Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ

Một trong những nội dung quan trọng trong Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 'Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế' (Kết luận số 91) là yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.

Các thấy, cô giáo Trường Tiểu học số 1 Si Pa Phìn (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chuẩn bị sách truyện cho học sinh tại thư viện của trường. Ảnh: Bảo Hà

Các thấy, cô giáo Trường Tiểu học số 1 Si Pa Phìn (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chuẩn bị sách truyện cho học sinh tại thư viện của trường. Ảnh: Bảo Hà

Kết luận số 91 ban hành trong bối cảnh trước thềm năm học mới 2024-2025, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nhức nhối của các địa phương trên cả nước khi số học sinh tiếp tục tăng lên. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên cả nước là 1.251.377 giáo viên. Dù đã tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023, cả nước vẫn thiếu khoảng 113.000 giáo viên, trung bình mỗi tỉnh, thành phố thiếu gần 2.000 giáo viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả. Đồng thời, tiến hành các giải pháp mang tính tình thế như ký hợp đồng ngắn hạn, phân công giáo viên dạy liên trường, điều động giáo viên từ trường thừa về trường thiếu, dạy học trực tuyến từ các địa phương khác...

Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục cho rằng, giải pháp tình thế có nhiều hạn chế do giáo viên luân chuyển hay hợp đồng ngắn hạn sẽ không thể theo sát được cả quá trình học của học sinh để có cách dạy và học phù hợp. Giáo viên dạy liên trường dẫn đến tình trạng quá tải số tiết dạy, vượt khung quy định.

Mặc dù vậy, giải pháp tình thế vẫn được nhiều địa phương tiếp tục áp dụng trong năm học tới để đảm bảo có giáo viên dạy học sinh, đặc biệt là ở các khu vực không thu hút được nguồn tuyển. Thực tế, trước thực trạng thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc và mỹ thuật, nhiều địa phương đã treo thưởng cả trăm triệu đồng cũng không thu hút được nhân sự cho vùng khó khăn.

Chính vì thế, nội dung rất quan trọng được hàng triệu cán bộ quản lý, nhà giáo cả nước quan tâm đã được nêu trong Kết luận số 91 là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về GD&ĐT, trong đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Đồng thời, đổi mới quản lý Nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng...

Các chuyên gia khẳng định, với yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD&ĐT; bảo đảm chi cho GD&ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, Kết luận số 91 góp phần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt, với cơ chế, chính sách đột phá, ngành giáo dục sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài tại các cơ sở GD&ĐT.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-moi-co-che-tuyen-dung-dai-ngo-post479926.html