Gấp rút hoàn thành đơn hàng xuất khẩu trước 9/7
Nhiều doanh nghiệp đang tăng công suất để kịp giao hàng cho các đối tác ở Mỹ trước ngày 9/7 - thời điểm Chính phủ Mỹ xem xét lại chính sách thuế đối ứng áp lên hàng nhập khẩu vào nước này.
Sau khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, Tổng Công ty May 10 nhận được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giao hàng sớm hơn kế hoạch của các đối tác, đặc biệt là đối tác Mỹ. Vừa đẩy nhanh đơn hàng, doanh nghiệp lo đa dạng hóa thị trường. Tin vui là hiện đơn hàng đã có tới hết Quý III năm nay.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay: “Hiện nay chúng tôi dồn toàn lực lo các đơn hàng. Song song với đó, chúng tôi tìm thị trường mới ngoài thị trường Mỹ. Gần đây, chúng tôi xuất sang Ấn Độ. Đó cũng là giải pháp về dài hạn để chúng tôi chia sẻ rủi ro khi khó khăn của bất cứ thị trường nào chúng tôi sẽ có thị trường khác để bù đắp vào”.
Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 13%, với 88% kim ngạch xuất khẩu là công nghiệp chế biến.
PGS.TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đang thúc giục làm nốt những đơn hàng được đặt hàng từ trước đó. Khi mà thời hạn 90 ngày đang cận kề thì nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị một cách hối hả. Nhưng hậu giai đoạn này, tức là những tháng tới thì đây là bài toán khó”.
Theo tính toán, riêng thị trường Mỹ chiếm 30,43% kim ngạch xuất khẩu cả nước với nhiều mặt hàng chủ lực như máy vi tính, điện thoại, máy móc, dệt may, giày dép. Việc đàm phán thuế quan cũng đang được hai bên thúc đẩy với nhiều tín hiệu khả quan, mức thuế dự kiến sẽ về thấp hơn đáng kể so với con số 46% Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, chuẩn bị kịch bản ứng phó là điều các doanh nghiệp, hiệp hội cần thực hiện.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính - Bộ Tài chính cho biết: “Điều mà Nhà nước hoặc doanh nghiệp phải làm đó là chuẩn bị tinh thần rằng: thị phần của hàng Việt ở Mỹ sẽ không cao như thời điểm trước kia và chắc chắn cạnh tranh sẽ nhiều hơn; lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ giảm đi. Và chúng ta dần dần phải tái cấu trúc thị trường xuất khẩu”.
Các chuyên gia lưu ý: đa dạng hóa xuất khẩu, hướng tới 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, ký kết chính là điều doanh nghiệp, hiệp hội ngành cần làm lúc này để đảm bảo tăng trưởng ở mức 12% như mục tiêu đề ra ngay từ đầu năm.