Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề. Trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề.

Tuy nhiên, tại Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư mới đây về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã chỉ rõ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt. Lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, Ban Bí thư yêu cầu, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để làm được điều đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội cho rằng, đầu tiên cần quy hoạch các vùng tập trung, hoặc phát triển các làng nghề truyền thống. Tức là lao động tập trung theo các cụm quy hoạch tập trung liên quan đến nông nghiệp để có thể đào tạo nghề. Muốn vậy, mô hình sản xuất phải được đổi mới, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Gắn đào tạo lao động vào các mô hình đó, lúc đó mới góp phần tăng năng suất lao động.

Theo ông Sơn, bây giờ người lao động không chỉ được đào tạo về tay nghề mà còn cả kỹ năng ứng dụng các khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cần quan tâm đào tạo nghề tại chỗ để cung cấp cho các khu công nghiệp.

Còn theo TS Trịnh Xuân Việt (Học viện Chính trị), đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-moi-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-10285597.html