Đổi mới giáo dục phải tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam

là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng diễn ra vào ngày 13/5.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai ở các cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông được cải tiến theo từng giai đoạn trên cơ sở tiếp thu về khoa học đo lường đánh giá và kinh nghiệm triển khai đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến tại phiên họp.

Hiện việc đánh giá được xem là nguồn cung cấp các chỉ số về học tập và tuân theo trình tự: Người dạy thực hiện việc giảng dạy, kiểm tra kiến thức người học và tiến hành đánh giá kết quả của người học và dựa trên kết quả kiểm tra đó để làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo.

Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận này đang vấp phải thử thách rất lớn trước yêu cầu của xã hội khi mà sự thay đổi của khoa học đã cung cấp những vấn đề bản chất của việc đánh giá do không chỉ dừng lại việc thu thập và phân tích dữ liệu về kết quả học tập mà còn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn với mục đích cuối cùng là sự tiến bộ không ngừng của người học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Bộ GD&ĐT đề xuất 7 giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá. Trong đó, xây dựng và ban hành quy định về chuẩn đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tăng cường đánh giá năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề, tình huống thực tiễn. Đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Một trong những nhiệm vụ của Hội đồng là giúp chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hội đồng cần lần lượt đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI như: Khung hệ thống giáo dục quốc dân; khung chương trình bảo đảm hội nhập phù hợp với khung chương trình của ASEAN, tiệm cận với quốc tế; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phương thức dạy và học...

"Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam. Từng bước đi phải kiên trì; điều chỉnh tiến độ, cách làm nhưng kiên định xu thế, mục đích.

Quang cảnh phiên họp.

Xây dựng chương trình làm việc cả nhiệm kỳ của Hội đồng theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong từng năm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xã hội, người dân luôn rất quan tâm đến giáo dục. Trong thời đại thông tin, các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bàn bạc thấu đáo, có định hướng ra công luận, đúng theo tư tưởng đổi mới mà Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI đã đề ra.

Tiến Quang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-moi-giao-duc-phai-tinh-den-dieu-kien-chinh-tri-kinh-te-xa-hoi-van-hoa-cua-viet-nam-post194461.html