Đội 'hùng binh' bám biển

Ở những địa phương ven biển của tỉnh, hiện nay có hơn 300 chiếc tàu thường xuyên ra khơi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, DK1. Mỗi chuyến biển thường kéo dài gần một tháng và các chủ tàu phải tuyển chọn những thuyền trưởng, thuyền viên trai tráng, dạn dày sóng gió, lập thành đội "hùng binh" bám biển…

Chiêu mộ đội quân ra khơi

Cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) những ngày tháng Tư nhộn nhịp tàu của ngư dân từ các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, DK1 về cập cảng. Trong không khí hối hả tàu ra vào, ông Võ Văn Chất (phường Vĩnh Phước, Nha Trang), chủ tàu cá KH 99568 TS dài 18m, công suất hơn 400CV đang tất bật chuẩn bị cho việc chiêu mộ thuyền trưởng, thuyền viên cho chuyến đánh bắt mới.

Những đội tàu ở cảng Hòn Rớ thường xuyên vươn khơi, bám biển.

Những đội tàu ở cảng Hòn Rớ thường xuyên vươn khơi, bám biển.

Tàu của ông Chất chuyên nghề lưới rê đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, DK1. Ông Chất tuyển 1 thuyền trưởng và 12 thuyền viên. “Việc chiêu mộ thuyền trưởng, thuyền viên được xem là công việc quan trọng nhất, quyết định thành bại của chuyến biển. Thuyền trưởng được tuyển chọn phải là người dạn dày sóng gió, có kinh nghiệm điều khiển tàu nhiều năm, xử trí được mọi tình huống trên biển. Thuyền viên phải là những người có sức vóc, trai tráng, bởi công việc đánh bắt xuyên ngày đêm, lênh đênh trên biển cực kỳ vất vả”, ông Chất giãi bày.

Thuyền trưởng Nguyễn Hoa kiểm tra các thiết bị trước khi tàu ra khơi.

Thuyền trưởng Nguyễn Hoa kiểm tra các thiết bị trước khi tàu ra khơi.

Các thuyền trưởng, thuyền viên được tuyển chọn không chỉ ở các địa phương trong tỉnh mà còn được chủ tàu chiêu mộ từ các tỉnh ven biển như Phú Yên, Ninh Thuận. Anh Trần Ngọc Huyền sinh ra ở ngôi làng ven biển phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa). Từ nhỏ, anh đã theo các ngư dân ra khơi đánh bắt. Hôm gặp chúng tôi, anh Huyền đang mang chiếc ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc để chuẩn bị đầu quân cho con tàu lưới rê ra đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Anh Huyền làm thuyền viên cho các tàu đến nay đã hơn 12 năm, không nhớ hết đã từng đi bao nhiêu chuyến tàu. Công việc của anh trên tàu là kéo lưới, thu lưới, vận chuyển cá xuống hầm… Ra vùng biển Trường Sa, DK1 lênh đênh cả tháng trời đánh bắt tuy vất vả nhưng đổi lại thu nhập sau mỗi chuyến biển tương đối cao hơn công việc lao động chân tay khác, nên các thuyền viên như anh có thêm động lực ra khơi bám biển. Sau mỗi chuyến biển, thuyền viên thường nghỉ 10 ngày để hồi phục sức khỏe trước khi bắt đầu chuyến biển mới.

Chinh phục biển cả

Mỗi chuyến biển, trên tàu lưới rê cần khoảng 12 thành viên, tàu câu mực cần 5 thành viên. Sau khi chủ tàu chiêu mộ thành công các thuyền trưởng, thuyền viên và hoàn thành công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm, dầu, đá…, những con tàu lại bắt đầu hành trình tiến ra Biển Đông. Sau khoảng 2 ngày đêm từ thời điểm bắt đầu nhổ neo ở cảng Hòn Rớ, tàu sẽ tới khu vực đánh bắt ở Trường Sa, DK1.

Những con tàu tỉnh Khánh Hòa vươn khơi. (Ảnh: Ngư dân cung cấp)

Những con tàu tỉnh Khánh Hòa vươn khơi. (Ảnh: Ngư dân cung cấp)

Hai ông Lê Văn Đồng và Lê Tâm là anh em ruột ở Nha Trang, có gần 40 năm bám biển, được xem là những ngư dân lão làng dạn dày kinh nghiệm đánh bắt. Từ những thuyền viên, hiện nay, 2 ông là chủ của 2 con tàu KH 96390 TS và KH 96176 TS đánh bắt thường xuyên ở các vùng biển Trường Sa. “Giữa biển cả bao la như thế, làm sao ngư dân biết được vùng biển nào có nhiều cá để bủa lưới ?” - tôi thắc mắc. Đáp lại câu hỏi của tôi, ông Lê Tâm giãi bày: “Qua nhiều năm kinh nghiệm, ngư dân thường ghi lại nhật ký đánh bắt, những tháng nào, vùng biển nào có cá nhiều, từ đó vạch ra lộ trình đánh bắt. Chúng tôi cũng nhìn vào màu nước biển (như nước có màu bạc bạc thì có cá) để đoán biết được chính xác đến 70% vùng biển đó có nhiều cá hay không”.

Đối với nghề đánh bắt xa bờ, tàu lưới rê được xem là loại hình đánh bắt vất vả nhất, khi giàn lưới nặng đến gần 20 tấn, dài khoảng 12 - 13km. Do đó, “thế trận” bủa lưới được giăng ra để đánh bắt cá ở biển khơi cũng mất nhiều thời gian, công sức. Sở dĩ mỗi chuyến biển thường bắt đầu vào trước hoặc sau ngày rằm bởi nghề lưới rê buộc phải thực hiện việc bủa lưới trong đêm tối, còn khi có ánh trăng, hay ánh sáng đèn thì sẽ không dẫn dụ được cá (chỉ bật đèn lên khi thu lưới).

Thuyền trưởng Nguyễn Hoa (quê Quảng Ngãi, hiện nay sinh sống ở Khánh Hòa), người có 35 năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển chia sẻ, các thuyền viên sẽ bủa lưới vào lúc 17 giờ 30, xong việc thì chuẩn bị sẵn đá xay để ướp cá… Lưới được kéo xuyên đêm đến 7 giờ sáng. Có những thời điểm sóng lớn, lưới rách, lạc lưới, tàu phải dừng đánh bắt 2 - 3 ngày mới có thể tiếp tục. Còn để câu được cá ngừ, trước tiên phải chong điện sáng câu mực, sau đó dùng con mực còn sống để câu cá ngừ. Trong quá trình đánh bắt, các thành viên trên tàu sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu thời tiết thất thường. “Có thời điểm tôi đang bốc cá vào hầm thì sóng đánh văng cả người. Việc ăn uống trên tàu cũng thất thường, có khi 1 tay ăn cơm, 1 tay phải vịn vào thành tàu vì sóng lớn”, thuyền viên Trần Ngọc Huyền kể.

Đối với ngư dân đánh bắt trên biển, điều đáng sợ và nguy hiểm nhất là những cơn bão biển. Mặt biển đang êm đềm bỗng nhiên mưa bão kéo đến. Những cột sóng cao vút nối nhau đổ dồn đến, như bàn tay khổng lồ vồ lấy con tàu nhỏ bé. Trên tàu có hơn chục người, có người độ tuổi trung niên, người trai tráng, có người đi biển lần đầu đều ra sức lèo lái để chống chọi lại từng cơn sóng dữ. "Lúc đó, thuyền trưởng phải điều chỉnh hướng tàu, có lúc phải bung dù phía trước để cản sóng gió, từ từ đưa con tàu ra khỏi luồng gió đến vùng an toàn. Như cơn bão số 5 năm 1997, tàu chúng tôi phải chạy hết tốc lực để vào nơi tránh trú bão. Nhưng khi cơn bão đi qua, tàu cũng bị bão quăng quật, gây ra hỏng hóc”, thuyền trưởng Nguyễn Hoa kể lại.

Những cột mốc chủ quyền giữa Biển Đông

Còn nhớ, những ngày đầu năm 2025, tôi có mặt trên chuyến tàu HQ 571 ra Trường Sa vào mùa biển động. Đứng trên con tàu giữa biển khơi bao la với những đợt sóng dội vào không ngớt, chúng tôi bắt gặp những chiếc tàu cá vươn khơi bám biển ở vùng biển Trường Sa với lá cờ Tổ quốc tung bay giữa Biển Đông. Rồi khi tới Trường Sa, nơi có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho tàu thuyền, tôi gặp ngư dân Nguyễn Quang Long - một chủ tàu tỉnh Khánh Hòa đang được cấp nhiên liệu tại đảo Song Tử Tây. Ông Long cho biết, giữa biển cả mênh mông, khi thấy các âu tàu ở Trường Sa là ngư dân cảm thấy an tâm. Khi vào âu tàu, chúng tôi sẽ được cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm, sửa chữa máy móc... miễn phí. Các bệnh xá, trạm y tế ở Trường Sa được đầu tư, có thể hội chẩn trực tuyến với đất liền để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Những ca cấp cứu, phẫu thuật được xử trí kịp thời để đưa các ngư dân về bờ an toàn theo các chuyến tàu hoặc máy bay trực thăng.

Ngư dân vận chuyển các mẻ cá sau chuyến đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, DK1.

Ngư dân vận chuyển các mẻ cá sau chuyến đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, DK1.

Để hỗ trợ nhau trên biển trong những trường hợp tai nạn, tàu của ngư dân thường liên kết với nhau thành những tổ đội đánh bắt, liên lạc với nhau qua bộ đàm, xác định vị trí tàu bằng vệ tinh… Như ông Cao Văn Thơ (phường Vĩnh Trường, Nha Trang) còn lập đội tàu để tham gia cứu hộ tàu cá gặp nạn ngoài khơi, lập “Tổ tự nguyện” kêu gọi quyên góp tiền cho hàng chục chủ tàu gặp nạn.

Ngư dân đánh bắt trong đêm. (Ảnh: Ngư dân cung cấp)

Ngư dân đánh bắt trong đêm. (Ảnh: Ngư dân cung cấp)

Vượt qua muôn vàn sóng gió biển khơi, thành quả mang về của những đội tàu bám biển là những mẻ cá nặng đầy khoang. Cùng với đó, những năm qua, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, quân đội bằng những chủ trương, chính sách, hành động thiết thực để đồng hành với ngư dân; sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trên biển của các ngư dân… là niềm tin, động lực cho những đội tàu được xem như những đội "hùng binh" mạnh mẽ tiếp nối ra khơi, để mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền trên biển của Tổ quốc!

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202504/doi-hung-binh-bam-bien-6072260/