Đội K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang): Vượt mọi khó khăn, kiếm tìm đồng đội

Đội K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang) thành lập cuối năm 2000, có nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia và trong nước.

Gần 23 năm thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đội K93 luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; chủ động khai thác, kết nối, xử lý các nguồn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Khó khăn không lùi bước

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, Đội K93 lại bước vào giai đoạn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, trang bị để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn hai tỉnh của nước bạn Campuchia. Thời gian tiến hành công việc của Đội được chia làm hai đợt vào mùa khô trong năm: Đợt 1 từ tháng 11 năm trước đến trước Tết Nguyên đán; đợt 2 từ tháng 3 đến tháng 7 năm sau sẽ đưa HCLS về nước để tổ chức an táng. Trong không gian tĩnh lặng tại điểm đóng quân, Đại tá Nguyễn Quốc Thông, Đội trưởng và Thượng tá Nguyễn Văn Xuyên, Phó đội trưởng cùng các anh em nét mặt đăm chiêu khi kiểm tra, ghép nối lại những thông tin về khu vực có HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên đất bạn Campuchia.

Tạm dừng công việc khi những thông tin, manh mối còn nhiều nghi vấn, anh Thông chia sẻ: "Việc tìm kiếm, cất bốc HCLS của ta ở Campuchia ngày càng khó khăn hơn vì những địa điểm thuận lợi, dễ đào tìm thì anh em đều đã tìm đi tìm lại nhiều lần, nay còn lại những nơi hẻo lánh, khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên rất vất vả. Thông tin mà đội nhận được từ cựu chiến binh, gia đình, đồng đội của các liệt sĩ ít dần đi. Những người biết khu vực có mộ chí không còn nhiều và đều đã lớn tuổi, trí nhớ giảm sút. Nguồn thông tin chủ yếu qua trung gian nên độ chính xác không cao".

 Đội K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang) tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Ảnh: TRUNG HIẾU

Đội K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang) tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Ảnh: TRUNG HIẾU

Khó khăn lớn nhất là địa hình, địa vật ở Campuchia đã thay đổi rất nhiều và tác động rất lớn đến kết quả tìm kiếm. Khu vực trước đây là rừng núi hoang vu thì nay đã thành khu dân cư, xây dựng nhà máy, đường sá, nhà ở... nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Đại tá Nguyễn Quốc Thông lấy ví dụ, thông tin tại khu vực A có một hài cốt và lấy một vật làm chuẩn, nhưng khi đội tiến hành đào tìm, có khi diện tích đào tìm có bán kính rộng hàng trăm mét cũng không thấy. Hay như người dân Campuchia cung cấp thông tin tại khu vực B trong rừng, cách gò mối khoảng 10m có hài cốt, anh em lên tới địa hình thì xung quanh có đến 20 gò mối nên không biết lấy đâu là vật chuẩn. Người dân địa phương cung cấp nhiều thông tin, nhưng mỗi thông tin một khác nhau nên anh em phải kiên trì đào tìm, nếu không thấy thì đánh dấu lại để năm sau tiếp tục.

Theo anh Thông, để công tác tìm kiếm, cất bốc HCLS thuận lợi thì việc nắm, xử lý thông tin rất quan trọng. Nguồn tin báo về HCLS chủ yếu thông qua sơ đồ của đơn vị cũ cung cấp, thời điểm chiến đấu, vị trí, tọa độ chôn cất. Ngoài ra, thông tin từ những cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu, chôn cất đồng đội và cùng anh em trong đội trở lại tìm kiếm thì mới bảo đảm độ chính xác. Bên cạnh đó, anh em còn tranh thủ các nguồn tin từ phía người dân Campuchia cung cấp về khu vực có HCLS. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài cán bộ phiên dịch thì mọi người tự học tiếng Campuchia để giao tiếp cơ bản với người dân bản địa, nhờ đó mà biết được nhiều thông tin về HCLS. Có những lúc, sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, trên đường cơ động về nơi đóng quân thì được người dân cung cấp thông tin, anh em xác định nguồn tin có độ chính xác cao và quyết định quay lại tiếp tục tìm kiếm.

Các cán bộ, nhân viên Đội K93 chia sẻ kinh nghiệm, những cụm HCLS chôn cạnh nhau sẽ dễ tìm kiếm, cất bốc, nhưng khu vực được cung cấp thông tin chỉ có một HCLS thì gặp rất nhiều khó khăn. Mấy chục năm sau chiến tranh, địa hình vẫn còn đó nhưng vật chuẩn không còn và địa vật thay đổi nhiều. Những khu vực đơn vị quân y điều trị thương binh, khi bộ đội hy sinh đều được chôn cất theo hàng lối, được đánh dấu vị trí nên dễ tìm kiếm, cất bốc, nhưng tại những khu vực bộ đội hành quân chiến đấu ở xa, khi rút về hậu cứ không thể mang theo tử sĩ nên phải đào chôn tại chỗ. Khu vực đất đá, đất cứng thì anh em chỉ cần đào qua hai lớp đất là thấy HCLS. Tuy vậy, trong thời gian dài, có chỗ do mưa lũ làm trôi đất đá, có nơi đất lại bồi cao nên phải đào sâu hơn. Có nơi trước đây khi chôn cất thì đất còn trũng thấp, sau này người dân sinh sống, cải tạo trồng cây bồi đắp lên cao, do đó phải xác định thông tin chính xác trước đây và địa hình hiện nay.

Trò chuyện với cán bộ, nhân viên Đội K93, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tìm kiếm, cất bốc HCLS trên đất bạn Campuchia. Thượng tá Nguyễn Văn Xuyên kể: “Giữa năm 2022, đội thực hiện tìm kiếm HCLS tại nước bạn, cách biên giới nước ta gần 100km. Nhận được thông tin của các cựu chiến binh TP Châu Đốc (An Giang) cung cấp về vị trí có HCLS, cách khu vực đóng quân khoảng 60km, đội nhanh chóng tổ chức lực lượng, hành quân dã ngoại về khu vực được thông tin có HCLS và đóng quân cách đó khoảng 10km. Sau khi báo với chính quyền địa phương, được sự giúp đỡ của lực lượng chuyên trách nước bạn và nhân dân địa phương, anh em tiếp tục cơ động bằng tắc ráng, vỏ lãi, xuồng-phương tiện di chuyển trên sông, suối của người dân Campuchia để đến được khu vực có HCLS”.

“Khó khăn trong quá trình hành quân mới chỉ là bước đầu, khi đến khu vực đào tìm, nhân dân địa phương trồng lúa đang vào giai đoạn trổ bông, sử dụng máy móc sẽ gây thiệt hại lớn cho bà con. Thật may mắn, người dân địa phương rất tạo điều kiện cho anh em trong đội, sẵn sàng chịu thiệt hại, không sợ ảnh hưởng về hoa màu, đất sản xuất. Tiếc rằng, sau hơn 10 ngày đào tìm trong khoảng diện tích hơn 1ha đất lúa của 4 hộ gia đình nhưng vẫn chưa thấy HCLS. Do lo ngại gây thiệt hại nhiều lúa, hoa màu của người dân nên anh em quyết định dừng lại, chờ nhân dân thu hoạch xong sẽ tiếp tục đào tìm...”, Đại tá Nguyễn Quốc Thông tiếp lời.

Không được phép bỏ sót hài cốt liệt sĩ

Điều kiện thời tiết ở Campuchia hầu như không thuận lợi, có khi nắng nóng gay gắt kéo dài, có khi lại mưa dầm dề nhiều ngày nên anh em rất vất vả. Điểm đóng quân không thể gần khu dân cư nên họ thường phải vào sâu trong rừng núi, cạnh bìa rừng, sông, suối để xây dựng lán trại, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn. Trong quá trình khảo sát, nếu có thông tin về HCLS thì đội lại chia thành từng nhóm nhỏ, mang theo phương tiện đào tìm chứ không ở cố định một chỗ. Mặc dù vậy, độ chính xác của thông tin không cao nên có nơi, anh em đào tìm một, hai tháng cũng chưa thấy hài cốt. Ngay như năm 2022 vừa qua, phải đến ngày thứ 82 thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, cán bộ, nhân viên Đội K93 mới đào tìm được HCLS đầu tiên...

Thực hiện nhiệm vụ ở địa hình rừng núi khó khăn, vất vả là thế nhưng khi xuống vùng đồng bằng, cán bộ, nhân viên trong đội cũng vất vả không kém. Có lúc, giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông, nắng-mưa không có chỗ trú, việc ăn cơm chan nước mưa là chuyện bình thường đối với các thành viên trong đội. Có thời điểm, từ vị trí đóng quân, các thành viên phải hành quân bộ hàng chục cây số băng rừng, lội suối mới đến vị trí đào tìm. Sau khi ăn sáng tại điểm đóng quân, họ mang theo cơm hộp để ăn trưa và mang vác vật chất, phương tiện đào tìm trung bình 15-20kg mỗi người. Mùa khô ở Campuchia nắng nóng gay gắt nên các thành viên phải tranh thủ đào tìm lúc thời tiết còn mát mẻ, ăn trưa và nghỉ ngơi tại chỗ.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng cán bộ, nhân viên Đội K93 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Hằng năm, Đảng ủy đơn vị ra nghị quyết lãnh đạo và quán triệt cho cán bộ, nhân viên nêu cao trách nhiệm. Quan trọng nhất là anh em luôn xác định rõ đây là nhiệm vụ thiêng liêng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và thấu hiểu niềm mong mỏi của các thân nhân, gia đình được đón liệt sĩ trở về. Trên tinh thần đó, các cán bộ, nhân viên xác định rõ tinh thần trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi đã có thông tin về phần mộ liệt sĩ thì dù khó khăn, gian khổ đến đâu, dù phải tìm đi tìm lại nhiều lần cũng không được phép bỏ sót HCLS. Đây là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người.

Hầu hết cán bộ, nhân viên Đội K93 gắn bó với đơn vị trong thời gian dài nên đều đã dạn dày kinh nghiệm. Chúng tôi gặp Đại úy QNCN Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng Công binh đã gắn bó với đội từ ngày thành lập đến nay. Nhiệm vụ chính của anh là bảo đảm an toàn cho đồng đội trước khi làm nhiệm vụ. Anh Dũng cho biết, mỗi bước đi của đồng đội, mỗi điểm đào tìm phải rà từng lớp đất để bảo đảm an toàn nhất...

Theo Đại úy QNCN Nguyễn Văn Dũng, việc tìm kiếm, cất bốc HCLS là nhiệm vụ rất thiêng liêng, đòi hỏi mỗi người phải luôn tận tâm, tận lực. Kỷ niệm mà anh nhớ mãi là khi tìm một HCLS suốt từ năm 2001 đến 2014. Từ thông tin và địa điểm gia đình liệt sĩ ở xã Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) cung cấp, tổ tìm kiếm của anh Dũng năm nào cũng đến đào tìm và đã mở rộng khu vực tìm kiếm ra mấy trăm mét. Năm 2014, khi đào tìm đến khu vực có đá lẫn đất mềm, sau khi dùng leng thọc xuống để dò tìm, kinh nghiệm và linh tính mách bảo anh cùng các đồng đội khiêng từng cục đá ra thì phát hiện phía dưới là hào công sự và có một HCLS. Khi đưa HCLS lên, các thành viên nhanh chóng gọi điện thoại về cho gia đình thông báo, mô tả đặc điểm các di vật và được gia đình xác nhận đúng. “Nếu không có kinh nghiệm mà bỏ qua khu vực này thì lần sau sẽ không đào lại nữa và mãi mãi không thể đưa HCLS trở về”, anh Dũng bộc bạch.

Trò chuyện cùng Đại úy QNCN Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi thực sự xúc động khi được biết, vợ cùng hai con gái của anh hiện vẫn đang sinh sống, làm việc và học tập ở quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh. Phần lớn thời gian trong năm, Đội K93 thực hiện nhiệm vụ tại Campuchia nên mỗi năm anh Dũng và nhiều đồng đội khác chỉ có thể về thăm nhà được một lần. Ngày vợ sinh hai con, anh đều vắng nhà, khi các con được 4-5 tháng tuổi, anh mới biết mặt con... Song, anh bảo rằng: “Các bác, các chú đã không tiếc tuổi xuân, hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập dân tộc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, sau mấy chục năm còn nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, chưa được trở về quê hương thì mình hy sinh chút hạnh phúc riêng tư đâu có đáng gì. Sự xa cách của mình có là gì so với sự chờ đợi, nỗi niềm trông mong của gia đình, thân nhân các liệt sĩ...”.

Gần 23 năm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng trên đất nước chùa tháp, liên tục trong thời gian dài, những khó khăn, vất vả của Đội K93 là không thể kể hết. Đơn vị đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia khảo sát, tìm kiếm HCLS trên nhiều địa bàn, địa hình khác nhau. Bộ đội vượt rừng sâu, núi cao, băng rừng, lội suối chịu đựng nhiều gian khổ. Sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, điều kiện sinh hoạt đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ và sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, Đội K93 đã tìm kiếm, quy tập hơn 3.000 HCLS, trong đó có gần 2.000 HCLS được tìm kiếm, cất bốc tại Campuchia.

Trong những câu chuyện của các cán bộ, nhân viên Đội K93, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, các anh vẫn luôn day dứt, canh cánh trong lòng vì còn nhiều thông tin chưa thể xác minh, xử lý; còn nhiều HCLS chưa thể tìm kiếm, cất bốc và hồi hương. Nhưng đây cũng là động lực thôi thúc mỗi cán bộ, nhân viên Đội K93 quyết tâm hơn để sớm đưa các liệt sĩ trở về.

MINH MẠNH - QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/doi-k93-bo-chqs-tinh-an-giang-vuot-moi-kho-khan-kiem-tim-dong-doi-721664