Đổi mới cách hỗ trợ để thay đổi tập quán sản xuất của người dân
Thời gian gần đây, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã tranh thủ được nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo giống vật nuôi, cây trồng và tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Với sự đổi mới trong cách làm, một số mô hình hỗ trợ đã góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác của người dân địa phương.

Mô hình chăn nuôi dê đang phát triển ở xã Thuận -Ảnh: T.B
Tháng 10/2023, xã Thuận triển khai dự án “Chăn nuôi dê sinh sản” cho nhóm sản xuất gồm 19 hộ gia đình ở thôn Thuận 2, Thuận 5 và Úp Ly II. Dự án thuộc vốn hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo bền vững với kinh phí đầu tư 401 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 365 triệu đồng, hộ dân đối ứng 36 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này 18 hộ dân (14 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo) được hỗ trợ 90 con dê giống, còn 1 hộ có kinh nghiệm sản xuất không nhận con giống mà tham gia dự án nhằm hỗ trợ các thành viên khác thực hiện mô hình. Đây là điểm mới mà các dự án hỗ trợ sinh kế trước đây không có.
Người tham gia nhóm sản xuất mà không nhận con giống hỗ trợ là anh Hồ A Chức (sinh năm 1992) ở thôn Thuận 5. Anh Chức là cán bộ bán chuyên quân sự của địa phương. Ngoài công việc ở xã, anh là tấm gương sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình nhờ biết cách đầu tư trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế.
Vì vậy, anh được người dân trong vùng tin tưởng. Theo cán bộ phụ trách công tác khuyến nông xã Thuận, 18 hộ dân khi tham gia dự án được hỗ trợ con giống và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi thông qua việc xây dựng chuồng trại, chủ động tìm kiếm nguồn thức ăn cho dê... đảm bảo theo yêu cầu.
Dự án quy định sau khi nhận dê giống, hộ dân phải chăn dắt hoặc bán chăn dắt, không thả rong ngoài rừng cả ngày lẫn đêm; không được bán, cho hoặc trao đổi con giống đã nhận dưới bất cứ hình thức nào. Dê đau ốm hoặc có hiện tượng khác thường (như bỏ ăn, ốm yếu, nước mắt chảy, đi lại khó khăn, khó thở...) hoặc chết phải báo ngay với tổ trưởng, cán bộ thú y, nông nghiệp, giảm nghèo xã.
“Để người dân hiểu được điều này, cần có người có kinh nghiệm, có kiến thức và thường xuyên gần gũi với họ để giải thích cặn kẽ, chi tiết cho từng hộ dân khi tham gia dự án. Cùng với cán bộ phụ trách dự án, anh Chức là người làm rất tốt công việc này vì có kinh nghiệm sản xuất thực tế của bản thân, có uy tín tại địa phương nên nói người dân dễ hiểu”, ông Lê Văn Mịch, cán bộ khuyến nông xã Thuận thông tin.
Dự kiến sau 3 năm thực hiện mô hình, các hộ tham gia dự án sẽ quay vòng vốn bằng cách đóng góp bằng tiền mặt với mức bằng 10% kinh phí ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cho họ. Nguồn vốn này dùng để mua con giống hỗ trợ cho thành viên mới nhằm tiếp tục nhân rộng đối tượng thụ hưởng.
Ông Phan Chí Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận cho hay, trên địa bàn xã hiện có 5 dự án hỗ trợ giống vật nuôi từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững do UBND xã và UBND huyện làm chủ đầu tư. Trong 50 hộ gia đình thụ hưởng các dự án này (đa phần là hộ nghèo, cận nghèo) mỗi nhóm đều có một người có kinh nghiệm sản xuất để hướng dẫn, hỗ trợ hộ thành viên tham gia thực hiện mô hình.
Sau 2 năm triển khai cách làm này, các dự án đã dần thay đổi được phương thức, thói quen chăn nuôi của người dân địa phương. Người dân không thả rông vật nuôi như trước mà làm chuồng trại, có hộ còn trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Một số hộ dân còn biết tận dụng sản phẩm phụ từ chăn nuôi để chăm sóc các loại cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình.
Không chỉ thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, UBND xã Thuận còn tìm kiếm nguồn vốn, lựa chọn hộ sản xuất giỏi để thí điểm làm mẫu mô hình trồng trọt cho người dân học tập.
Cụ thể đó là mô hình thí điểm 1 ha chuối mật mốc cấy mô của gia đình ông Võ Văn Triều, thôn Thuận 2 do Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hướng Hóa - Đakrông hỗ trợ. Sau 8 tháng trồng và chăm sóc, đến nay vườn chuối mật mốc cấy mô của gia đình ông Triều đã bén rễ, phát triển khá tốt. Đặc trưng của giống chuối mật móc bản địa là phải địa hình dốc, thoát nước tốt, đất đai màu mỡ.
Tuy nhiên, đất đai ở đây sau nhiều năm trồng giống chuối bản địa đã bị thoái hóa, bạc màu nên cho năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Trong khi đó, giống chuối cấy mô có ưu điểm là trồng được ở vùng đất bằng phẳng, không cần phải đất mới màu mỡ như cây chuối bản địa. Tuy nhiên, giai đoạn đầu mới xuống giống thì chuối cấy mô đòi hỏi quy trình chăm sóc kỹ lưỡng, cần tưới nước, theo dõi để phòng trừ bệnh tuyến trùng chứ không phó mặc trời đất như cây chuối bản địa nên cần người có kinh nghiệm, biết đầu tư sản xuất.
Ông Triều được lựa chọn thực hiện mô hình điểm vì cần cù, chịu khó, có kinh nghiệm trồng chuối, đồng thời có tiềm lực kinh tế đối ứng xây dựng mô hình. “Địa phương thí điểm để tìm giống chuối phù hợp thay thế giống chuối bản địa. Có mô hình thực tế như thế này người dân sẽ dễ dàng tiếp thu, học tập kinh nghiệm sản xuất để thay đổi tư duy, phương thức canh tác lạc hậu”, ông Thuận nói.
Xã Thuận là xã biên giới, địa hình có nhiều đồi núi, sườn dốc, khe suối, cơ sở hạ tầng thiếu liên kết, đồng bộ. Địa bàn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên phương thức, tập quán sản xuất còn lạc hậu, sản phẩm làm ra chủ yếu là tự cung, tự cấp nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và cách làm sáng tạo của địa phương trong những năm gần đây, cuộc sống của người dân đang dần thay đổi, cụ thể tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm đáng kể.
Năm 2023 toàn xã có 259 hộ nghèo, chiếm 32,89%; hộ cận nghèo 119 hộ, chiếm 15,66% thì đến cuối năm 2024 giảm còn 180 hộ nghèo, chiếm 23,68%; 142 hộ cận nghèo, chiếm 18,68%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng từ 23 triệu đồng/người năm 2023 lên 25 triệu đồng/người năm 2024. So với mặt bằng chung của huyện còn thấp nhưng với điều kiện của xã biên giới đặc biệt khó khăn thì đây là sự nỗ lực lớn cần được ghi nhận.