Đối mặt với 'cú sốc' con thi trượt
Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ con cái trong hành trình học tập và phát triển. Tuy nhiên, mong muốn thấy con thành công đã khiến nhiều cha mẹ có xu hướng áp đặt những kỳ vọng quá cao lên con cái của mình. Đặc biệt, khi con thi rớt đại học, áp lực này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của con.
Gánh nặng vô hình
Đến nay, dù đã 2 năm trôi qua, nhưng Nguyễn Thị V.A., quê Quảng Nam, hiện là sinh viên một trường đại học công lập tại TP HCM vẫn không thể quên kí ức lần trượt đại học trước đây của mình. Chăm chỉ học tập, học lực khá, nhưng do sơ suất khi làm bài thi, V.A. trượt đại học trước sự ngỡ ngàng của gia đình và mọi người.
V.A. kể, ban đầu, cảm giác ùa tới là sự xấu hổ với cha mẹ, với bạn bè, rồi cảm giác buồn tủi khi bạn bè lần lượt nhập học. Nhưng theo V.A., điều đáng sợ nhất là đối diện với ánh mắt thất vọng và những lời nói “như cứa vào tim” của cha mẹ. Khi V.A. trượt đại học, cha mẹ tuy không mắng mỏ nhưng lại nói với em những lời gây tổn thương, như bảo cô bé phải “đóng cửa ở nhà suy nghĩ xem vì sao bạn bè thi đậu mà mình thi rớt”...
“Thời gian ấy, em khóc rất nhiều, không muốn tiếp xúc với ai, không muốn nhìn thấy ai. Em cũng không biết làm sao mình có thể vượt qua được thời gian khủng khiếp ấy, nhưng em thấy may mắn vì mình không nghĩ quẩn, mọi thứ cũng qua, em đã thi lại và đậu vào ngôi trường em mong muốn. Em nghĩ rằng thi trượt đã là một cú sốc rất lớn, mong các bậc cha mẹ hiểu hơn và thông cảm hơn, đừng gây tổn thương thêm cho con cái mà hãy động viên, an ủi con mình vượt qua”, V.A. bày tỏ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã có kết quả. Không ít học sinh đối diện với “cú sốc” lớn đầu đời khi điểm thi thấp, khả năng không đủ tiêu chuẩn để trúng tuyển đại học. Nỗi lo sợ “trượt đại học” đang đặt gánh nặng vô hình lên nhiều học sinh, bởi với các em, cánh cửa đại học không chỉ mở ra con đường dẫn đến tương lai các em mong muốn mà còn là kì vọng của cha mẹ.
Cùng con vượt qua
Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng chịu áp lực trước ngưỡng cửa vào đời của con. Không ít người có xu hướng đặt áp lực này lên vai con trẻ, đồng thời có thái độ tiêu cực khi kết quả thi cử của con không như ý.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, cần biết rằng khi con thi trượt, người chịu cú sốc nặng nề về tâm lý chính là con trẻ. Lúc này, con khó lòng có thể chịu đựng những lời mắng nhiếc, trách móc mà rất cần sự thấu hiểu và hỗ trợ từ phía cha mẹ. Dẫu biết là khó khăn, nhưng cha mẹ là những người trưởng thành, cần hình thành cho mình tâm lý vững vàng, trở thành chỗ dựa vào lúc con đang cần mình nhất.
Chuyên gia Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh: “Con thi trượt chỉ là một “cú vấp” nhất thời trong cuộc đời con, cả tương lai của con còn ở phía trước, chính cha mẹ cần hiểu rõ điều này và truyền đạt tinh thần lạc quan ấy cho con. Ở thời điểm con đang gặp cú sốc tinh thần, đối diện với sự mặc cảm, cha mẹ nên tạo môi trường thoải mái cho con, cho phép con thể hiện cảm xúc và chia sẻ suy nghĩ của mình. Sau khi xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, quan trọng là cả nhà hãy cùng nhau “hướng về tương lai” bằng việc cùng con tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết quả thi không tốt để tìm cách khắc phục, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ con trong việc tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp, tham gia các khóa học bổ trợ, hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của giáo viên hoặc chuyên gia tâm lý.
Cần hiểu rằng, con người nói chung không phải lúc nào cũng thành công từ lần đầu tiên. Đừng áp đặt quá nhiều kỳ vọng lên con, hãy động viên con học hỏi từ những sai lầm và thất bại cũng như đặt niềm tin ở con trong tương lai”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doi-mat-voi-cu-soc-con-thi-truot-post482731.html