nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý chuyên ngành, tham mưu Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng gửi tới các bộ, ngành và địa phương.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung công điện.