Đổi mới công tác sưu tầm trong Hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 11/7, tại TP Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị trong Hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước với chủ đề 'Đổi mới công tác sưu tầm trong Hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay'.

Theo Ban tổ chức, hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới đặt ra với công tác sưu tầm trong giai đoạn hiện nay như: loại hình, phương thức sưu tầm, quản lý hồ sơ tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng và di tích. Đặc biệt, sẽ có chương trình gặp mặt các Anh hùng lực lượng vũ trang, các nhân chứng lịch sử đã được gặp Bác Hồ và tổ chức hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Quang cảnh tại hội nghị.

Quang cảnh tại hội nghị.

Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh cho hay, công tác sưu tầm hiện vật có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng, là yếu tố quan trọng, có tính quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi bảo tàng.

Chính vì thế, trong thời gian qua, các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cũng như định hướng, nhu cầu của đơn vị mình để không ngừng sưu tầm bổ sung các hiện vật, tài liệu có giá trị làm phong phú kho cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn.

Công tác sưu tầm hiện vật được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau như: thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc thu thập hiện vật tại thực địa, mua bán, tiếp nhận hiến tặng, trao đổi, điều chuyển, chuyển giao. Đến nay, đã có nhiều hiện vật gốc, sưu tập hiện vật độc đáo liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ, phục vụ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tại hội nghị.

TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tại hội nghị.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể sưu tầm được hiện vật đảm bảo được cả số lượng và chất lượng? Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý hồ sơ tài liệu, hiện vật như thế nào? Đồng thời, làm thế nào để những hiện vật sưu tầm về được bảo quản và phát huy một cách tốt nhất cho công tác trưng bày, giáo dục tại bảo tàng, di tích trong Hệ thống.

Hội nghị lần này sẽ là cơ hội để các đơn vị trong hệ thống trao đổi trực tiếp, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Hy vọng rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các lãnh đạo Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, các đơn vị trong hệ thống sẽ đạt được những thành tích mới trong công tác sưu tầm. Để những hiện vật được sưu tầm về thực sự trở thành di sản văn hóa, là tài sản quốc gia, góp phần phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doi-moi-cong-tac-suu-tam-trong-he-thong-bao-tang-va-di-tich-luu-niem-chu-tich-ho-chi-minh-20230711132216613.htm